Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Mỗi năm mất 1,5 tỷ đồng du học, 9X gác lại giấc mơ Mỹ về nước trồng hàng nghìn cây dưa lưới Nhật để khởi nghiệp

Đang là một du học sinh ngành Quản trị kinh doanh tại Mỹ, chàng trai trẻ Phương Tùng (21 tuổi) quyết định nghỉ học, về quê hương khởi nghiệp bằng việc trồng dưa lưới, mong muốn cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường Việt.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2017, nông trại dưa lưới giống Nhật ở huyện Củ Chi (TP.HCM) của Phương Tùng hiện nay rộng gần 4.000 m2, bao gồm 7 nhà màn lớn nhỏ. Mỗi nhà màn nhỏ (500m2) có thể trồng được khoảng 1100 cây, nhà màn lớn khoảng 1600 cây và thường cho thu hoạch liên tiếp nhau.

Vườn dưa lưới được trồng theo mô hình nhà màn sạch sẽ, tránh mọi ô nhiễm từ bệnh ngoài

“Mỗi năm du học Mỹ hết 1,5 tỷ đồng, đem số tiền ấy về Việt Nam, bạn đã đủ mở công ty để làm ông chủ rồi”

Quyết định gác lại giấc mơ Mỹ để về quê hương làm nông nghiệp của Tùng đã tạo ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Bạn bè, người thân có người đồng tình nhưng cũng không ít người lên tiếng phản đối. Theo nhận xét của bạn bè, Tùng là một người khá liều lĩnh, có cá tính và luôn khát khao được làm những gì mình thích. Nét tính cách này khiến họ tin, một khi Tùng đã quyết tâm làm gì thì khó tìm được người ngăn cản cậu.

Nói về quyết định bỏ học, Tùng tâm sự: “Nhiều người nghĩ du học Mỹ là một con đường chắc chắn sẽ thành công nhưng thực tế không phải như vậy. Sau 2 năm theo học, mình nhận thấy số tiền bỏ ra để theo học là quá lớn (gần 1,5 tỷ đồng/năm) nhưng cơ hội việc làm lại khá thấp. Nước Mỹ chỉ giữ lại những người thật sự tài năng. Mình suy nghĩ và tính toán rất kỹ, nếu đem số tiền 4 năm học ở Mỹ về Việt Nam sẽ có thể lập nghiệp được rồi, vì vậy mình quyết định trở về”.

Phương Tùng, chàng trai 21 tuổi khởi nghiệp từ giống dưa lưới nhật Bản

Là một người sinh ra và lớn lên ở nội thành Sài Gòn, Phương Tùng chưa bao giờ có cơ hội tiếp xúc với việc làm nông nghiệp. Thế nhưng thay vì chọn một lĩnh vực thời thượng hơn, Tùng lại muốn quay lại làm những gì đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của mọi người.

Cậu tâm sự, từ hồi còn đi học đã thấy thông tin thực phẩm bẩn ngập tràn khắp mọi nơi. Lúc đó, Tùng đã có ý định sau khi học xong sẽ về Việt Nam trồng thực phẩm sạch cung ứng cho thị trường. “Trong một lần nghe ba nói về ý tưởng trồng dưa lưới, mình đã đưa ra quyết định luôn”, Tùng kể.

Kết cấu nhà màn dưa lưới của nông trại

Trước khi quyết định trồng dưa lưới, Tùng đã tìm hiểu tất cả các thông tin liên quan. Cuối cùng, cậu nhận thấy thị trường dưa lưới tiềm năng và bắt đầu lập kế hoạch dự án để thuyết phục gia đình đầu tư cho mình.

Anh chia sẻ, vì là một người mới và chưa có nhiều kinh nghiệm nên quá trình thực hiện có nhiều khó khăn. Cũng may mắn, anh được một người chú có kinh nghiệm nông nghiệp giúp đỡ. “Chú ấy là một người đã có kinh nghiệm nhiều về lĩnh vực nông nghiệp, chỉ cần đi học một khóa ngắn hạn về trồng dưa lưới là đã có thể truyền đạt lại cho mình làm theo”.

