Ngày 27/4, Bộ GD&ĐT đã họp báo cung cấp thông tin về Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 có 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 688.610 em.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2018 tăng hơn 1,2% so với năm 2017. Tuy nhiên, chỉ tiêu sư phạm giảm 38%. Bộ GD&ĐT chủ trương nâng cao ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đảm bảo chất lượng đào tạo”.
Trong buổi gọp mặt báo chí để trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia 2018, TS Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - thông tin năm 2017, Bộ GD&ĐT có 3 đề thi là minh họa. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD&ĐT chỉ công bố đề tham khảo duy nhất.
Theo ông Sái Công Hồng, đề thi tham khảo phải gắn liền hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và sử dụng dữ liệu để xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Vì vậy, đề thi phải bám liền vào mục đích này, gồm 60% là kiến thức cơ bản và 40% là kiến thức nâng cao để phân loại. Năm 2018, kỳ thi được mở rộng ra với nội dung 20% lớp 11.
Đề thi có 4 nhóm cấp độ: Dễ, trung bình, khó và tương đối khó và được sắp xếp theo trình tự.
“Với đề thi minh họa vừa qua, tôi nhận được một số ý kiến của hiệu trưởng và báo chí cho rằng đề thi khó quá trong phần phân hóa, chúng tôi cũng tiếp thu”, ông Hồng nói.
Đối với khối Khoa học Tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học, phần câu hỏi khó sẽ nghiêng bản chất như hiện tượng Vật lý, Hóa học, không phải về tính toán. Đề thi cũng sẽ có câu hỏi về thí nghiệm và thực hành để phù hợp với chương trình SGK mới.
“Trong các môn này cũng bắt đầu xuất hiện câu hỏi về thí nghiệm và thực hành để phù hợp với chương trình SGK mới trong thời gian tới nhưng theo lộ trình từ ít đến nhiều trong những năm tiếp theo. Nếu không học sinh sẽ sốc. Chúng tôi mong muốn việc này sẽ tác động trở lại với việc dạy học trong trường phổ thông, lý thuyết cần đi đôi với thực hành”, ông Hồng nói với Zing.
Cục phó Cục Quản lý Chất lượng thông tin môn Toán cũng sẽ bắt đầu xuất hiện một số câu hỏi về lý thuyết Toán để học sinh hiểu bản chất vấn đề, đánh giá năng lực Toán học của các em.
Ông Sái Công Hồng cho biết đề thi thực sự sẽ được Bộ GD&ĐT sử dụng khi các hội đồng cách ly hoàn toàn, còn hiện nay Bộ GD&ĐT chọn mẫu đề thi của các trường THPT trong cả nước là nguồn, giúp câu hỏi xác thực và bám sát thực tiễn hơn.