Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số địa phương đã có dự kiến đưa 100% học sinh trở lại trường học, sớm nhất là ngày 7/2 và muộn nhất là ngày 14/2. Lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo và Bộ Y tế đều khẳng định, việc đưa học sinh các bậc học đến trường học trực tiếp là rất cần thiết trong thời điểm này bởi Việt Nam đã có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm và hội đủ điều kiện để tái thiết việc học tập cho học sinh trong bối cảnh dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Thời điểm này hình cộng đồng của chúng ta cũng đã có một mức độ miễn dịch. Thứ hai nữa là việc cho các cháu trở lại trường nó phụ thuộc vào những yếu tố để đảm bảo an toàn, trong đó gia đình phải an toàn trường học về an toàn và kể cả cộng đồng xã hội địa phương đó cũng phải đảm bảo các tiêu chí an toàn và việc các cháu đến trường nguy cơ lây lan thì chúng ta không thể khẳng định là an toàn tuyệt đối, nhưng chắc chắn là việc lây lan cho các cháu từ độ tuổi 5 đến 11 tuổi là rất thấp”.
Để chuẩn bị đón học sinh đến trường học trực tiếp, các địa phương đều xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên, trong đó Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội cùng một số quận đã tổ chức diễn tập các tình huống đón học sinh trở lại trường cũng như trường hợp phát hiện và xử lý nếu xuất hiện F0 trong trường. Các buổi diễn tập đều được livestream trên mạng internet để các trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh có thể theo dõi.
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội cho biết: “Tôi nghĩ rằng với tình hình như hiện nay, với sự chuẩn bị của chính quyền của ngành cũng như của các nhà trường thì đã đến lúc các con được đến trường rồi. Tôi cũng nghĩ là các con được đến trường là sẽ an toàn. Nếu như có tình huống phát sinh đến đâu thì chúng ta sẽ xử lý tới đó và tôi tin là chúng ta sẽ kiểm soát được”.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, phương án mở cửa trường học tại các địa phương đều được căn cứ trên diễn biến dịch bệnh thực tế, trong đó có lộ trình thích hợp cho từng nhóm học sinh. Đưa học sinh đến trường trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn tiếp tục gia tăng, nên điều quan trọng nhất là các cơ sở giáo dục cần có tổ chức diễn tập, phối hợp với gia đình để triển khai các bước đảm bảo an toàn cho trẻ.
“Việc diễn tập là việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh chúng ta phải tính toán, chúng ta phải có lộ trình để bảo vệ cho các em an toàn nhất, từ cách tiếp xúc ở gia đình, tiếp xúc ở nhà trường, trên đường từ trường về nhà, từ nhà đến trường, chúng ta phải tuân thủ “5K”, kể cả trong tổ chức ăn bán trú và những giao tiếp của các em” - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, dự kiến đến ngày 7/2 sẽ có khoảng 17 triệu học sinh trong tổng số hơn 22 triệu học sinh cả nước sẽ được đến trường, đạt tỷ lệ trên 75%./.