Pablo Pineda sinh ngày 5/8/1974 tại Tây Ban Nha và là con thứ tư trong gia đình có mẹ làm nội trợ, bố là giám đốc nhà hát. Do quá bận rộn, bà Maria Theresa, mẹ của Pablo, không phát hiện điểm bất thường của con trai út. Chào đời 3 tháng, Pablo được chẩn đoán mắc hội chứng Down, căn bệnh còn xa lạ tại châu Âu thời điểm đó.
Sau khi biết điều này, bố mẹ vẫn đối xử với Pablo như những con khác. Người cha đọc sách cho con trai út mỗi ngày. Ông còn dạy ngoại ngữ, tiếng Latin cho Pablo. Trong khi đó, bà Maria chia sẻ với cậu bé những tin tức xã hội.
Với sự giúp đỡ của cha mẹ, Pablo đến trường khi 5 tuổi. Ngay cả giáo viên cũng ngạc nhiên với đầu óc nhạy bén và kiến thức của cậu học trò này.
7 tuổi, Pablo biết tình trạng của bản thân qua lời của giáo viên. Suy nghĩ của nam sinh khi đó là phải chăng mình ngốc nghếch hơn những người khác? Khi nhận được câu trả lời là “không”, cậu bé quyết định không quan tâm vấn đề này nữa, tập trung học hành, theo Brightside.
Down là hội chứng do đột biến số lượng nhiễm sắc thể, ảnh hưởng thể chất và trí tuệ. Bệnh nhân Down thường có lưỡi dài, mắt xếch, thấp bé, ngón tay dài và khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin.
Nhưng, Pablo Pineda đã biến những đặc điểm này thành lợi thế. Ngoại hình thấp giúp Pablo có sự linh hoạt. Lưỡi dài giúp anh phát âm tốt hơn, ngón tay dài khiến việc cầm bút viết dễ dàng hơn.
Pablo dành 6-7 giờ đồng hồ mỗi ngày để học và đọc sách. Anh thường bật nhạc to khi làm việc.
Câu chuyện của Pablo đã truyền cảm hứng cho những bệnh nhân Down khác. Tại Tây Ban Nha, 85% trẻ em mắc hội chứng Down có cơ hội đi học như những người bình thường.
Học đại học là khoảng thời gian khó khăn với Pablo. Gia nhập Đại học Malaga (Tây Ban Nha), anh bị các sinh viên khác bỏ xa. Giảng viên trong trường hoài nghi về khả năng của cậu sinh viên khác thường. Pablo hầu như không có bạn bè, mọi người đều cảm thấy sợ hãi và phớt lờ mỗi khi anh xuất hiện.
Khoảng thời gian đó khiến Pablo bất lực và thậm chí muốn bỏ học. Nhưng ý chí vẫn thôi thúc giúp chàng thanh niên vượt qua tất cả. Sự cố gắng của Pablo đã thay đổi suy nghĩ của những người xung quanh. Giây phút nhận bằng tốt nghiệp, Pablo Pineda trở thành người châu Âu mắc hội chứng Down đầu tiên có hai bằng cử nhân về Tâm lý học nghệ thuật, Tâm lý học giáo dục.
Năm 2009, cả thế giới biết đến Pablo qua bộ phim “Me, Too” kể về cuộc đời của người đàn ông mắc bệnh Down, nhân vật được lấy cảm hứng từ chính con người anh. Sau khi bộ phim phát hành, không ít khán giả và nhà phê bình xúc động trước khả năng diễn xuất và câu chuyện mà Pablo truyền tải. “Me, Too” đã giúp anh nhận được giải “Vỏ sò bạc” dành cho “Nam diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan phim quốc tế San Sebastián (Tây Ban Nha).
Chia sẻ về tình yêu, anh cho rằng đó là thứ khó khăn nhất. Bởi Pablo hiểu chẳng bố mẹ nào chấp nhận con gái của họ kết hôn với một bệnh nhân mắc hội chứng Down. Pablo đã chiến đấu để có được tình yêu, nhưng may mắn chưa mỉm cười với anh. Dù vậy, người đàn ông này vẫn không nản lòng. Anh chia sẻ rằng dù có thất bại thêm nhiều lần nữa, Pablo vẫn không cho đó là bi kịch.
Sau khi trở về từ Liên hoan phim San Sebastián, Pablo được nhận giải thưởng danh giá do thị trưởng Malaga trao tặng. Thị trấn còn đổi tên quảng trường theo tên của Pablo.
Với cuộc sống hiện tại, người đàn ông này đủ khả năng để phẫu thuật thẩm mỹ nhưng anh cho rằng không có lý do gì phải thay đổi khuôn mặt. Anh yêu chính bản thân mình, ngay cả khi nó khác thường.
Hiện, Pablo Pineda sống và làm việc ở quê nhà Malaga. Anh dạy học và dành nhiều thời gian làm từ thiện, hợp tác với Quỹ Adecco, tổ chức phi lợi nhuận Lo que de verdad importa. Mong muốn của Pablo là giúp những bệnh nhân Down tin tưởng vào chính mình.
Câu chuyện đầy nghị lực của Pablo Pineda đã phá vỡ những định kiến về bệnh nhân Down và hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.