Một nhà màn vừa mới ươm giống khoảng 1 tuần

Những cây dưa được rút nước về trái để ung cấp chấp dinh dưỡng đầy đủ, chuẩn bị thu hoạch

“Coi nông trại như con cái mình” 

Cuộc sống của Tùng giờ đây gắn liền với nông trại. Mỗi ngày, cậu thức dậy từ lúc 6h và chạy từ nhà ở quận 3 đến nông trại tại Củ Chi và làm việc tới 5 giờ chiều. Tùng tâm sự, loại dưa lưới mình trồng có giống từ Nhật Bản nên phải chăm sóc khá kỹ.

Khí hậu Việt Nam khác biệt so với Nhật, mưa nắng thất thường nên rất dễ phát sinh vi khuẩn gây bệnh cho cây. Nếu không chăm sóc tỉ mẩn, cẩn thận cây sẽ bị nấm, phấn trắng. Cây dưa lưới dễ bị tổn thương. Dù là một xây xát nhỏ trong quá trình treo dưa cũng khiến dưa có thể bị hỏng”, Tùng cho biết.

Mỗi đợt từ khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch dưa lưới kéo dài khoảng 2 tháng, mỗi cây sẽ cho ra một trái (khoảng 1,6kg). Hiện tại cứ một đợt thu hoạch, Tùng sẽ có khoảng 1100 - 1400 trái. Số lượng này, cậu bán hết trong vòng 10 ngày. Sau đó, Tùng lại tập trung cho việc trồng dưa luân phiên làm sao có thể thu hoạch liên tục.

Phương Tùng đang treo những trái dưa lưới

Phương Tùng đang phân loại dưa lưới ra theo chất lượng

Ngoài việc trồng dưa, Tùng cũng chính là người chịu trách nhiệm ngoại giao, buôn bán. Ban đầu, cậu mang trái cây đến các đại lý lớn để chào hàng, mời dùng thử và thương lượng giá cả. Tùng bảo, đó là giai đoạn khó khăn nhất bởi hầu hết các địa lý đều chê mức giá cậu đưa ra là cao so với mặt bằng chung của thị trường.

“Nhưng sau khi biết rằng đây là giống dưa Nhật, được chăm sóc kỹ lưỡng trong nhà màn và hoàn toàn sạch, họ bắt đầu kiểm tra quy mô hoạt động của nông trại, cuối cùng cũng đồng ý thu mua”, Tùng kể.

Trở thành ông chủ của nông trại nhưng mình Tùng phải đảm đương rất nhiều đầu việc. Cậu tâm sự, may mắn là trong thời gian du học, Tùng đã đi làm thêm và học hỏiđược nhiều kinh nghiệm từ sắp xếp công việc, quản lý nhân sự và tính toán chi tiêu hợp lý.

Những trái dưa lưới đã được thu hoạch và đưa vào bảo quảo

“Đôi lúc mình cũng có chút chán nản nhưng suy nghĩ đó chỉ xuất hiện trong giây thôi. Mỗi lần như vậy mình nghĩ tới những ngày bắt đầu, nghĩ tới những người đã đặt niềm tin vào mình để tiếp tục cố gắng. Mình tự chất vấn bản thân bằng cách suy nghĩ về những người khởi nghiệp giống mình, những người làm ruộng rẫy dưới quê còn vất vả hơn rất nhiều. Nếu chỉ mới như vậy mà mình đã bỏ cuộc thì quá tệ”.

Sau khi mô hình này đi vào ổn định, chàng trai 9X dự định sẽ tiếp tục đi học một khóa học chuyên sâu về nông nghiệp. Phương Tùng có mong muốn sẽ mở rộng mô hình dưa lưới ở miền Tây và bắt đầu phát tiển thử nghiệm mô hình trồng rau sạch.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Phạm

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tin vui cho Nguyễn Xuân Son sau cuộc tái khám