Nguyễn Thế Quỳnh - 9x Quảng Bình từng giành 2 HCV Olympic Quốc tế trúng tuyển vào ĐH số một thế giới
Nguyễn Thế Quỳnh là cựu học sinh trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình. Thông minh, chăm chỉ, chàng trai sinh năm 1999 từ nhỏ đã nổi tiếng quanh vùng vì học giỏi. Chàng trai này có gia cảnh khá đặc biệt, mồ côi bố từ bé, Quỳnh sống với mẹ làm nghề buôn bán ở chợ Cộn, thành phố Đồng Hới. Sớm hiểu được vất vả của mẹ, Quỳnh quyết tâm học và chủ động định hướng cho bản thân trong học tập.
Cấp 1 và cấp 2, Nguyễn Thế Quỳnh đều giành HCV học sinh giỏi quốc gia môn Toán. Năm học lớp 9, Quỳnh đoạt giải Nhì môn Toán, giải Ba môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Kỳ thi vào THPT, Quỳnh đỗ vào lớp chuyên Lý và chuyên Toán, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Nguyễn Thế Quỳnh còn vừa nhận được thư trúng tuyển từ Viện công nghệ kỹ thuật số 1 thế giới MIT - Massachusetts Institute of Technology và Đại học Stanford. Cậu bạn cũng là một trong hai học sinh tiêu biểu toàn quốc được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong học tập.
Tháng 7-2016, khi vừa học xong lớp 11, Nguyễn Thế Quỳnh tham gia kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Thụy Sĩ và là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong 5 thí sinh của Đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam. Kết quả, Quỳnh đoạt Huy chương Vàng với tổng số điểm 40,8/50, là một trong hai tấm Huy chương Vàng cho đoàn Việt Nam.
Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2017 tổ chức tại Indonesia, từ ngày 16 đến 24-7, với sự tham gia của 424 thí sinh đến từ 86 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguyễn Thế Quỳnh lại xuất sắc giành Huy chương Vàng, với tổng số điểm 29,95. Đây là học sinh đạt thành tích cao nhất trong hơn 70 năm qua của ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình.
Sau 4 tháng rèn luyện kỹ năng tiếng Anh, Quỳnh vượt qua các kì thi chuẩn hóa và hoàn thiện hồ sơ cùng bài luận xuất sắc về thiên tai ở các vùng quê miền biển nghèo ở Việt Nam, Viện công nghệ Massachusetts đã đồng ý nhận cậu vào học với mức học bổng toàn phần.
Theo Thế Quỳnh, bí quyết giúp em chinh phục ngôi trường ĐH danh giá Mỹ nằm ở con người chứ không chỉ những con số trong hồ sơ. “Mình đã cố gắng thể hiện con người, niềm đam mê, tính cách và ước mơ của mình trước hội đồng tuyển sinh qua các bài luận và phỏng vấn. Mình nghĩ điều này là quan trọng tương đương với thành tích học thuật. Là người con của Quảng Bình, chứng kiến sự phá hoại của thiên tai, mình đã viết luận về tình trạng của người dân vì vật liệu xây nhà sơ sài, không chống chọi được bão, tình trạng thiếu điện, thiếu nước sạch mỗi khi cơn bão lũ trôi qua. Mình mong muốn góp phần tìm giải pháp công nghệ để giúp con người chống lại thiên tai tốt hơn”.
Với thành tích học tập đầy ngưỡng mộ, Nguyễn Thế Quỳnh còn rất yêu thích thể thao, đặc biệt là bóng đá, quần vợt. Ngoài ra, em còn có niềm đam mê rất lớn đối với truyện trinh thám Conan.
Đinh Lê Công - chàng trai “dành cả thanh xuân để săn học bổng” trở thành Tiến sĩ toàn phần khi mới học năm 3 Đại học Southampton
Với thành tích HCB Toán quốc tế, nhận học bổng toàn phần tại ĐH Southampton, được cấp học bổng lên thẳng nghiên cứu sinh tiến sĩ ở năm 3 đại học với tổng giá trị gần 9 tỷ đồng, Đinh Lê Công, chàng trai đến từ Hà Tĩnh được gọi là người “dành cả thanh xuân để săn học bổng”.
