Theo thông tin từ Doanh nghiệp & Tiếp thị, vào tối 18/2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra thông báo nhà trường sẽ tiếp tục duy trì việc học online vì dịch Covid-19. Thông báo này được đăng trên Fanpage chính thức của trường.
Thông báo ghi rõ: “Do tình hình dịch Covid 19 trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, thực hiện sự chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện quyết định tất cả các hệ, các lớp tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển toàn bộ sang học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới”.
Trước đó, vào ngày 9/2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã công bố lịch học trực tiếp tại Học viện như sau:
- Ngày 14/2: Các lớp nghiên cứu sinh, cao học, các lớp hệ đại học vừa học vừa làm.
- Ngày 21/2: Các lớp đại học chính quy tập trung hệ chuẩn và chất lượng cao K38.
- Ngày 28/2: Các lớp đại học chính quy tập trung hệ chất lượng cao K39, K40 và các lớp đại học chương trình liên kết quốc tế.
- Ngày 7/3: Các lớp đại học chính quy tập trung hệ chuẩn K39 đến K41, hệ chất lượng cao K41.
Thông báo bất ngờ này khiến nhiều sinh viên choáng váng, rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi lẽ, không ít sinh viên từ tỉnh lẻ đã tới Hà Nội từ sớm để tìm phòng trọ, khi vừa trả tiền nhà và đóng cọc xong thì nhà trường lại “quay xe”.
Chia sẻ với PV VietNamNet, bạn H. (quê Phú Thọ, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) cho biết, H. đã cùng 2 người bạn thân bắt xe xuống Hà Nội để tìm phòng trọ, sau khi nghe tin nhà trường quyết định cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp.
Do đã ghi hết danh sách các phòng trọ cảm thấy ổn trên các hội nhóm từ trước, nên sau một ngày tìm kiếm, nhóm của H. cũng tìm được một phòng trọ ưng ý tại phố Trần Quốc Vương (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) với giá thuê 3 triệu đồng/phòng/3 người.
Vốn dĩ định cuối tháng này mới chuyển vào, nhưng chủ nhà không chấp nhận giữ phòng nên cả ba đành phải thuê phòng từ ngày hôm đó. Ngoài tiền thuê nhà, nhóm của H. còn phải cọc thêm 1,5 tháng tiền nhà và ký hợp đồng 1 năm.
Không ngờ rằng, nhà trường lại tiếp tục học online khiến H. và bạn bè rơi vào cảnh “ở cũng không được mà về cũng không xong”. Giờ đây, nếu không trả phòng, H. và bạn sợ sẽ mất 6-7 tháng tiền phòng nhưng không ở như năm ngoái. Nhưng nếu chấp nhận mất cọc, nhượng phòng thì H. sợ một thời gian ngắn nữa trường cho đi học trở lại, lúc đó lại không còn phòng ưng ý để thuê.
Không chỉ H. mà còn khá nhiều bạn trẻ cũng rơi vào tình cảnh tương tự như vậy. Hồi đầu tháng 2, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trong tháng 2. Hiện, đa số các trường vẫn giữ nguyên phương án cho sinh viên quay trở lại học trực tiếp.