Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Du học

Nam sinh Kon Tum được 5 đại học Mỹ mời học bổng

Ngoài đam mê Toán học, Lê Viết Lưu Thanh muốn học thêm về hoạt động xã hội, giúp cải thiện cuộc sống của người dân Tây Nguyên.

Chỉ còn một tháng nữa, Lê Viết Lưu Thanh (học sinh lớp 12A1 Toán, trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Hà Nội) sẽ sang Mỹ du học. Sau 12 năm đèn sách với bảng thành tích là hàng loạt giải thưởng, chàng trai quê Kon Tum được 5 đại học Mỹ mời nhập học. Cậu đã chọn học Toán ứng dụng ở Fairfield University, với học bổng 45.000 USD/năm.

Lê Viết Lưu Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Háo hức xen lẫn hồi hộp khi sắp đến đất nước có nền văn hóa khác biệt, cậu học trò không khỏi quyến luyến, bồi hồi khi nhớ lại thời gian cắp sách đến trường ở quê nhà.

Là học sinh giỏi toàn diện, từ cấp tiểu học, Lưu Thanh đã giành giải nhất học sinh giỏi Toán thành phố Kon Tum. Năm lớp 8, Thanh thi đỗ vào trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Kon Tum), nơi tài năng trẻ được “mài giũa” với thầy cô giỏi và thử thách qua những cuộc so tài cấp quốc gia.

Hai năm học ở trường, Thanh đoạt 4 giải thưởng Toán học gồm giải nhất Olympic Toán Hà Nội mở rộng (HOMC) năm lớp 8, giải ba kỳ thi giải Toán đặc biệt của một tờ tạp chí năm lớp 8, giải nhất học sinh giỏi Toán cấp tỉnh năm lớp 9, giải ba Violympic cấp quốc gia môn Toán lớp 9. Không chỉ giỏi Toán, Thanh còn đoạt giải ba Tin học trẻ toàn quốc lớp 8.

“Giải mã” thành tích ấn tượng này, Lưu Thanh cho rằng em được hội tụ nhiều yếu tố. Mẹ là giáo viên, nên từ nhỏ, việc học của Thanh luôn được quan tâm sát sao, nhất là về môn Toán. Cậu được rèn luyện với những bài tập khó để phát triển tư duy và được bố mẹ động viên, định hướng mỗi khi sa sút.

Lên cấp 2, Thanh theo học cùng một thầy giáo dày dạn kinh nghiệm ở Kon Tum. Ở đây, Thanh được rèn giũa thường xuyên với những bài tập nâng cao, giúp cậu xây chắc và mở mang kiến thức.

Chàng trai phố núi thừa nhận, thời đó, Kon Tum có khá ít đầu sách tham khảo môn Toán. Chính vì vậy, mỗi cuốn sách hay đều trở thành “một ly nước lọc” giúp cậu thỏa mãn cơn khát kiến thức.

“Toán học là thế mạnh của em từ nhỏ. Lên lớp 8 thì em xác định đam mê của mình đặt ở Toán, từ đó em bắt đầu nghiên cứu và làm toán không biết mệt. Có quyển gì hay em lập tức photo và đọc ngấu nghiến. Có những quyển trở thành bước ngoặt trong việc học toán của em”, Thanh nói, giọng nhiệt huyết.

Từ Tây Nguyên ra phố lớn

16 tuổi, học xong lớp 9 ở Kon Tum, Thanh thử sức mình trong kỳ thi vào lớp chuyên Toán, trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Và cậu đã đỗ. Từ đây, hành trình ra biển lớn bắt đầu.

Chàng trai bồi hồi nhớ lại những ngày đầu học tập tại Hà Nội. Khi đó, kiến thức học rất khó, các bạn xung quanh xuất sắc, khiến Thanh lung lay và đôi khi còn bị stress.

“Những lúc khó khăn, em thường dừng hẳn mọi việc trong một ngày, phóng xe vào một quán quen, nghe những bài nhạc yêu thích và nghỉ ngơi. Mệt mỏi, thất vọng sau bao ngày dường như tan biến đi hết”, Thanh nhớ lại.

