Thầy giáo Trần Phương: “Đừng đòi hỏi điểm 10 Toán THPT quốc gia”
Sau khi kỳ thi kết thúc, thầy giáo Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng đã chia sẻ góc nhìn cá nhân về đề thi môn Toán.
“Đề Toán năm nay khó hơn hẳn năm ngoái, gây nhiều tranh cãi. Nhiều giáo viên Toán không thể hoàn thành bài thi trong 90 phút. Phải khẳng định rằng việc không đạt được điểm tối đa là dễ hiểu. Có thể giáo viên đó rất giỏi về đại số và giải tích, nhưng hình học thì không giỏi lắm. Có thể vì thường đóng vai trò là người dạy, không phải học sinh đi thi nên tốc độ phản xạ của giáo viên chưa tốt.
Chúng ta cần có cách hiểu toàn diện hơn, đừng đòi hỏi có điểm tuyệt đối trong kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Người Việt thường mắc hội chứng cầu toàn, từ bậc tiểu học trở lên đã đòi hỏi trẻ đạt điểm tuyệt đối. Trong khi đó ở các cuộc thi học sinh giỏi như IMO (Olympic Toán học quốc tế dành cho khối THPT), thí sinh chỉ cần đạt 14-15 điểm trên 42 là đã được huy chương đồng. Mức điểm này tương đương với 3 trên thang 10. Các cuộc thi quốc tế danh tiếng khác như IMSO (Olympic Toán và Khoa học quốc tế), hoặc IMC (Toán học trẻ quốc tế) cũng tương tự.
Nếu năm nay có khoảng 10-20 học sinh đạt điểm 10 Toán, đó là dấu hiệu tốt. Thậm chí, không ai được điểm 10 mà chỉ có những người đạt 9,5 hoặc 9,75 cũng rất đáng mừng. Điều quan trọng nhất của đề thi là phân hóa được thí sinh, không phải là có bao nhiêu em sẽ đạt được điểm tuyệt đối”, trích dẫn báo Infonet.
Thầy Trần Mạnh Tùng bật khóc vì không thể làm xong đề Toán trong 90 phút
Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - chia sẻ trên Facebook câu chuyện ông không thể làm hết đề Toán trong 90 phút, thu hút sự chú ý trên mạng. Theo đó, ông đã thử làm đề Toán THPT quốc gia 2018 với 50 câu trong 90 phút. Khi hết thời gian, giáo viên này vẫn còn 5 câu chưa giải được.
“Sau khi kết thúc thời gian thi môn Toán THPT quốc gia, tôi đã làm mã đề 106. Tôi trừ 35 phút cho 35 câu đầu vì các đề thi tương tự tôi làm hết các câu trong khoảng thời gian đó. Từ câu 36 đến 40, tôi mất 30 phút, trong đó có câu mất 5 phút, có câu mất 10 phút.
Tôi tiếp tục làm từ câu 41 đến câu 45 trong trạng thái rất căng thẳng và mất 30 phút. Làm xong câu 45 thì đã hết thời gian. Nhìn 5 câu toán còn lại, tôi bật khóc vì thương các em, thế hệ học sinh lứa 2000. Tôi là giáo viên đã va chạm nhiều với đề thi mà còn trải qua cảm xúc này, không biết các em ở lứa tuổi 18 sẽ nghĩ như thế nào?
Tôi thương các em đã quần quật cả năm trời nhưng đề Toán làm khó các em quá. Đề thi dài, nhiều câu như bài tự luận ngày xưa, làm hùng hục cũng mất 10 phút mới xong. Đề dài thì không tuyển được người giỏi. Học sinh nếu mất 45-60 phút cho 30 câu đầu, chỉ có thể là… Tôn Ngộ Không mới “quật” được 15 câu tiếp theo trong khoảng hơn 30 phút còn lại.
Đề thi có 10 câu cuối khó và có yếu tố lạ, gây khó khăn cho học sinh. Độ khó cũng tăng lên rất nhiều so với đề thi THPT quốc gia 2017 (chỉ có khoảng 5 câu thực sự khó, khoảng 15 câu bấm máy tính ra đáp số, rất nhiều câu có thể thử lại đáp án).
Đề Toán năm 2018 rất ít câu bấm máy tính ra ngay đáp số. Đề cũng hạn chế câu hỏi có thể làm ngược (thử lại đáp số). Một số câu hỏi thực tế có điểm chưa hay vì chỉ là câu bịa ra, thiếu tính thực tế và kiểm nghiệm khoa học. Các câu này chưa đòi hỏi tư duy gì nhiều mà chỉ áp dụng công thức có sẵn.”