ĐINH LÊ CÔNG - 1995
Cựu HS Trường THPT Chuyên - Đại học Vinh
Giải Nhất môn Toán học Kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2013.
Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế tại Comlombia năm 2013.
Hội phó Hội Sinh viên Việt Nam tại Southampton.
Học bổng đại học toàn phần Trường Đại học Southampton năm 2015.
Học bổng toàn phần Asean của chính phủ Singapore ngành toán kinh tế bậc đại học 2015.
Giải thưởng cho sinh viên có thành tích cao nhất khoa Toán Trường Đại học Southampton năm 2016.
2 năm liên tiếp nằm trong danh sách khen thưởng của Hiệu trưởng (Dean’s list) ở Trường Southampton.
Học bổng tiến sĩ toàn phần khoa Điện tử và Công nghệ thông tin, Đại học Southampton sẽ trao vào tháng 9/2018.
Đinh Lê Công (1995), đến từ Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh, hiện đang học tập tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh (ngành Toán kinh tế).
Năm 2013, xuất sắc giành giải nhất trong kì thi học sinh giỏi Toán quốc gia, Đinh Lê Công tiếp tục là một trong 6 chàng trai mang về vinh quang cho Việt Nam tại Olympic Toán quốc tế tổ chức tại Colombia khi đạt HCB với 30 điểm, chỉ thiếu 1 điểm nữa là “giật” HCV. Thành tích này đã mang về cho Công quỹ học bổng toàn phần học tập tại ĐH Southampton, Vương quốc Anh. Đây là học bổng dành cho sinh viên Việt Nam có thành tích cao trong các kì thi Olympic. Ngoài học bổng này, năm 2015, Đinh Lê Công cũng nhận thêm 1 học bổng toàn phần: Học bổng Asean của chính phủ Singapore để theo học ngành toán kinh tế bậc đại học, tuy nhiên anh từ chối vì không thể song song học hai trường đại học ở hai quốc gia.
Tháng 7/2018 này Công sẽ tốt nghiệp đại học, chàng trai này tiếp tục nhận thêm học bổng toàn phần bậc tiến sĩ khoa Điện tử và Công nghệ thông tin, Đại học Southampton. Công là một trong những sinh viên ít ỏi nhận học bổng tiến sĩ ở năm 3 đại học mà không cần học qua Thạc sĩ.
Đối với sinh viên quốc tế, mỗi năm các khoa Điện tử và Công nghê thông chỉ cấp tối đa 1 suất học bổng toàn phần. Do đây là khoa thế mạnh của trường Southampton, những nghiên cứu, ứng dụng của khoa những năm gần đây đều xếp top 5 các trường đại học ở UK nên rất nhiều hồ sơ từ khắp nơi muốn tiếp tục nghiên cứu ở khoa này, kể cả sinh viên từ trường danh giá trên thế giới như Oxford, Stanford. Tính ra, tổng kinh phí học bổng mà chàng trai này nhận cho cả bậc đại học và tiến sĩ lên đến gần 9 tỷ đồng.
Công chia sẻ: “Vấn đề đầu tiên mình đối mặt để apply học bổng đại học là nâng cao trình độ Tiếng Anh. Mình nhắm vào các nước có trình độ đào tạo đại học cao như Singapore, Anh, Mỹ để làm hồ sơ vì thông thường trình độ đào tạo càng cao, các trường sẽ càng cần những học sinh giỏi và do đó sẽ có nhiều gói học bổng toàn phần hơn để bạn có thể theo đuổi.”
Giáo sư Huifu, giảng dạy môn tối ưu hóa tại đại học Southampton nhận xét về Lê Công: “Cậu là học sinh giỏi nhất của tôi trong vòng 25 năm qua. Nếu không nhận được học bổng toàn phần này, lỗi không phải ở cậu mà là do môi trường đó không phù hơp với cậu.”
Công theo học ngành Toán ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế, trí tuệ nhân tạo nên trong bài luận apply học bổng sẽ liệt kê rất cụ thể về các thành tích trong học tập cũng như hoạt động cộng đồng. Công là Hội phó Hội sinh viên Việt Nam ở Southampton và là người tổ chức sự kiện cho câu lạc bộ kiểm toán của trường nên những điều đó giúp bài luận phong phú hơn.
