Đường lên đỉnh Olympia là một trong số những chương trình truyền hình “ăn khách” nhất tại Việt Nam, đây còn được xem là bệ phóng cho những tài năng trẻ với ước mơ chinh phục con đường tri thức.
Bên cạnh suất học bổng du học Australia dành cho Quán quân của năm thì nhiều người vẫn thường đặt ra câu hỏi, liệu rằng những Á quân bước ra từ cuộc thi danh giá này sẽ có cuộc sống ra sao, môi trường học tập thế nào. Hôm nay, hãy cùng điểm qua 4 gương mặt á quân tiêu biểu có được những ánh hào quang chẳng thua gì so với các quán quân đâu nhé!
Á quân mùa đầu tiên Nguyễn Thành Vinh - một trong các Tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam tại nước ngoài
Nguyễn Thành Vinh là Á quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên, cùng năm với cô bạn quê ở Vĩnh Long - Trần Ngọc Minh giành Quán quân. Lúc đó, Thành Vinh đang là học sinh chuyên Hóa, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa.
Theo website của THPT chuyên Lam Sơn, ngoài giải Á quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2000, Thành Vinh còn xuất sắc mang về tấm huy chương bạc tại kỳ thi “Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 32” tổ chức tại Đan Mạch.
Sau khi bước ra từ chương trình Olympia năm đó, Thành Vinh tiến hành xin học bổng và giành được ngay suất học bổng của chính phủ Úc, tiếp tục con đường du học tương tự như quán quân Trần Ngọc Minh. Anh cũng trở thành một trong những tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam ở nước ngoài tính tới thời điểm hiện tại.
Không những thế, Thành Vinh còn gây chú mạnh với khán giả truyền hình thông qua vai diễn Nam trong bộ phim truyền hình “Phía trước là bầu trời”. Dù chỉ là một diễn viên tay ngang, tuy nhiên lối diễn xuất nội tâm của anh chàng đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người xem.
Á quân Olympia năm thứ nhất cũng từng chia sẻ trên báo chí và truyền hình vào năm 2014 rằng, anh đã dành hai năm làm việc tại Đức theo chương trình hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ sau tiến sĩ có tên Alexander von Humboldt. Sau đó, anh đi nhiều nước để làm việc rồi trở về Australia nghiên cứu và hiện đang giảng dạy bộ môn Hóa học tại trường ĐH Curtin, TP.Perth, bang Tây Australia.
Á quân mùa thứ hai Đỗ Thị Hồng Nhung - Thạc sĩ ngành Giáo dục truyền thông tại Phần Lan
Đỗ Thị Hồng Nhung là Á quân mùa thứ hai cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, mùa mà anh chàng đến từ Hà Tĩnh - Phan Mạnh Tân đã xuất sắc lên ngôi vô địch. Mặc dù chỉ giành được vị trí thứ hai chung cuộc, thế nhưng “truyền nhân” của á quân mùa đầu tiên Trần Ngọc Minh lại để lại ấn tượng sâu sắc với những khán giả theo dõi cuộc thi năm đó.
Sở dĩ gọi là “truyền nhân” của quán quân Trần Ngọc Minh là do cô gái Hồng Nhung này cũng đến từ trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long và đây cũng là lần thứ hai sau hai năm tổ chức, chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có cầu truyền hình Olympia. Một điều quả thật là hiếm thấy trong suốt hơn 20 năm của chặng hành trình Đường lên đỉnh Olympia.
Là học sinh chuyên Toán của trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long, nhưng cô gái này lại là học sinh giỏi toàn quốc môn…Văn và tiếng Anh. Tốt nghiệp loại giỏi khoa ngữ Văn của trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Nhung đã có một năm làm việc ở đài truyền hình trước khi lên đường du học.
Sau nhiều năm cố gắng, cô gái đến từ miền Tây Nam Bộ đã hoàn tất khóa học thạc sĩ Media Education (Giáo dục truyền thông) tại ĐH Lapland, Phần Lan và đang có dự định học lên tiến sĩ.
Á quân mùa thứ năm Nguyễn Nguyễn Thái Bảo - Nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, tiến sĩ ngành Y học
Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ năm (2004) có lẽ được xem là cuộc đua thú vị nhất trong số các trận chung kết của Olympia, chiến thắng năm ấy thuộc về Đỗ Lâm Hoàng (THPT Gò Vấp, TP.HCM) với 220 điểm. Thế nhưng trước đó, nam sinh đến từ trường THPT chuyên Quốc học - Huế Nguyễn Nguyễn Thái Bảo tưởng chừng như đã có lúc trở thành nhà leo núi bước lên đỉnh cao nhất của cuộc thi.
Kết thúc cuộc thi với số điểm 210, ít hơn quán quân Đỗ Lâm Hoàng 10 điểm, Nguyễn Nguyễn Thái Bảo xứng đáng được xem là một trong những kẻ về nhì “vĩ đại” trong lịch sử Olympia.
Bước ra từ cuộc thi năm đó, Thái Bảo được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và được ưu tiên tuyển thẳng vào trường ĐH Y Dược Huế năm 2005. Ngoài việc học tập, Thái Bảo cũng tham gia rất tích cực các phong trào Đoàn, Hội và cộng đồng. Đặc biệt, Thái Bảo đã là người rung được chuông vàng tại cuộc thi chung kết “Rung chuông vàng” của sinh viên các trường đại học toàn quốc lần thứ 3 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Với những nỗ lực học tập và rèn luyện trong những năm qua, Thái Bảo đã nhận được nhiều danh hiệu và phần thưởng danh giá như “Sinh viên tiêu biểu xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn quốc, được Bộ GD-ĐT và TW Đoàn TNCS HCM tặng bằng khen; “Sinh viên 5 tốt” toàn quốc và là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu “5 tốt” toàn quốc; Giải Ba cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp ĐH Huế, được tham dự cấp Quốc gia và dự thi giải thưởng VIFOTEC năm 2011,…
Hiện anh chàng đã hoàn tất khóa học nghiên cứu sinh tại Nhật Bản và nhận được bằng Tiến sĩ y học vào năm 2019.
Á quân năm thứ mười Đỗ Đức Hiếu - Nam sinh trường ĐH Ngoại thương, đạt 29/30 điểm của kỳ thi ĐH
Tại Đường lên đỉnh Olympia năm ấy, khán giả truyền hình đã được một phen cười ngất ngây với những tâm sự thật thà pha lẫn một chút hóm hỉnh của chàng trai đến từ xứ Thanh Đỗ Đức Hiếu. Tại mùa thứ mười của Olympia, Đỗ Đức Hiếu đã xuất sắc giành được vị trí á quân sau nam sinh đến từ “trường Ams - Hà Nội” Phan Minh Đức.
Rời khỏi sân chơi Olympia năm 2010, Đức Hiếu thi đỗ vào khoa Kinh tế đối ngoại của trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Không những thế, cậu bạn này còn xuất sắc khi giành được hai điểm 10 môn Toán ở kỳ thi đại học khối A và B, tổng điểm khối A của Hiếu còn khiến nhiều người ngưỡng mộ khi nam sinh “vui tính” này đạt 29/30 điểm, một con số đáng mơ ước ở các năm thi đại học trước đây.
Hiện Hiếu sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Anh chàng kết hôn vào năm 2018 và hiện gia đình nhỏ của Đức Hiếu đã đón đứa con gái đầu lòng.