Những ngày qua, căn nhà nhỏ của chị Phạm Thị Loan (SN 1977, trú tại khối Tân Hòa, thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) luôn có người đến thăm, chia vui cùng gia đình khi biết tin hai cậu con trai sinh đôi của chị đã đỗ vào những ngôi trường danh tiếng với số điểm cao.
Hai anh em sinh đôi đỗ đại học lo không đến được giảng đường
Trái ngược lại với niềm vui của mọi người, trên khuôn mặt của 3 mẹ con chị luôn có những muộn phiền.
Chồng chị Loan không may qua đời vì bạo bệnh khi các con chị mới chưa tròn 2 tuổi. Lúc đó hai anh em sinh đôi Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Thành Long vẫn còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau quá lớn đến với gia đình mình. Sức khỏe bản thân không được tốt lại phải chịu cú sốc quá lớn khiến chị Loan như ngã quỵ. Nhưng vì các con, chị đã vượt qua tất cả.
Để có tiền lo cho các con, chị đã xin đi làm giúp việc cho các gia đình khá giả trong vùng. Thậm chí có những lúc thời gian chị dành cho hai con của mình cũng không bằng phân nửa thời gian lo cho con người khác. Thương mẹ, hai anh em Luân và Long luôn tự bảo ban nhau học tập làm việc nhà phụ giúp mẹ.
“Hai đứa nó ngoan lắm, tôi đi làm có lúc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới về, hai anh em ở nhà phải tự nấu ăn rồi đi học, về nhà lại tự làm mọi việc. Đến khi mẹ về thì hai đứa cũng đã cơm nước xong xuôi, nhà cửa gọn gàng cả rồi. Tôi sức khỏe yếu nên thường xuyên đau ốm, những khoảng thời gian như thế hai đứa còn phải vừa chăm sóc cho mẹ vừa đến trường. Cả hai đứa cùng rất ham học, cứ ngồi vào bàn học là chúng quên đi hết mọi thứ …”, người mẹ nghèo chia sẻ về hai con của mình.
Suốt 12 năm học, Luân và Long luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Riêng năm lớp 12, hai anh em giành giải học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học. Chưa lúc nào các em làm mẹ mình muộn phiền. Các em luôn là tấm gương cho học sinh nghèo vượt khó mà thầy cô tại trường luôn nhắc đến để học sinh noi theo và học tập.
Ngày qua ngày, người mẹ nghèo vẫn tần tảo đi giúp việc, làm nông nghiệp chắt bóp những đồng tiền nhỏ nhặt lo cho các con ăn học. Bởi chị biết rằng chỉ có học thức các con chị mới có hi vọng kiếm được một công việc ổn định để thoát khỏi cái kiếp nghèo, các con chị mới có được một tương lai tươi sáng hơn.
Nhưng chính vào cái ngày chị tưởng chừng như hạnh phúc nhất lại là thời khắc mà chị phải khóc. Chị khóc vì cảm thấy chính lúc này bản thân mình bất lực nhất, cảm thấy bản thân mình có lỗi với các con. Bất giác nhìn lên bàn thờ chồng, nước mắt chảy dài trên đôi gò má, chị nghẹn ngào: “Bây giờ hai đứa cùng đỗ đại học, nhưng cứ đi làm thuê thế này tiền công chẳng được mấy đồng thì tôi làm sao có thể lo được cho các con với cuộc sống học tập ở Hà Nội. Sắp tới các con đã phải đi nhập học rồi mà trong nhà cũng không có đủ tiền xe thì làm sao hai con có thể đi học được”.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Nguyên Thành Luân đã giành 21 điểm khối B (chưa cộng điểm ưu tiên). Với số điểm này, em đậu vào ngành Công nghệ sinh học của trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ngôi trường mà Luân luôn mơ ước.
Còn người em là Nguyễn Thành Long cũng giành được tổng 21,6 điểm khối A (chưa cộng điểm ưu tiên), đỗ vào Học viện Bưu chính Viễn thông. Đó là kết quả xứng đáng dành cho các em sau nhiều năm miệt mài đèn sách.
“Bây giờ em cũng không biết phải làm thế nào nữa, mẹ chỉ có một mình làm sao nuôi nổi hai anh em ăn học tại Hà Nội. Có lẽ em sẽ xin đi làm để phụ giúp mẹ nuôi anh ăn học…”, Long tâm sự.
Gia đình, thầy cô chia sẻ hoàn cảnh hai em.
Cô Nguyễn Thị Vinh - giáo viên Trường THPT 1-5 cho biết: “Mặc dù mồ côi bố từ nhỏ nhưng hai anh em Luân và Long luôn luôn là những học sinh giỏi của trường, là những tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Cá nhân tôi cũng như các giáo viên trong nhà trường rất trăn trở về trường hợp của hai em. Mong rằng các em sẽ nhận được sự giúp đỡ của mọi người để các em không phải nghỉ học…”.
Từ ngày biết mình đã chắc chắn đỗ vào ngôi trường mơ ước, Luân và Long lại càng thêm ưu tư. Đó cũng là lần đầu tiên các em lặng lẽ nghe thấy tiếng khóc của mẹ trong đêm, lần đầu các em khiến mẹ mình phải khóc vì đã “lỡ” đỗ đại học.