Năm 2020 là một năm đáng nhớ với toàn thế giới nói chung cũng như là Việt Nam nói riêng, bởi lẽ có quá nhiều những lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Và ngành giáo dục cũng không nằm ngoài số này.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2020 đầy biến động này, nhiều giáo viên vẫn tạo ra được nhiều hiệu ứng tích cực.
Hãy cùng điểm lại loạt những thầy cô giáo, giảng viên hay cả sinh viên thực tập ngành sư phạm gây chú ý nhiều nhất trong năm 2020 vừa qua nhé!
Cô Hà Ánh Phượng - Cô giáo Việt Nam lọt Top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu
Theo thông báo chính thức từ Quỹ Varkey ngày 11/11 thì cô giáo Hà Ánh Phượng (29 tuổi, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ) đã lọt vào Top 10 Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize). Để có mặt trong danh sách này, nữ giáo viên trẻ đã phải vượt qua hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Với thành tích đặc biệt này, cô Hà Ánh Phượng cũng chính là giáo viên Việt Nam đầu tiên nhận được vinh dự kể trên và cũng là người trẻ tuổi nhất cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italia, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia và Hàn Quốc.
Trước đó vào tháng 3/2020, cô Phượng cũng là một trong 50 người góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục với những sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án, tổ chức dạy học online, lập kênh YouTube để dạy tiếng Anh miễn phí.
Cô Phượng là người dân tộc Mường, là cựu sinh viên của trường ĐH Hà Nội. Năm 2016, cô được tuyển đặc cách vào trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Từ một giáo viên của trung tâm Anh ngữ có tiếng tại Hà Nội, một phiên dịch viên đã tham gia phiên dịch cho những sự kiện lớn nhỏ của các đơn vị đến từ 18 quốc gia, cô Phượng trở về công tác ở ngôi trường miền núi với gần 90% học sinh người dân tộc thiểu số.
Cô Phượng đã có nhiều sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục, có ảnh hưởng đến cộng đồng của địa phương, cả nước và đồng nghiệp quốc tế qua các hội nhóm chuyên môn về ngoại ngữ.
Cô Phượng cũng tích cực tổ chức mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế đem học học sinh dân tộc kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu.
Nữ giáo viên 29 tuổi có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy được báo cáo tại các hội thảo quốc tế Viettesol, tham gia nhiều hoạt động từ thiện như dạy học miễn phí cho học sinh trong và ngoài nước, thư viện hạnh phúc miễn phí cho học sinh... Ấn tượng hơn, nữ giáo viên này còn đạt học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên năm 2020.
Thầy Hồ Minh Quang - 10 năm mặc áo dài đi dạy
Những tháng cuối cùng của năm 2020, cư dân mạng bắt đầu “dậy sóng” về vấn đề có nên hay không cho nam sinh, công nhân viên nam mặc áo dài đến trường học hay công sở.
Thế nhưng ít ai biết rằng, suốt nhiều năm nay, thầy Hồ Minh Quang, giảng viên của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM vẫn ngày ngày diện áo dài, đội khăn đóng, đi guốc mộc lên giảng đường, say sưa với từng con chữ cho học trò.
Được biết, thầy Quang hiện đang là trưởng khoa Khoa Đông phương học của trường.
Mặc dù trường không yêu cầu giảng viên phải mặc áo dài, thế nhưng người thầy này có hành động như trên suốt 10 năm nay chỉ đơn thuần là vì sở thích, vì muốn lưu giữ những giá trị cổ truyền thôi.
Hình ảnh thầy Quang xuất hiện một người với trọn "combo" mặc áo dài, đầu đội khăn đóng, chân đi guốc mộc đã không còn quá xa lạ đối với sinh viên khoa Khoa Đông phương học nói riêng cũng như là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nói chung.
Ngay sau khi những hình ảnh của thầy Quang được chia sẻ giữa “tâm bão” dư luận đã lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Rất nhiều người tỏ ra thích thú trước sự lựa chọn trang phục của thầy khi đứng lớp, rất trang nhã lại phù hợp với bộ môn mà thầy đang giảng dạy. Mặt khác việc làm này cũng giúp lưu giữ được một nét gì đó xưa cổ, truyền thống của người Việt từ thời xa xưa.
Trần Thảo - Cô giáo thực tập bất ngờ “nổi như cồn” trên mạng xã hội chỉ với một bức ảnh
Trong năm 2020, hình ảnh cô giáo thực tập tại TP.HCM cũng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm không nhỏ từ phía dân mạng. Theo đó hình ảnh một nữ giáo sinh với vẻ bề ngoài xinh xắn, “cute lạc lối” trong trang phục áo dài, chân mang giày sneaker đã đốn tim nhiều anh chàng.
Chỉ sau vài giờ đăng tải, loạt ảnh đã nhận được hàng chục ngàn lượt tương tác. Ngay lập tức, info của cô gái này đã trở thành đề tài được cư dân mạng truy lùng.
Theo đó, nữ giáo sinh “nổi như cồn” trên chính là Trần Thảo, thời điểm được biết đến, cô nàng hiện đang là sinh viên năm 3 trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chuyên ngành Sư phạm Văn.
