Thời đi học, hầu như chúng ta ai cũng từng gắn bó với những bác bảo vệ trông nom trường lớp. Mới đây, kỉ niệm ấy lại một lần nữa ùa về khi một nữ sinh Sài Gòn chia sẻ câu chuyện xúc động về 2 bác bảo vệ sinh đôi siêu dễ thương. Ngay sau khi chia sẻ, những dòng tâm sự này đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Dưới đây, chúng tôi xin trích lại tâm sự của nickname Mỹ Hạnh:
Mình có 2 người bố
Nếu đã từng là sinh viên của khối Đại học Quốc gia thì chắc chắn mọi người sẽ không còn xa lạ gì với 2 bác bảo vệ hiền lành và đáng yêu bậc nhất Làng Đại học này. Bọn mình may mắn được gọi hai bác bằng tiếng “bố” thân thương, mặc dù vốn dĩ không có mối quan hệ họ hàng ruột thịt.
Năm 2013, mình vào Sài Gòn để học đại học. Vì tiết kiệm chi tiêu cũng như tiện cho việc đến trường, mình đăng ký vào ở Ký túc xá Đại học Quốc gia. Mình chuyển vào trễ hơn mọi người 1 tháng nên phải ở “hỗn hợp” giữa: Nhân Văn, Tự Nhiên, Quốc Tế và cả Bách Khoa. Ngày ấy, mỗi lần ra vào cổng, mình hay chạm mặt các bố. Các bố ưa gật đầu và cười vui vẻ với bọn mình. Nhìn bố Huệ có nét giống ba ruột mình ở quê, nên mình rất mến bố.
Lên năm 2, mình bắt đầu thân với một nhóm bạn. Nhóm bạn ấy gắn bó với mình suốt thời đại học cho đến tận bây giờ. Mình và các bạn hay đi chơi hơn, hay ra vào cổng hơn, hay chạm mặt hai bố hơn. Một vài lần đứng chờ nhau trước cổng có dịp bắt chuyện cùng hai bố. Tính hai bố vui vẻ và cởi mở lắm, thường hỏi han quan tâm bọn mình đủ thứ chuyện. Dần dần, bọn mình và hai bố thân nhau lúc nào không biết. Mấy lần hai bố khoe với các bác bảo vệ khác bọn mình là con của hai bố, bọn mình cũng hưởng ứng theo, riết thành quen miệng. Cái xưng hô bố con ra đời từ đó.
Lúc đầu, mình không phân biệt được giữa hai bố, bố nào là bố Huệ và bố nào là bố Bảo, vì hai bố là anh em sinh đôi. Một ngày đẹp trời, mình đứng nói chuyện cùng hai bố, hai bố đứng cạnh nhau rồi kêu mình so sánh. Sau lần đó mình mới có thể phân biệt được.
Bố kêu mình là “con gái” miết thôi. Bố khoe với các anh, các bác trực chung “Con gái mới của tao, tụi bây thấy không”? Thế là lần hồi mình được mọi người trong Ký túc xá biết đến. Mình có được “kim bài miễn tử” đi đâu về muộn vẫn được mở cổng cho vào, lâu lâu được các anh, các bác bảo vệ cho “quá giang” qua trường, đôi khi còn được cho miếng bánh, cái kẹo đem về phòng, trưa trưa ra cổng đợi xe bus còn được free “trà đá bảo vệ”… Mấy lúc giãn ca trực, bố lại rủ bọn mình ngồi nói chuyện. Nói đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện phiếm, chuyện tình cảm của bọn mình, chuyện thời sự. Bố cũng hay dạy cho bọn mình rất nhiều điều hay trong cuộc sống. Có lần, bố Bảo còn mượn đàn guitar đánh cho bạn mình hát cả buổi tối trời mưa. Bọn mình có rất rất nhiều kỷ niệm đẹp với hai bố.
Thời gian thấm thoát trôi, bọn mình bước sang năm cuối đại học. Mỗi đứa tản đi một nơi, đứa tập trung học lấy nốt học bổng, đứa ráng “cày” lấy kinh nghiệm đi làm, đứa hối hả xoay vòng giữa dòng đời. Chỉ mỗi mình vẫn ung dung tận hưởng thời khắc cuối cùng của thời sinh viên. Chắc mình là đứa hay ngồi nói xàm, nói vui với hai bố nhất trong khoảng thời gian này.
