Thông thường, tiêu chí để các doanh nghiệp tuyển dụng một nhân viên không chỉ xoay quanh kiến thức chuyên môn hay trình độ, mà còn là sự phù hợp để có thể thật sự ngồi vào vị trí còn khiếm khuyết để phát huy hết tài năng. Và ngược lại, các ứng vien khi tìm việc cũng tìm hiểu rất kỹ về nhà tuyển dụng để có thể xác định nơi phù hợp nhất.
Cũng chính vì tiêu chí phù hợp nên ngày nay các nhà tuyển dụng không chỉ đơn giản nhìn CV rồi hỏi về kinh nghiệm, hay vài ba câu hỏi về thông tin cá nhân, mà họ còn lồng ghép các câu hỏi xử lý tình huống khéo léo. Tuy nhiên, câu hỏi phải sao cho hợp lý, thực tế, liên quan mật thiết đến công việc hoặc công ty, nếu không dễ trở thành “trò cười” để bóc phốt trong group làm việc như trường hợp dưới đây.
Cụ thể, một tài khoản đã chia sẻ màn phỏng vấn online qua một bài khảo sát của một cửa hàng thời trang. Tại đây, nam sinh nhận được 2 câu hỏi khá khó hiểu:
Câu 1: “Tổng tài sản của bạn đang sở hữu hiện tại là bao nhiêu” với 4 phương án: Dưới 100 triệu – Từ 100 triệu đến dưới 500 triệu – Từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ – Trên 1 tỷ.
Câu 2: Hôm nay có cuộc họp rất quan trọng với công ty mà không ai được phép vắng mặt, nhưng bố/mẹ bạn phải vào viện cấp cứu đột xuất, bạn sẽ làm thế nào?
Được biết đây là một cửa hàng thời trang cao cấp và mức lương đang apply rơi vào khoảng 15-20 triệu đồng. Nam sinh cũng cho biết thêm rằng ngoài 2 câu trên thì mẫu đơn thì còn rất nhiều câu hỏi khác, nhưng các câu đó thiên về các câu hỏi xử lý tình huống khá bình thường, không mấy phức tạp.
Bài đăng nhận được rất nhiều bình luận từ dân mạng. Phần lớn đều cảm thấy vô cùng khó hiểu trước nội dung của 2 câu hỏi. Ở câu thứ nhất, tổng tài sản là vấn đề khá nhạy cảm, thậm chí với gia đình cũng chưa chắc sẵn sàng bày tỏ.
Ở câu thứ 2 lại càng lạ đời hơn khi đặt một bên ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty – một bên là tính mạng của cha mẹ là điều không nên mang ra so sánh.
Cũng có bình luận cho rằng, mẫu đơn này dài và khó hiểu nhưng thực chất chỉ là “cú lừa”. Đơn này chỉ mang tính chất xem ứng viên nào đủ kiên nhẫn để hoàn thành hết mẫu đơn, từ đó có thể biết ứng viên thật sự mong muốn làm việc tại đây. Nhưng sau cùng, nam sinh cho biết đã không hoàn thành đơn và kể cả nếu được vào phỏng vấn trực tiếp cũng sẽ không đi làm cho công ty đó.
Rất nhiều giả thiết và câu trả lời hài hước của dân tình góp ý cho nam sinh này.
Bạn Trinh Nhi cho hay có thể mẫu đơn là “cú lừa” để nhà tuyển dụng lọc ra ứng viên tâm huyết: “Mình vừa thử form theo link bạn gửi, thực ra nó là 1 bản khảo sát online khá sơ sài thì đúng hơn. Và nếu xét theo góc độ của người làm nhân sự thì form này chưa đúng mẫu, nên bạn cứ thoải mái theo cách mình nghĩ.
Cấu trúc vàng của 1 bản khảo sát là 70/30, trong đó 70% đánh vào chủ đề chính, 30% câu hỏi vờn. Vì thế mà trong các bản khảo sát có một số câu cảm giác không được liên quan cho lắm. Chúc bạn sớm tìm được công việc yêu thích“.
Còn bạn Hà Minh lại cho biết có thể câu số 2 lấy ngay trong tình huống thực tế đã từng xảy ra trước đó: “Câu 1: Trên 1 tỷ. Câu 2: Dùng tiền để gọi dịch vụ cấp cứu tốt nhất đưa bố/mẹ đi bệnh viện sau đó gọi Trưởng bộ phận xin phép nghỉ. Câu 2 đã có trường hợp xảy ra bên ngoài rồi nhé. 1 anh có vợ đi đẻ gọi điện cho nhân sự thông báo, nhân sự này kêu phải quay clip trực tiếp vợ anh đó đẻ. Rất nhanh nhẹn, anh đã gọi điện thông báo nghỉ việc luôn. Mạng người quan trọng, đừng nên mang ra đùa kiểu đó“.
Thật ra, bạn Bùi Tuấn chia sẻ rằng mình không bỏ trống mà trả lời một cách cực gắt:
“Câu 1: Công ty thời trang cao cấp và trả bạn mức lương 15-20 triệu. Thì yêu cầu với nhân sự cũng phải khác với công ty trung cấp và bình dân. Họ hỏi tổng tài sản của bạn để có thể xem tổng quan về bạn, có phù hợp đẳng cấp công ty không. Dĩ nhiên tất cả đáp án đều ổn, trừ cái trên 1 tỷ. Vì dễ khiến họ nghĩ bạn đi làm vì đam mê, hoặc có ý cợt nhả với công ty.
Câu 2: Một câu hỏi mở, với nhiều đáp án. Quan trọng là bạn xử lý tình huống thế nào, có phù hợp cân đối được cả chuyện công và riêng không? Bạn mà trả lời kiểu: ‘Tôi kệ bố mẹ tôi, tôi vẫn ngồi họp vì trách nhiệm với công ty’ cũng chưa chắc được nhận vì bất hiếu quá.
Mình không nghĩ công ty thời trang cao cấp có kinh nghiệm lại bắt bạn phải ngồi họp trong trường hợp đó. Vì bạn ngồi đấy tinh thần bất ổn nhưng lại lo lắng ở chỗ khác, họp sao được, ảnh hưởng người khác. Suy cho cùng bài test này cũng hay ho ghê”.
Còn bạn, bạn thấy sao về màn tuyển dụng “lạ đời” này?