Được biết, kết quả nghiên cứu này chính thức được công bố vào chiều nay, ngày 12/11. Đại học Sư phạm TP.HCM đã tổ chức họp hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ này.
Trước đó, nghiên cứu này đã từng được công bố trên các trang báo. Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn và các đồng nghiệp khoa Tâm lý học (ĐH Sư phạm TP.HCM) kết quả khảo sát được đưa ra sau khi tiến hành phân tích, tổng hợp từ 1.028 học sinh THCS ở 7 trường THCS TP.HCM và Bình Dương trong hai năm (6/2016-6/2018).
Kết quả nghiên cứu cho thây, trong tổng số hơn 1.000 học sinh có tới 280 trường hợp có biểu hiện tự hành hạ bản thân. Các hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh lứa tuổi này như tự cắt xén, bứt tóc; tự khắc lên da thịt; tự đầu độc; tự cắn, cào, đánh đấm mình… Trong sinh hoạt hằng ngày, học sinh thường không quan tâm đến sức khỏe bản thân bởi không cảm thấy mình có giá trị. Ngoài ra, họ có thể ăn quá nhiều để an ủi chính bản thân, chán ăn hoặc bỏ bữa, tuyệt thực, thức khuya, lạm dụng thuốc ngủ.
Trước đó, vào khoảng thời gian khảo sát này được công bố trên các trang báo, rất nhiều người từng cảm thấy “sốc nặng” khi biết, trong tổng số hơn 1.000 học sinh tham gia khảo sát thì có tới 838 em có dấu hiệu của hành vi tự hủy hoại bàn thân, đặc biệt, có đến 374 em cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí đôi khi có cảm giác không muốn tiếp tục sống, 344 em có suy nghĩ bi quan về cuộc sống.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có đến 4,1% học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân ở mức độ nặng, trong đó nhiều em đã từng lên kế hoạch tự tử, đã từng tự tử nhưng không thành, tự đầu độc bản thân, tự làm bỏng mình.
Cũng theo nghiên cứu này, phần lớn các em đều thừa nhận đã thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân từ rất sớm, thậm chí nhiều em thực hiện hành vi này từ rất lâu đến mức không nhớ rõ.
Đánh giá chung mức độ hành vi tự hủy hoại bản thân, PGS Sơn đã chỉ ra có các mức độ nhẹ và trung bình chiếm phần lớn các trường hợp được điều tra, song có hai người ở mức độ nặng và rất nặng.
Về nguyên nhân, nghiên cứu cho thấy không phải các em bị sức ép từ gia đình, xã hội mà chính các em kỳ vọng quá cao về mình. Một số em bị bạn bè công kích, ép buộc hoặc bắt chước theo trào lưu tôn thờ cảm xúc.
Trước đó, hồi tháng 7/2017, trên facebook phát trực tiếp một thanh niên khoảng 20 tuổi, quê Long An đã xăm toàn bộ khuôn mặt được coi là “vì thất tình”. Không lâu trước đó, một nữ sinh ở Nghệ An rạch cổ tay sau khi chia tay bạn trai rồi đăng clip lên mạng. Cách đây ít ngày, một nam thanh niên chán sống đã leo lên cầu Nhật Tân (Hà Nội) tự tử nhưng bất thành và viết lại chi tiết quá trình này trên mạng xã hội khiến nhiều người choáng váng.
Kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM cũng hoàn toàn trùng khớp với số liệu tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Theo đó, trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng “Tự hủy hoại bản thân” có dấu hiệu gia tăng, phần lớn rơi vào lứa tuổi vị thành niên.