Đối với bài luận để xin học bổng tiến sĩ, điều then chốt là định hướng nghiên cứu trong tương lai. Định hướng không chỉ phải tốt, mà còn đáp ứng nhu cầu của nhà trường cũng như những cá nhân cung cấp học bổng. Do đó, để tiếp cận định hướng này là tiếp xúc trực tiếp những giáo sư, ban quản lý về các đề tài, định hướng có khả năng phát triển trong những năm tới tại trường đó. Sau đó, kết hợp với định hướng vốn có của bản thân để đưa ra một bài luận có sức thuyết phục cao.
Nam sinh chuyên KHTN - ĐHQG Hà Nội 2 năm liên tiếp giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế
Trong mùa thi Olympic Hóa học quốc tế 2018, Phạm Đức Anh (học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) xuất sắc giành Huy chương Vàng. Năm 2017, Đức Anh là học sinh nhỏ tuổi nhất trong 4 thành viên của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế 2017 và là 1 trong 3 học sinh giành được Huy chương Vàng.
Đây là tấm Huy chương Vàng Olympic quốc tế thứ hai mà Đức Anh đạt được, chỉ mới năm trước cậu bạn cũng có vinh dự đeo trên ngực tấm huy chương danh giá tại kì thi Olympic Hóa học tổ chức tại Thái Lan. Đức Anh chia sẻ cảm thấy rất vui vì đã góp một phần nhỏ vào kết quả chung của đội tuyển và thành tích của đất nước.
Hơn thế, với kết quả này, Đức Anh đã hoàn thiện lời hứa “đổi màu huy chương” cho anh trai ruột của mình khi cách đây 10 năm, anh trai của Đức Anh là Phạm Anh Tuấn khi tham dự Olympic Hóa học quốc tế giành Huy chương Đồng.
Đức Anh cho biết thêm, năm nay, Olympic Hóa học quốc tế tổ chức tại tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Solovakia. Đây là cái nôi của nền hóa học thế giới. Trong lịch sử, năm 1968, tại chính mảnh đất này diễn ra kì Olympic Hóa học đầu tiên. Đến nay là tròn 50 năm kì thi quay lại điểm tổ chức đầu tiên, điều này mang một ý nghĩa thiêng liêng to lớn với tất cả những người yêu Hóa học như chúng em.
“Cũng có thể vì thế nên đề Hóa năm nay độ khó tăng lên, nên số lượng huy chương các đoàn bạn trên thế giới cũng giảm đi nhiều. Trong đó, khó nhất là phần thi thực hành. Cả ba bài thi thực hành đều khó. Đòi hỏi người thi phải sắp xếp thời gian, dụng cụ thí nghiệm hợp lí mới đủ thời gian để thực hiện. Đồng thời, chúng em bắt gặp một số thiết bị thí nghiệm khá mới và hiện đại nên hơi bị lúng túng một chút thời gian đầu bài thi”, Đức Anh cho hay.
Trong kỳ thi Olympic Hóa học 2018, Đức Anh là thí sinh duy nhất phải đi một mình, không có người thân hay thầy cô giáo đi cùng. Ngày đầu đặt chân đến nơi, Đức Anh bị thất lạc hành lí, đến ngày thứ ba mới lấy được, nên những ngày đầu phải mượn đồ của các bạn để sử dụng. Gia đình đã rất lo lắng và thương Đức Anh nhưng vẫn tin tưởng vào bản lĩnh của em. Và cuối cùng, bao nhiêu mong chờ cũng đã được hái quả ngọt.
Đức Anh chia sẻ, cậu bạn sẽ học tại Trường Đại học Y Hà Nội, ngành bác sĩ đa khoa. Dù biết đây là ngành rất khó nhưng vì gia đình có truyền thống về ngành y dược nhiều thế hệ, anh trai Đức Anh cũng đang là bác sĩ nội trú nên nếu có vấn đề gì trong quá trình học tập đã có anh trai tư vấn. “Từ lúc 5 tuổi, mình đã được theo mẹ vào viện,được quen dần với môi trường bệnh viện. Cũng vì thế mà ngọn lửa ước mơ trở thành bác sĩ của mình cũng lớn dần từ đó. Hơn nữa, đó là nghề cứu người, mang lại hạnh phúc mọi người nên mình càng tự tin vào sự lựa chọn theo học ngành Y là chính xác”.