Những tấm thiệp mời, những bữa tiệc linh đình mừng con đậu đại học gây tranh cãi...
Thời điểm này, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, nhiều thí sinh đã nắm chắc trong tay cơ hội đậu vào những ngôi trường Đại học mà mình mong muốn. Niềm vui này chẳng phải dành riêng cho các thí sinh đâu mà gia đình, người thân cũng vui mừng, tự hào không kém.
Để khen thưởng cho sự nổ lực và cố gắng suốt 1 chặng đường vừa qua, nhiều phụ huynh đã quyết định "chơi lớn", mở tiệc hoành tráng đãi bạn bè, người thân, chúc mừng thành quả của con cái.
Tuy nhiên, có những gia đình lại khiến nhiều người phải tròn mắt ngạc nhiên, thậm chí là khó chịu khi những bữa tiệc vốn mang tính chất ấm cúng, thân mật lại trở thành bữa tiệc khoe khoang khi bày biện, tổ chức quá linh đình, lãng phí.
Điển hình, trước đó, một gia đình ở Đắk Lắk có con đỗ đại học, vì quá hạnh phúc nên họ đã quyết định tổ chức một bữa tiệc tại nhà hàng và in thiệp mời bạn bè, người thân tới chung vui. Theo thông tin chia sẻ thì gia đình đã tổ chức một bữa tiệc với 32 mâm cỗ.
Câu chuyện mừng con đỗ đại học của gia đình Đắk Lắk này đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Người ta cho rằng cách thể hiện của gia đình có phần khoa trương, tốn kém so với một sự kiện như vậy.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến phản đối suy nghĩ trên bởi họ cho rằng với nhiều gia việc con đỗ đại học là hết sức bình thường, nhưng với những gia đình khác thì đó là sự kiện quan trọng, là niềm tự hào của họ, là cột mốc quan trọng đánh dấu chặng đường học tập 12 năm của con cái họ. Chính vì thế việc tổ chức tiệc mừng cũng là rất bình thường.
Chủ bữa tiệc cũng từng lên tiếng chia sẻ trên báo chí rằng việc tổ chức mừng con đỗ đại học cũng là cách để gia đình truyền tải tới con thông điệp hãy luôn cố gắng học hành, "uống nước nhớ nguồn" và gia đình tổ chức theo cái tâm của mình.
Tương tự, năm 2019 vừa qua, ở một group kín trên mạng xã hội đã lan truyền bức ảnh một gia đình tổ chức liên hoan chia tay cho hai người con chuẩn bị lên đường du học, người đi Nhật còn người đi Singapore.
Ngay sau khi hình ảnh trên xuất hiện, bên cạnh những lời chúc mừng thì gia đình cũng đã nhận về vô số những lời xì xào, bàn tán ra vào chẳng mấy tích cực bởi màn ăn mừng quá hoành tráng, dựng sân khấu với dàn nhạc, mâm tiệc linh đình chẳng khác nào một đám cưới.
Trước đó, MXH cũng từng xuất hiện những tấm thiệp mời khác với nội dung mừng các bạn học sinh đậu Đại học gây tranh cãi trong CĐM:
Có nên thưởng quà lớn, đãi tiệc linh đình mừng con đậu Đại học?
Sở dĩ phụ huynh treo thưởng, là để tạo thêm động lực cho con cái học tập, và ý thức trách nhiệm.Tuy nhiên, về lâu dài, có thể khiến các bạn trẻ ngộ nhận rằng, khi mình đạt được thành tích nào đó thì cha mẹ phải có có bổn phận tặng quà. Thậm chí dẫn đến nhầm lẫn về vai trò của bản thân trong việc học của chính mình, nhầm lẫn cả về mục tiêu lâu dài của việc học…
Bên cạnh đó, việc tổ chức tiệc mừng cho con thật lớn để ghi dấu sự kiện quan trọng cũng dễ khiến người khác có cái nhìn không hay, rằng gia chủ đang quá phô trương và lãng phí. Thậm chí, điều này còn dễ khiến khách khứa có suy nghĩ mình bày biện để... thu bao thư.
Chị Trịnh Thị Thu Hà (39 tuổi, ngụ Bình Phước) bày tỏ: "Với tôi, trong gia đình có con cháu đậu đại học đúng như mong muốn quả thực là một niềm vui và rất đáng để tự hào. Tuy nhiên, việc tổ chức tiệc chúc mừng rình rang, thậm chí phát hẳn thiệp mời thì không cần thiết. Bởi lẽ, việc này quá tốn kém; bên cạnh đó, liệu những người được mời tham dự có chắc họ sẽ vui vẻ hay đến tham dự chỉ vì nể nang. Do đó, quan điểm của tôi nếu gia đình có tổ chức ăn mừng thì chỉ cần 1, 2 mâm cơm ấm cúng, thân mật cùng người nhà là trọn vẹn rồi.
Nhất là năm nay, trong thời điểm nhạy cảm này- dịch COVID- 19 đang diễn ra hết sức nguy hiểm nên việc tránh tụ tập đông người là cần thiết để bảo vệ mình và cộng đồng.Tôi hi vọng những gia đình có con em đậu đại học cũng sẽ cân nhắc về vấn đề này. Tôi tin rằng không cần phải tổ chức ăn uống linh đình mà mọi người vẫn biết đến tin vui của các cháu và chúc mừng gia đình thì đó là điều đáng quý và vui vẻ nhất".
Đồng ý kiến, ông Hoàng Văn (50 tuổi, ngụ TP.HCM) cho hay: "Mỗi ngày, mỗi người phải nhận đủ thứ lời mời từ đám cưới, đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, mừng thọ... một sức ép không nhỏ về thời gian và tiền bạc. Bản thân tôi thấy, nếu người được mời đến dự bữa tiệc đậu Đại học thôi thì cũng chẳng mấy dễ chịu. Tất nhiên, khi đến tham dự, ngoài mặt thì vui vẻ chứ trong lòng có khi lại có nhiều suy nghĩ khác nhau.
Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng nên để ý đến nguyện vọng của con cái, chứ thật ra, việc tổ chức linh đình này xuất phát từ ý muốn cá nhân của bố mẹ là chủ yếu. Bố mẹ hãy đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau của con cái, của các vị quan khách, của những thân mình xem thử bữa tiệc hoành tráng ấy "có thực sự vui vẻ hay lại hóa phô trương?" rồi hẵng quyết định. Theo tôi, nếu không muốn con mình, gia đình mình trở thành chủ đề bàn tán trong câu chuyện của nhiều người thì cứ tổ chức bữa tiệc ấm cúng với người thân là hay nhất".