“Vĩnh biệt thầy kính yêu. Con không bao giờ quên những tháng năm ở vùng quê nghèo, dưới mái trường Năng khiếu thầy trò phải thắp đèn dầu học. Những bài giảng của thầy lấp lánh ánh sáng của văn học thi ca cũng như tình yêu cuộc sống và tinh thần lạc quan bất tận vượt lên mọi nghịch cảnh truyền cho chúng con.
Khi nào còn chút than van trước sóng gió cuộc đời, con thường nghĩ về nụ cười vô sự của thầy. Thầy mãi trong tim con và trong trái tim bao thế hệ học trò”, chị Vũ Thị Quỳnh Trang (quê Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ trên trang cá nhân sau khi biết tin thầy Nguyễn Ngọc Ký qua đời vào sáng 28/9.
Chị Quỳnh Trang là học sinh lớp Văn 77 (thế hệ học trò sinh năm 1977) của trường Năng khiếu Hải Hậu, Nam Định. Khi đó, thầy Ký giảng dạy môn Văn lớp chị. Suốt những năm tháng tiểu học, chị được học về tinh thần nghị lực của thầy Ký trong sách giáo khoa, nên lần đầu tiên thấy thầy vào năm 1987, chị ngỡ như được gặp người bước ra từ cổ tích.
“Tôi vẫn nhớ như in buổi gặp đó. Một đứa trẻ 10 tuổi như tôi vừa sung sướng, vừa lạ lẫm. Mọi chuyện cứ như là giấc mơ, bởi người mà tôi hâm mộ bao lâu nay lại trở thành chính giáo viên của tôi”, chị Quỳnh Trang kể lại.
Gặp thầy, điều khiến chị ấn tượng không phải là đôi tay bị liệt hay đôi chân phải “gánh vác mọi thứ” mà chính là ánh mắt và nụ cười của thầy. Thầy có đôi mắt sáng và nụ cười ấm áp.
Trong mỗi giờ Văn, thầy Ký không bao giờ yêu cầu học sinh đứng dậy và cầm sách đọc, mà thay vào đó thầy thường khuyến khích học sinh học thuộc bài thơ từ nhà. Sau đó khi đến lớp, học sinh sẽ đứng trên bục giảng và trình diễn bài thơ theo cách hiểu của mình.
Thầy Ký cũng có cách dạy học “độc nhất vô nhị”. Mỗi lần lên lớp, thầy thường mang theo 2 tấm bìa, tấm bìa thứ nhất ghi nội dung bài giảng, tấm bìa còn lại dùng để che toàn bộ tấm bìa thứ nhất.
Hai tấm bìa này được treo lên bảng, gắn liền với những chiếc dây như hệ thống ròng rọc. Trong quá trình giảng bài, thầy Ký dùng chân điều chỉnh hệ thống ròng rọc kéo tấm bìa thứ hai xuống và hé lộ nội dung trong tấm bìa thứ nhất.
Sự sáng tạo của thầy khiến học sinh tò mò về nội dung bài học hơn bao giờ hết. Cứ đến tiết Văn, học sinh lại háo hức mong chờ những điều ẩn chứa đằng sau tấm bìa.
Nhớ lại những năm tháng cấp 2, chị Quỳnh Trang cho biết chưa một lần thầy Ký cáu giận. Phương châm dạy của thầy là trao đi kiến thức, chia sẻ, an ủi và động viên.
Vì bị liệt 2 tay nên mỗi khi muốn thể hiện sự yêu quý của học trò, thầy thường dùng lực mạnh ở vai để cánh tay bị liệt vắt lên vai học trò. “Học sinh nào được thầy làm như vậy sẽ vui cả ngày”, chị Quỳnh Trang nói.
Những năm tháng học bán trú tại trường Năng khiếu Hải Hậu, chị Quỳnh Trang và các bạn cùng lớp coi thầy như người cha, và thầy cũng luôn gọi học trò bằng danh xưng đầy ấm áp, thân thương - con.
Chị nhớ có buổi tối, lũ học trò muốn đi vệ sinh nhưng vì muộn nên không ai dám ló mặt ra ngoài. Thế là, cả hội đồng thanh gọi thầy thật to để nhờ thầy đưa đi. Thầy lại đi từ khu nhà dành cho giáo viên đến phòng học sinh, dùng chân mở cửa và đưa học trò đi.
Đáp lại sự quan tâm của thầy, những học sinh như chị Quỳnh Trang cũng thường giúp thầy lấy nước vào chậu rửa mặt vào mỗi buổi sáng. Rồi sau đó, tất cả lại tròn xoe mắt đứng nhìn thầy rửa mặt, vắt khăn thành thạo bằng đôi bàn chân.
Rời xa mái trường Năng khiếu, bận rộn học tập và theo đuổi đam mê của bản thân, có khoảng thời gian chị Quỳnh Trang quên bẵng việc gọi hỏi thăm thầy dịp 20/11. Thế nhưng, mỗi ngày 20/10 hay 8/3, thầy Ký lại luôn nhớ gọi chúc mừng và hỏi thăm sức khoẻ cô học trò nhỏ nhắn năm nào. Cuộc gọi của thầy, giọng nói và sự quan tâm của thầy lúc nào cũng khiến chị rơi nước mắt.
“Tôi luôn nghĩ bản thân có được ngày hôm nay phần lớn là nhờ những năm tháng được là học trò của thầy Ký. Tôi hạnh phúc vì được sống trong thế giới văn chương lấp lánh do thầy vẽ ra”, chị Quỳnh Trang nói và cho biết đến nay chị vẫn thường kể cho các con câu chuyện về người thầy của chị - thầy giáo viết chữ bằng chân Nguyễn Ngọc Ký.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, qua đời rạng sáng 28/9, hưởng thọ 76 tuổi. Tang lễ được cử hành tại tư gia số 12 đường 623D Khu dân cư Nam Long, phường Phước Long, thành phố Thủ Đức, TP.HCM.
Cuộc đời thầy giáo Ký đã được ghi lại trong 3 cuốn hồi ký nổi tiếng: Tôi đi học (1970), Tôi học đại học (2013) và Tâm huyết trao đời (2017). Ông đã xuất bản hơn 30 đầu sách, ấn hành và tái bản nhiều lần cuốn tự truyện đầu tiên Tôi đi học. Thầy Ký cũng sáng tác 1.500 câu thơ đố, bài thơ đố in thành 16 tập. Cùng với đó là xuất bản sách chuyên đề Giáo dục với những vấn đề tâm huyết cho nền giáo dục nước nhà.
Xem thêm: Kỳ thi THPT Quốc gia 2022 và những câu chuyện dở khóc dở cười