Còn thiếu kinh nghiệm, non nớt khi va chạm với cuộc đời vì vừa rời xa giảng đường cùng với những nỗi lo, khủng hoảng riêng ở tuổi đôi mươi… là tình trạng chung mà mọi sinh viên vừa ra trường đều gặp phải.
Đứng trước những khó khăn đó, gia đình chính là điểm tựa vững vàng nhất, tuy nhiên, câu chuyện của cô gái chia sẻ dưới đây lại dấy lên hai luồng ý kiến khác nhau về chữ hiếu thời kỳ hiện đại.
“Bố mẹ đòi chia lương.
Các bạn ơi, mình cảm thấy áp lực từ chính bố mẹ của mình. Mình chỉ mới ra trường vừa làm được 2 tháng nay. Mỗi tháng lương không đáng bao, chi tiêu cá nhân tằn tiện ăn uống, xăng xe cũng chỉ vỏn vẹn 2 triệu. Áo quần, túi xách, giày dép cũng không dám mua.
Hàng tháng mình cũng phụ nhà chi phí sinh hoạt. Chi ra mình cũng chỉ dư lại vỏn vẹn 2-3 triệu tích góp. Nhưng ba mình rất lạ, nếu không muốn nói thẳng là bòn tiền mình. Từ cái card điện thoại, hay chi phí đám tiệc gì ba mình cũng đưa ra 1 con số bắt mình phải chi. Nói rằng đây là trách nhiệm của mình.
Mẹ mình thì muốn mình phải cho thêm em trai chi phí để sinh hoạt. Bố mẹ mình ai cũng có tiền trăm triệu để ngân hàng. Nhưng nhất quyết không chịu chi, có tiệc tùng gì cũng bảo mình chi là phải nhiều mới đáng mặt và tự hào. Bố mẹ mình muốn tự hào bao nhiêu em càng tằn tiện bấy nhiêu.
Mua 1 đôi giày mình cũng không dám mua, mình chưa bao giờ dám bỏ ra 500k để mua 1 đôi giày nào, vậy mà mình cho ba đi mua giày. Tưởng ba sẽ vui vậy mà ba về trách móc “500k có đủ đâu tao phải bỏ thêm 200k nữa mới đủ đó”. Em nghe xong buồn kinh khủng.
Mình đi làm đã đủ thứ áp lực, về nhà lại suốt ngày bị đòi lương, bố mẹ mình thậm chí họ còn ngồi tính trên lương mình nên đưa cho họ bao nhiêu. Và nói mình xài gì 1 tháng gần 2 triệu. Chắc mình phải đổ nước lạnh vào để chạy xe đi làm. Và nhịn đói 3 bữa để không tốn tiền ăn.
Bất hiếu? Mình sẽ bị gán mác ngay khi phản bác sự tính toán của ba mẹ trên đồng lương của mình. Chính mình còn không được xài và làm chủ đồng lương của mình. Mình thật sự rất chán. Và muốn bỏ nhà đi. Mình quá mệt mỏi, khi về nhà là vấn đề tiền bạc cứ đổ lên người mình.
Các bạn chắc cũng trải qua giai đoạn này, cho mình 1 lời khuyên với. Mình nên làm gì để bố mẹ có thể hiểu mình hơn đây. Đừng suốt ngày gặp mình là đòi tiền nữa”.
Sau khi chia sẻ, bài viết nhanh chóng nhận được nhiều bình luận của cư dân mạng, song song cùng hai quan điểm khác nhau. Có người bảo vệ suy nghĩ của cô gái vì cho rằng việc báo hiếu không nên đi kèm sự bắt buộc hay khiên cưỡng, người con có hiếu sẽ tự hiểu chuyện và tìm cách báo đáp từ thực tâm, không cần bố mẹ phải ép buộc hay chi li từng tí một với con cái đang trong tuổi chênh vênh lập nghiệp.
“Ba mẹ nuôi lớn để nên người. Đi làm kiếm tiền trước tiên tự nuôi được bản thân không để ba mẹ lo nữa đó mới là cái hiếu đầu tiên dành cho ba mẹ. Còn chuyện lo lắng lại cho ba mẹ trước tiên là lo cái cách sống để ba mẹ yên lòng kìa.
Tiền bạc ba mẹ thừa hiểu tụi mình sẽ lo được cho ba mẹ như thế nào. Cái để ba mẹ tự hào là mình nên người. Chứ chả phải mang tiền về nhà là có hiếu là lo cho ba mẹ đâu. Đừng ở đó nói nó tính toán. Như nó đi rồi hiểu”.
Ngược lại, cũng có những bình luận cho rằng việc tròn chữ hiếu là phận con cái, không đợi giàu sang mới báo hiếu, như vậy biết khi nào mới trả lại công lao bố mẹ nuôi dưỡng, vì vậy cô gái nên tập thích nghi với điều kiện sống thiếu thốn trong những năm đầu còn non nớt.
“Sau này bạn có con bạn sẽ biết, ngày xưa ba mẹ bạn ăn không dám ăn, quần áo toàn mặc đồ cũ, giày dép là thứ xa xỉ, tháng nào cũng tốn hết 1 nửa lương chỉ để chi cho bạn. Rồi còn những lúc ốm đau bệnh tật thức đêm thức hôm lo chạy chữa cho bạn thì bạn mới thấu được. Làm ơn nhớ về những ngày đó mà trả ơn, trả hiếu đi chứ than thở cái gì”.
Vấn đề cũ, nhưng lại mới bởi thật khó tìm ra câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Mỗi người với hoàn cảnh riêng thì thật khó để nhận xét hành động của cô gái hay bố mẹ là đúng hay sai và cho lời khuyên. Tìm sự cân bằng giữa chúng bằng một cuộc nói chuyện thẳng thắn giữa bố mẹ và con cái chính là phương thức hiệu quả nhất để hai bên có thể thấu hiểu.