Giảm gần 40% chỉ tiêu vào các trường sư phạm
Mới đây, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chỉ tiêu năm 2018 đối với các trường sư phạm là khoảng 35.000. So với năm 2017, chỉ tiêu sư phạm giảm gần 40%.
Lý giải về những thay đổi này, theo Vụ giáo dục ĐH, căn cứ để xác định chỉ tiêu năm 2018 dựa vào tổng nhu cầu của địa phương được tính là tổng số của số sinh viên dự kiến tuyển mới, số sinh viên dự kiến tốt nghiệp và số sinh viên đã tốt nghiệp chưa có việc làm trong những năm qua.
Đồng thời, kết hợp yếu tố vùng miền, việc định hướng dịch chuyển cơ cấu giáo viên mầm non, giáo dục tiểu học ở các trình độ theo dự thảo luật giáo dục.
Kết quả khảo sát cho thấy, số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm và dự kiến sinh viên tốt nghiệp năm 2018-2019 ra trường chưa tìm được việc làm ngay là hơn 40.000 người. Trong đó, khoảng 50% vẫn chờ cơ hội vào sư phạm hoặc sẵn sàng quay lại với sư phạm nếu có cơ hội. Theo đó, ngành sư phạm sẽ thu hút được khoảng hơn 20.000 người.
Tính toán theo các số liệu này, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu. Điều đó nhằm đào tạo sát nhu cầu và giảm thiểu sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm.
Bên cạnh định hướng từ Bộ, năm nay, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm cũng giảm 29% so với năm 2017. Trong đó, số nguyện vọng một là trên 43.000 nguyện vọng, giảm 27% so với 2017.
Cả nước sẽ thiếu tới 59.000 giáo viên
Từ năm học 2021-2022, khi lứa sinh viên sư phạm tuyển năm 2018 tốt nghiệp, nhu cầu tuyển mới giáo viên của 63 tỉnh thành là 59.000 giáo viên. Số lượng này bao gồm cả nhu cầu giáo viên mới và thay thế giáo viên về hưu.
Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số giáo viên thiếu chủ yếu tập trung ở bậc mầm non và tiểu học. Cụ thể, đến năm học 2021-2022, trong số 59.000 giáo viên thiếu thì có đến 49.000 là chỉ tiêu của mầm non và tiểu học, chiếm tới 83%.
Bên cạnh việc thừa-thiếu giáo viên lệch nhau ở các bậc học thì còn có tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ theo vùng miền. Cụ thể, thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục năm 2017 cho thấy, tỉnh Sơn La thiếu trên 1.000 giáo viên mầm non. Số giáo viên mầm non còn thiếu của tỉnh Bắc Giang là gần 2.000 người, tỉnh Thái Bình thiếu 1.500 giáo viên, Thanh Hóa thiếu 1.405 người, Thành phố Hồ Chí Minh thiếu gần 1.200 người. Tỉnh Nghệ An thậm chí thiếu đến gần 3.400 giáo viên mầm non. Ở bậc tiểu học, tỉnh Sơn là thiếu trên 1.000 giáo viên, Gia lai thiếu gần 1.200 giá viên, Hà Nội thiếu gần 2.700 giáo viên.