Nhật Bản luôn được biết đến là một trong những lá cờ đầu cho nền giáo dục châu Á nói riêng cũng như cả thế giới nói chung bởi những thành tựu vượt bậc, cách đào tạo độc đáo, “ít giống ai” của xứ sở hoa anh đào đã giúp cho bao phát minh ra đời, những nhân tài, thế hệ tiềm năng được ươm mầm, nảy nở,…. Và cũng như nhiều quốc gia khác thì việc tôn sư trọng đạo ở Nhật Bản luôn được đặt lên hàng đầu.
Nhiều trường học, địa phương ở Nhật Bản đều có những truyền thống, tục lệ riêng để đề cao giá trị cốt lõi của người thầy, tầm quan trọng của những người “đưa đò” trong việc phát triển nền giáo dục quốc gia. Điển hình như thông lệ tại trường trung học Inuyama, tỉnh Aichi, Nhật Bản, nơi có một truyền thống vô cùng đẹp đã lưu truyền không biết là qua biết bao nhiêu thế hệ.
Theo đó sau khi nhận bằng tốt nghiệp xong, các học sinh sẽ lại mang bàn ghế ra sông Kiso gần trường để vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị cho năm học mới. Dù thời tiết lạnh giá chỉ từ 3-5 độ C, các em vẫn nhiệt tình lội nước, vui vẻ kì cọ bàn ghế. Đối với các em, đây sẽ là một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong suốt quãng thời gian cắp sách đến trường.
Hành động này không chỉ lưu truyền giá trị tốt đẹp vốn được gìn giữ hơn 70 năm mà hơn ai hết, đây là cách để các em học sinh có thể bày tỏ sự biết ơn của mình đối với thầy cô, những người đã không quản ngại gian lao, khó khăn để truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm sống cho các cô cậu học trò.
Cũng là cùng mục đích là tri ân các thầy cô giáo, thế nhưng các bạn học sinh của trường trung học Higashiyama, tỉnh Gifu lại có cách làm độc đáo, sáng tạo hơn.
Cụ thể với những học sinh cuối cấp, để bày tỏ lòng biết ơn vô bờ bến, họ sẽ đưa giáo viên lên chiếc kiệu Thần và nâng kiệu diễu hành một vòng. Truyền thống này bắt nguồn từ việc từng học sinh của một lớp học cõng thầy giáo trên lưng đi vòng quanh sân trường trong buổi lễ tốt nghiệp.
Được biết truyền thống này đã được duy trì hơn 40 năm và cũng đã có không ít sự thay đổi để phù hợp hơn so với thời đại. Thay vì sử dụng chiếc kiệu Thần như trước, học sinh đã tự tay chế tác những chiếc kiệu đặc biệt, trên đó có dán nhiều bức ảnh kỷ niệm với thầy cô giáo, thậm chí một số học sinh còn vẽ những bức tranh hài hước lên kiệu.
Giáo viên sau đó sẽ được mời lên những chiếc kiệu này, các học sinh sẽ nói lời cảm ơn và diễu hành xung quanh sân trường. Không chỉ các nam sinh mà nhiều bạn nữ sinh cũng rất tích cực tham gia rước kiệu mà không hề tỏ ra đuối sức hay mệt mỏi.