Khác với sự bảo bọc ở nhà, ra Hà Nội, Thanh ở ký túc xá, tự sắp xếp việc ăn ở và học tập. Năm đầu tiên em rất nhớ nhà. Nhưng xa nhà mang lại cho Thanh những trải nghiệm và cảm xúc chưa từng có.

“Tết lớp 10, em rời ký túc về nhà ăn Tết với một tâm trạng rất khó tả, vừa hào hứng, lại pha lẫn chút buồn vì phòng ký túc cứ vắng lặng dần. Đó là cảm giác mà em sẽ không bao giờ quên”,Thanh tâm sự.

Những lời động viên của người thân giúp chàng trai xa nhà kiên định, cậu quyết tâm theo đuổi đội tuyển Toán của trường, để có thể tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, ước mơ của bất kỳ tín đồ Toán học nào ở Việt Nam.

Ngoài học với các giáo viên đầu ngành tại trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Thanh còn tự học qua sách và các diễn đàn trên mạng.

“Ở thành phố lớn nhất Việt Nam, em đã có môi trường rất tốt để phát triển, và được tiếp cận với nguồn thông tin rộng lớn và rất nhiều các cơ hội khác nhau”, Thanh nói.

Lưu Thanh (thứ hai bên phải) chụp ảnh kỷ yếu cùng bạn học ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nỗ lực của Thanh được tưởng thưởng bằng học bổng của trường và Viện Toán học. Hai năm học lớp 10, 11, Thanh đạt giải nhì Toán mô hình toàn quốc. Và đặc biệt, năm lớp 11, Thanh đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán.

Đến cuối năm lớp 11, cậu dồn sức “chạy nước rút” 7 tháng ôn thi tiếng Anh SAT và TOEFL và hoàn thiện hồ sơ xin học bổng.

Thanh chia sẻ, bộ hồ sơ được chọn hội đủ nhiều yếu tố. “Ngoài giải thưởng từ các cuộc thi, em đã tham gia và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa với trải nghiệm phong phú. Từng cố gắng nhỏ được thể hiện trong bộ hồ sơ sẽ giúp ban tuyển sinh hiểu rõ con người mình”, nam sinh chia sẻ.

Theo Lưu Thanh, các đại học nước ngoài quan tâm nhất đến bài luận của học sinh. “Em cảm thấy con người mình thể hiện trong bài luận cần phải vượt ra khỏi ghế nhà trường, mang cái gì đấy trừu tượng, và ấp ủ trong đấy những suy nghĩ lớn”, Thanh nói.

Nói về ngành học đang theo đuổi, Thanh bộc bạch: “Em chọn ngành toán ứng dụng vì Toán là niềm đam mê của em. Nhưng em sẽ không thiên về nghiên cứu, mà theo học các lĩnh vực liên quan nhiều hơn đến thực tế như ngành xác suất thống kê, hoặc Data Sciences…”.

Nam sinh cho biết, các trường ở Mỹ cho phép sinh viên thay đổi ngành học trong hai năm đầu. “Em sẽ học thử và chọn ra chuyên ngành em muốn theo đuổi nhất”, Thanh dự tính.

Ngoài Toán, Thanh dự định sẽ chọn nhiều môn liên quan đến hoạt động xã hội. “Em rất quan tâm đến những vấn đề xã hội và mong muốn sẽ góp phần giải quyết những bất công đang hiện hữu tại đất nước ta”, Thanh nhiệt huyết.

Thanh nói vui: “Hai năm cuối cấp ba nỗi nhớ nhà đã nguôi đi rất nhiều, nên em yên tâm khi sang Mỹ”. Nhưng chàng trai còn một nỗi trăn trở mang theo. “Trong bài luận của mình, em đã viết về cuộc sống khó khăn của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Em quyết tâm trở về nước và thay đổi điều đó”, Thanh tâm nguyện.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố