Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Nhà văn Nguyễn Hoàng Hải nói về kỹ năng của người trẻ: 'Học nhiều thứ cao siêu nên ra ngoài không nắm được những thứ tối thiểu'

Nhà văn Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ quan điểm của mình trong 1 talkshow cho người trẻ tại ĐH Văn hóa: "Học giỏi học nhiều thứ cao siêu nên ra ngoài không nắm được những thứ tối thiểu, cái bé không làm được nên không làm được cái lớn, cái lớn làm được mà không nắm rõ cái bé làm thế nào thì bỏ đi.

Tại talkshow “Không sợ ngã” được tổ chức tại Đại học Văn hóa Hà Nội ngày 23/4 với sự tham gia của nhà báo Ngô Bá Lục và nhà văn Nguyễn Hoàng Hải (Hải Dớ), nhiều lời khuyên đầy hữu ích của các diễn giả đã được đưa ra cho các bạn sinh viên.

Nhà báo Ngô Bá Lục và nhà văn Nguyễn Hoàng Hải (Hải Dớ) tham gia chia sẻ trong chương trình

Nhà báo Ngô Bá Lục và nhà văn Nguyễn Hoàng Hải (Hải Dớ) tham gia chia sẻ trong chương trình
Học giỏi, học nhiều thứ cao siêu nên ra ngoài không nắm được những thứ tối thiểu

Nhà văn Nguyễn Hoàng Hải thẳng thắn bày tỏ quan điểm của bản thân: “Theo như tôi nhìn nhận từ thực tế thì những người học kém đã xác định trước là sẽ đi buôn, đi làm ăn, chính vì thế lại kinh doanh rất giỏi và trở thành ông chủ; còn những người học giỏi lại chỉ đi làm thuê cho những người học kém kia. Học trong trường 100 thứ nhưng đến khi ra đời bạn chỉ áp dụng được 1 thứ, hầu hết ra trường chúng tôi đều phải đào tạo lại từ đầu.

Học giỏi học nhiều thứ cao siêu nên ra ngoài không nắm được những thứ tối thiểu, cái bé không làm được nên không làm được cái lớn, cái lớn làm được mà không nắm rõ cái bé làm thế nào thì bỏ đi. Vậy nên, tôi khuyên các bạn trước khi làm những thứ to tát hãy học làm những cái thật bé. Việc học trong trường và ra ngoài áp dụng thế nào khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, kĩ năng quan trọng nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua kiến thức.”

Còn với nhà báo Ngô Bá Lục: “Khi đi làm, trách nhiệm công việc cần được đặt lên hàng đầu, đó chính là một trong những kĩ năng mà nhiều bạn trẻ đã bỏ qua. Các bạn ốm, không ai bắt các bạn làm; máy tính hỏng đem đi sửa ở hàng, không ai bắt các phải hoàn thành công việc ngay, nhưng các bạn cần phải báo lại tình trạng hiện tại cho người giao nhiệm vụ cho các bạn. Không thể để đến khi đến 'deadline', các bạn mới nói lí do này lí do kia, như thế là không thể chấp nhận được.”

Theo vị nhà báo nổi tiếng này, hai kĩ năng mà các bạn trẻ cần phải có khi đi làm là: một, chân thành, trung thực; hai là trách nhiệm. Sinh viên đi làm thêm có thể nghĩ là có muốn đi làm hay không nhưng đã xác định đi làm sau khi ra trường thì phải suy nghĩ là làm hay không, không làm thì nghỉ, từ mong muốn đến trách nhiệm là một khoảng cách khác.

Người trẻ cũng cần tự tin, tự tin là rất tốt, nhưng phải hòa nhập với môi trường làm việc; như ông cha ta đã nói, “nhập gia” là phải “tùy tục”. Khiêm tốn không bao giờ là thừa.

Nhà báo Ngô Bá Lục

Học giỏi quá mà không có trải nghiệm thực tế không được, đi làm thêm có kĩ năng nhưng lại hổng kiến thức cơ bản cũng không được

Nhiều sinh viên lựa chọn việc đi làm thêm để nâng cao kỹ năng mềm, tuy nhiên nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, trải nghiệm thực tế rất quan trọng nhưng có một cái khác quan trọng hơn, đó là nền tảng. Mải đi làm thêm quá, không chịu học những căn bản của các môn học, các học trình là một sai lầm. Đến khi đi làm thực sự gặp những tình huống khác thường về mặt chuyên môn thì mình rất khó xử lý.

Đi làm thêm thì chúng ta có kinh nghiệm vì trải qua các tình huống thực tế nhưng để giải quyết thì cần phải có nền tảng cơ bản của vấn đề. Học giỏi quá mà không có trải nghiệm thực tế không được, đi làm thêm có kĩ năng nhưng lại hổng kiến thức cơ bản cũng không được, các bạn nên cân nhắc việc hài hòa hai chuyện này.


Trả lời câu hỏi khi đi xin việc cần chuẩn bị gì, nhà văn Nguyễn Hoàng Hải cũng cho biết: “CV của các bạn mới ra trường cũng khá ngắn gọn, nên chú trọng mục trình bày kĩ năng của bản thân. Nhiều bạn không biết nhiều nhưng cứ “chém gió”, như vậy là tạo ấn tượng xấu cho nhà tuyển dụng. Mình biết gì thì mình nên chú trọng để nói vấn đề đó, gây thiện cảm với nhà tuyển dụng. Một là CV phải gọn gàng, hai là phỏng vấn nghiêm túc, đúng giờ, trả lời lưu loát, chân thành, ba là khi đi làm cần phải để ý đến thái độ của bản thân.”

Khi được hỏi về vấn đề chọn ngành học, nhà văn Hoàng Hải cũng cho rằng: “Đam mê quyết định cho nghề nghiệp của mình. Muốn có 8 tiếng ngủ ngon thì chiếc giường phải tốt. Muốn có 8 tiếng hạnh phúc ở nhà thì phải có người mà mình yêu thương. Muốn có 8 tiếng hạnh phúc ở công sở thì phải có công việc mình yêu. Yêu công việc của mình thì mình mới làm được, nhất định phải có đam mê thì mới dành hết công sức để cống hiến cho công việc mình làm.”

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Helino

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV