Ngày 4/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thông tin chính thức về việc tổ chức kì thi THPT Quốc gia năm 2019. Sáng qua 6/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo tất cả các môn thi THPT Quốc gia năm 2019 để kịp thời hỗ trợ tốt nhất cho quá trình ôn luyện của thí sinh.
Theo nhận định của các giáo viên, đề thi tham khảo THPT Quốc gia 2019 dễ hơn so với đề năm 2018, không có các câu hỏi lắt léo, đánh đố học sinh và kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.
Theo các chuyên gia của HOCMAI, sự điều chỉnh trong đề thi tham khảo THPT Quốc gia năm nay tương đối hợp lí, giải quyết các vấn đề tồn đọng của các kì thi năm trước (tình trạng mưa điểm 10 trong kì thi năm 2017 bởi đề thi quá dễ còn năm 2018 lại quá khó đến mức ngay cả những chuyên gia cũng gặp khó khăn để giải). Hơn nữa, việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi cũng tạo ra thuận lợi cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới.
Môn Toán: độ khó giảm đi tương đối rõ rệt
Bài tham khảo thi THPT Quốc gia môn Toán (Xem chi tiết)
Đề thi Toán năm nay không khó như đề thi năm 2018, chủ yếu kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, được phân bố hợp lý cả về thời gian để học sinh thực hiện bài thi.
Trong 30 câu đầu tiên của đề bao gồm kiến thức cơ bản của môn Toán THPT nên học sinh có ý thức trong việc học tập, những học sinh ở mức trung bình -khá không quá khó khăn để đạt 60% điểm bài thi.
Từ câu 30-40 là nhóm câu hỏi ở mức Khá, đòi hỏi học sinh vận dụng thêm kiến thức nhưng không cao.
Đề thi bắt đầu có sự phân hoá từ câu số 40. Những câu hỏi cần sự tư duy và vận dụng kiến thức linh hoạt cho học sinh khá giỏi xuất hiện trong câu từ 40-45.
Những câu hỏi khó tìm kiếm điểm 10 thuộc 5 câu cuối cùng của đề. Đặc biệt, câu hỏi số 49 có liên quan đến kiến thức lớp 10.
Môn Toán vốn khô khan nên những câu hỏi toán thực tế xuất hiện trong đề thi là xu hướng chúng ta nên đón nhận. Từ khi thi trắc nghiệm đề thi trở nên hay hơn, tạo cảm hứng cho người học mà không làm mất giá trị kiến thức.
Đề thi đã có những sự cải tiến đáng kể về mặt kiến thức và cách ra đề sau 2 năm thi dưới hình thức trắc nghiệm với hơn 10 đề thi Tham khảo và Chính thức nhằm hạn chế mẹo vặt trắc nghiệm kèm máy tính cầm tay.
Theo thầy giáo Nguyễn Quốc Chí, đây là một đề thi hợp lý, nhiều điểm tích cực, phân hoá tốt hơn những học sinh trung bình khá và giỏi. Tuy nhiên nhóm 5 câu hỏi cuối hoàn toàn có thể nâng độ khó thêm một chút nữa để tìm ra những học sinh xuất sắc của toàn quốc.
Môn Văn: đề hay, hạn chế sự khuôn mẫu, học thuộc lòng
Bài tham khảo thi THPT Quốc gia môn Văn (Xem chi tiết)
Về cơ bản, cấu trúc đề minh hoạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tập trung kiến thức vào lớp 12 giống như những năm trước đó (chiếm 50% tổng số điểm bài thi).
Theo giáo viên Lê Minh Tân, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), đề tham khảo môn Ngữ văn hay hơn đề thi chính thức của năm trước, hạn chế những cách học thuộc lòng, viết văn sáo rỗng, khuôn mẫu, yêu cầu học sinh tư duy và bày tỏ ý kiến của mình nhiều hơn, hạn chế được việc học vẹt và học tủ.
Phần 1: Đọc hiểu chiếm 30% tổng số điểm.
Phần Đọc - hiểu được dẫn một ngữ liệu thuộc lĩnh vực xã hội và 4 câu hỏi đi kèm theo từng mức độ, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, yêu cầu học sinh đọc kĩ là có thể dễ dàng trả lời. Đặc biệt với câu hỏi số 4, học sinh cần nêu quan điểm cá nhân một cách rõ ràng, đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Phần 2: Làm văn chiếm70% tổng số điểm bài thi.
Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi:
Một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá mặt giấy A4), chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu, khá gần gũi và thiết thực với học sinh.
Câu nghị luận xã hội là câu hỏi ở mức độ phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Yêu cầu của đề mở sẽ giúp học sinh có thể thoải mái trình bày ý kiến cá nhân, hiểu biết của mình một cách phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Để bài làm sâu sắc và trau chuốt hơn, học sinh cần biết kết hợp thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Học sinh cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.
Câu hỏi còn lại của phần làm văn là kiến thức lớp 12, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi, yêu cầu học sinh tạo lập văn bản nghị luận văn học. Đề bài nghị luận văn học tương đối khó, đòi hỏi học sinh không những phải nắm chắc kiến thức mà còn cần sự đánh giá sâu sắc, nhìn nhận tỉ mỉ. Câu hỏi nghị luận văn học sẽ phân loại rõ hơn đối tượng học sinh.
Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng bài viết và điểm số từng câu, vậy nên phân bố thời gian hợp lí là một trong những bí quyết để có bài làm tốt: cần dành 20 phút cho phần đọc hiểu, 20 phút cho câu 1 phần Làm văn và còn lại 80 phút để làm câu nghị luận văn học.
Môn Vật Lý: 40% câu hỏi phân loại học sinh
Bài tham khảo thi THPT Quốc gia môn Vật Lý (Xem chi tiết)
“Nhìn chung đề vẫn ra theo tinh thần chỉ đạo từ đầu của Bộ”, thầy Phạm Quốc Toản nhận định.
Đề gồm 40 câu hỏi từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 (90% - 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% - 4 câu). Trong đó, có khoảng 60% cơ bản và 40% mang tính phân loại. Những câu hỏi không gây khó khăn cho học ính về toán học hay mất thời gian để giải.
Các câu hỏi mang tính phân loại cao vẫn khai thác tư duy Vật lí sâu sắc : kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị (câu 34, câu 38 về dao động cơ và dòng điện xoay chiều), câu hỏi thí nghiệm (câu 24)
Đề thi vẫn có những câu đòi hỏi học sinh phải tính ra kết quả cuối cùng mới chọn được đáp án đúng (gần nhất).
Kiến thức lớp 11 trong đề thi chủ yếu liên quan đến Chương Điện tích điện trường): Định luật Cu lông, Chương 2 (Dòng điện không đổi): Định luật Ôm cho toàn mạch, Chương 5 (Cảm ứng điện từ): Từ thông, suất điện động cảm ứng; Chương 6 (Khúc xạ ánh sáng): Định luật khúc xạ, Công thức thấu kính.
Môn Địa lí: Học sinh giỏi mới được 8 - 9 điểm
Bài tham khảo thi THPT Quốc gia môn Địa lí (Xem chi tiết)
Nội dung đề thi minh hoạ nằm trong khối kiến thức lớp 11 và trong đó kiến thức lớp 12 là trọng tâm, không có kiến thức lớp 10.
Đề thi chia thành 2 phần, có sự phân hoá từ dễ đến khó: phần kiến thức chiếm trên 60% số điểm và phần kĩ năng Địa lí được bổ sung thêm kĩ năng tính toán từ bảng số liệu nhưng vẫn vừa sức với học sinh.
Từ câu hỏi số 65 trở đi đòi hỏi học sinh ngoài việc ghi nhớ kiến thức còn phải thấy được sự liên hệ giữa các đối tượng địa lí, vận dụng giải thích và tìm ra giải pháp để giải quyết các vấn đề.
Đề minh họa 2019 vừa sức với học sinh có lực học trung bình và khá, học sinh khá giỏi trở lên có thể đạt điểm 9 trở lên hơn so với đề thi chính thức kì thi THPT quốc gia năm 2018.
Đây mới chỉ là đề thi mang tính chất tham khảo để học sinh có hình dung sơ bộ về hình thức của đề thi chính thức, đồng thời có thêm thông tin để phục vụ cho việc học tập. Các bạn học sinh cần bám sát quy chế thi THPT Quốc gia, tập trung ôn tập nắm chắc kiến thức lớp 12, đồng thời rà soát lại kiến thức lớp 11 và lớp 10 để hoàn thành tốt bài thi.