Chia sẻ sau khi biết mình nhận được sự quan tâm không nhỏ từ mạng xã hội, Trần Thảo cho hay, bản thân 9X cảm thấy rất bất ngờ khi được nhiều người yêu thương, quý mến đến như vậy.
Thế nhưng cô nàng cũng khá buồn khi một số thông tin không hay xoay quanh hình ảnh trên được cộng đồng “đào bới” khá sâu, thậm chí là sử dụng hình ảnh của nữ sinh khi chưa được sự đồng ý.
Đính chính về hình ảnh mặc áo dài nhưng mang giày thể thao, Trần Thảo tâm sự: “Về chuyện đôi giày, hôm đó vừa mới trên lớp xuống, vì đi giày cao gót không quen nên mình đã thay một đôi giày thể thao khác để tiện cho việc chạy xe. Bạn mình lúc đó thấy dễ thương nên đã chụp lại. Còn thật ra thì lúc trên lớp mình vẫn đi giày cao gót.
Mặc dù thích phong cách thoải mái, nhưng ý thức được việc ngoại hình khi xuất hiện trước học sinh nên mình đã đi giày cao gót. Bản thân mình cũng mới chỉ là sinh viên đang chập chững bước vào nghề nên vẫn đang cố gắng từng ngày để không phụ sự giúp đỡ của thầy cô và học sinh. Thực sự việc được mọi người biết đến quá nhiều với những lời nói không đúng sự thật đã ảnh hưởng rất nhiều đến mình”, Trần Thảo bộc bạch thêm.
Nguyễn Quỳnh Mai – Nữ giảng viên diện đồ không trùng nhau gần 4 tháng trên giảng đường khiến sinh viên mê mẩn
Tháng 12/2020, một nữ giảng viên của trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã khiến nhiều người xuýt xoa bởi một điều vô cùng đặc biệt khi đến lớp. Theo đó, một tài khoản TikTok có tên là Khánh Huyền đã chia sẻ đoạn clip vô cùng kỳ công ghi lại những hình ảnh về cô của mình trong giờ dạy trên giảng đường.
Không chỉ thu hút người xem với vẻ đẹp trẻ trung, năng động của mình mà cô giáo còn gây bất ngờ khi thay đổi trang phục liên tục trong suốt nhiều tháng liền, không trùng lặp bất cứ bộ nào.
Nữ sinh đăng tải chia sẻ, cô bạn được học giảng viên này trong suốt 15 tuần của một học kỳ, tức khoảng gần 4 tháng. Tuy nhiên mỗi ngày lên lớp của cô giáo là một bộ trang phục khác nhau, có hôm thì áo dài, đầm, váy ôm, trang phục công sở,... khiến sinh viên không khỏi hoa mắt.
Nhiều người sau khi xem qua đoạn clip ghi lại những cảnh tượng này còn không ngại dành tặng những lời ngợi khen cho sự “chịu chơi” từ phía giảng viên, số khác còn cho rằng chính dáng vẻ bề ngoài chẳng khác nào người mẫu của nữ giảng viên đã khiến nhiều sinh viên, đặc biệt là các nam sinh dù có lười biếng đến cách mấy cũng khó lòng mà chịu nghỉ học.
Được biết, nữ giảng viên từng gây xôn xao mạng xã hội này chính là cô Nguyễn Quỳnh Mai, hiện đang đảm nhận công việc giảng dạy bộ môn Giao tiếp Kinh doanh của ĐH Công nghiệp TP.HCM. Và cũng bởi tính chất đặc thù của môn học này chính là một phần lý do khiến cô giáo thường xuyên thay đổi trang phục khi đến lớp.
Ngoài công việc liên quan đến ngành giáo dục, cô Quỳnh Mai cũng tham gia làm MC cho một số chương trình. Cô cũng từng đạt giải Nhất cuộc thi Người dẫn chương trình TP.HCM năm 2012 và lọt top 10 Người dẫn chương trình Đài truyền hình HTV năm 2014.
Vũ Nguyễn Sơn Tùng – Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên gây sốt mạng xã hội với bức ảnh chụp lén
một giảng viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội bỗng chốc nổi rần rần trên các trang mạng xã hội, dù chỉ chụp lén sương sương qua ống kính của tụi học trò.
Bên cạnh đó, loạt ảnh chụp lén điển trai đến mức phát hờn này cũng khiến nhiều cô cậu sinh viên phải xuýt xoa, ngậm ngùi nuối tiếc vì chưa bao giờ gặp được người thầy giáo soái ca, thần thái hút hồn đến như thế.
Được biết, thầy giáo này chính là Vũ Nguyễn Sơn Tùng, sinh năm 1987, hiện đang là giảng viên khoa Toán cơ - Tin học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Thầy Tùng từng là cựu học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự Nhiên, sau 1 học kỳ tại ĐH Khoa học Tự nhiên, thầy nhận học bổng toàn phần du học Nga.
Thầy Sơn Tùng cũng từng giữ chức Bí thư Chi Đoàn trường. Ngoài học tập, tham gia các hoạt động đoàn thể, thầy còn đam mê thể thao đặc biệt bóng đá, thích chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp mùa đông nước Nga.
Ảnh: Tổng hợp