GS Toán học không thể giải hết đề Toán trong vòng 90 phút
GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) có những chia sẻ rất thẳng thắn về đề thi Toán THPT Quốc gia năm nay:
“Đề thi gồm 50 câu, được làm trong 90 phút không kể thời gian phát đề. Nghĩa là, nếu muốn làm bài thi trọn vẹn, trung bình mỗi câu phải làm trong 1 phút 48 giây. Nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay nhiều môn đều gây khó, không thể đạt điểm cao. Dù không thể đặt đồng hồ để tính giờ, tôi nghiêm chỉnh thừa nhận rằng, 90 phút không đủ cho tôi làm 50 câu của đề thi. Tôi cũng không tin rằng có thầy cô giáo dạy Toán THPT nào có thể giải kịp 50 câu của đề Toán trong vòng 90 phút. Có rất nhiều câu đòi hỏi phải tính toán trong 10 đến 15 phút.
Lâu nay, dư luận lên án thi trắc nghiệm Toán ghê quá. Kỳ thi năm ngoái lại dễ, khiến cho 30 điểm vẫn trượt Đại học phòng cháy chữa cháy. Có lẽ vì thế, năm nay Bộ GD-ĐT chỉ đạo ra đề thật khó. Nhưng bản chất cái khó của đề năm nay nằm ở phần tự luận còn rơi rớt lại, tuy học trò không phải trình bày lời giải. Cái dở của trắc nghiệm vẫn còn đó. Học trò không cần và do đó sẽ không biết cách trình bày bài giải, không rèn rũa cách suy luận, chỉ cắm cổ tính cho thật nhanh; người khoanh kết quả đúng chưa chắc là người giải đúng.
Đề thi này khó, nhưng sẽ không phân loại được học trò. Năm nay, dự kiến điểm đỗ vào đại học sẽ thấp. Học trò rất vững vàng về kiến thức có lẽ chỉ được chừng 5,5-6 điểm Toán.”
Thầy Nguyễn Anh Dũng: “Không một giáo viên nào làm được 20 câu cuối trong 90 phút.”
Thầy Nguyễn Anh Dũng, nguyên giáo viên chuyên Toán trường THPT Lam Sơn, Thanh Hoá. Thầy Dũng từng có 3 học sinh đạt huy chương trong kì thi Olympic Toán quốc tế (2 Huy chương bạc và 1 Huy chương đồng). Ngoài ra, thầy Dũng cũng huấn luyện, giảng dạy rất nhiều học sinh đạt giải trong kì thi học sinh giỏi Quốc gia môn Toán.
Thầy Dũng có kinh nghiệm nhiều năm tham gia luyện thi môn Toán và tư vấn mùa thi trên VTV2. Thầy Dũng cũng là thành viên hội đồng biên tập tạp chí Toán học & tuổi trẻ, tạp chí Toán tuổi thơ .
Thầy Dũng cho biết tuy đã “gác bút mấy năm nay” nhưng những ngày gần đây ông nhận được phản ánh về mức độ khó, dễ của đề Toán THPT Quốc gia 2018. Vì vậy, thầy Dũng đã xem và suy nghĩ nghiêm túc về cách giải từng câu trong đề mã số 115. Vị giáo viên chuyên Toán này nhận xét với mã đề 115, khoảng 20 câu đầu phù hợp với học sinh có học lực trung bình, 10 câu tiếp theo phù hợp với học sinh khá và 20 câu cuối là khó đến rất khó.
“Hầu hết những câu này tương đương với những câu trong đề thi tự luận. Người thi chỉ có một cách duy nhất là làm như một bài tự luận đến kết quả cuối cùng rồi mới chọn được phương án đúng. Tôi tin rằng không một giáo viên Toán nào làm được 20 câu cuối trong 90 phút“, thầy Nguyễn Anh Dũng bày tỏ.
Bên cạnh đó, thầy Dũng cũng lấy ví dụ câu 36 trong đề thi môn Toán THPT Quốc gia 2018 với mã đề 115. Thầy giáo này cũng khẳng định “xin bái phục” nếu có ai giải được câu này trong 5 phút. “Không biết với cách ra đề thi như trên thì việc dạy và học rồi đây sẽ như thế nào?”, thầy Nguyễn Anh Dũng băn khoăn.