Mình nghe bố Bảo hay hỏi: “Mấy đứa đi rồi, mốt có về thăm bố nữa không?”. Lúc đó, mình chắc như đinh đóng cột: “Về chứ bố, lâu lâu con cái về thăm bố, sao đi suốt được”. Bố cười hiền, cầm ly trà lên uống, không đáp lại câu nào. Vậy mà bọn mình đi một nước tận 2 năm, chưa có dịp nào về thăm lại hai bố.
Rồi bố tập chơi Facebook. Bố tìm nick từng đứa để kết bạn. Bố nhắn tin cho từng đứa hỏi: “Tụi con rảnh thì về thăm mấy bố nghe, nhớ giữ gìn sức khỏe, rảnh hãy về”. Mình vội trả lời: “Dạ, để con hỏi tụi nó, về lại chứ nhớ bố, nhớ Kí túc xá quá bố ơi”. Rồi bẵng đi một thời gian, bố gọi trực tiếp hỏi: “Tụi con sao rồi, Quỳnh làm MC hay ha con, bố thấy trên mạng nè, bố mới coi nó, nó trắng lên rồi con”, “Nga sao rồi con? Nó về dưới quê luôn không lên lại hả con, nó làm gì dưới vậy con?”, “Toàn đâu con? Bố lúc này không thấy nó, nó làm gì rồi con?”, “Hưng nó sao rồi Hạnh, nó đi làm chưa? Hồi đi học đẹp trai quá giờ sao con?”, “Còn Thu Quỳnh, ờ Thu Quỳnh từ hồi dọn ra đến giờ nó làm MC luôn hả con? Làm được không? Ổn không? Sức khỏe nó sao con?”.
Trả lời hết một loạt câu hỏi của bố, đến phiên mình, bố lại hỏi:
“Con mới quen anh nào đúng không? Người này tốt không con? Nó ở đâu? Nó có thương con không? Nó có học dưới này không? Giờ nó làm gì? Ổn định không? Tụi con tính sao?”
Mình không nhớ nổi mình đã trả lời hết những câu hỏi của bố như thế nào. Mình chỉ biết, mỗi lần thấy bố comment hay liên lạc là mình lại nhớ, nhớ cái chỗ các bố hay ngồi, nhớ bố cười chỉ mình giấu hộp cơm sau lưng tránh camera, nhớ bố kêu mình ở lại uống ly trà nóng, nhớ bố chở mình đi về A5 khi trời lâm râm mưa, nhớ cách bố hay gọi “con gái của tao”, mình nhớ cái KTX mình từng coi là nhà.
Rồi hôm kia, bạn trai mình cho mình coi mấy dòng tin nhắn bố inbox riêng với ảnh, mình chẳng biết sẽ ghi gì trên này, vì mình coi xong chỉ lặng lẽ khóc. Mình thương bố, như cái cách bố thương những đứa con không phải ruột thịt sinh ra trong Ký túc xá.
Cám ơn các bố đã luôn là những người lớn, người thân dạy tụi con trên đất thành phố này, thương tụi con như ruột thịt, luôn lo lắng khuyên bảo cho tụi con. Cám ơn các bố vì lúc nào cũng dõi theo từng bước đi của tụi con, từng dòng “status”, từng sự kiện của cuộc đời tụi con. Đăng “status” buồn, bố sẽ vào an ủi, đăng những hình ảnh vui vẻ, hạnh phúc, bố sẽ vào “thả tim”, vào chúc mừng. Con chưa bao giờ nghĩ trên đời này sẽ có những “người dưng” thương con vô điều kiện đến như vậy.
Cám ơn các bố đã luôn bên cạnh tụi con, cho tụi con được gọi tiếng “bố” thân thương, xem tụi con như ruột thịt. Trong suốt quãng đời sinh viên, với tụi con, hai bố là một gia đình nhỏ. Tụi con sẽ về mà, sẽ về thăm hai bố sớm thôi. Tụi con hứa!”
undefined