Sinh viên ra trường ai cũng muốn tìm được công việc tốt và thuận lợi thăng tiến, đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng làm được điều này. Thống kê hàng năm cho thấy, nhiều năm gần đây tại Việt Nam vẫn luôn còn hàng trăm nghìn cử nhân, ThS thất nghiệp.
Một trong nhũng lý do bất ngờ khiến nhiều người gặp bế tắc trong sự nghiệp chính là yếu tố trí thông minh cảm xúc (EQ). Nhiều sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện ở trường ĐH thường mải mê theo đuổi việc học hành, làm thêm… mà bỏ qua việc rèn luyện các kỹ năng mềm và quản lý cảm xúc. Kết quả, sau khi ra trường, dù họ có trong tay tấm bằng loại giỏi và dày dạn kinh nghiệm làm thêm nhưng vẫn bị nhà tuyển dụng thắng thắn từ chối chỉ vì không biết cách ứng xử và kiềm chế cơn nóng giận.
Người ta thường nói, con người hơn nhau ở thái độ và cách ứng xử. Những người không hiểu chuyện đôi khi không có ác ý nhưng vẫn luôn dễ dàng trở thành mục tiêu bị công kích hoặc khiến người khác “khó ưa”. Đây cũng chính là rào cản lớn ngăn chặn họ vươn tới thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.
Để hiểu rõ hơn về trí thông minh cảm xúc, Saostar.vn đã có cuộc trò chuyện với chị Trần Thị Ngọc Thảo - Trưởng bộ phận chiến lược nhân sự - HR Business Partner Manager - Global Cybersofft.
Dưới đây, chúng tôi xin trích lại nguyên văn chia sẻ của chị Thảo về trí thông minh cảm xúc và tầm quan trọng của nó trong việc tạo nên thành công sự nghiệp:
“Chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) là khả năng hiểu, nhận biết và kiểm soát cảm xúc của bản thân, thông cảm và giúp người khác vượt qua thử thách hoặc giải quyết mâu thuẫn.
Trong khi chỉ số thông minh (IQ) giúp bạn hoàn tất các chương trình học đường thì chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) mới chính là chìa khóa giúp bạn thành công và thăng tiến trong công việc.
Với kinh nghiệm làm ở lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, cá nhân tôi cho rằng, chỉ số cảm xúc đóng một vai trò vô cùng quan trọng không chỉ đối với ứng viên mà còn với cả nhà tuyển dụng và những nhà quản lý.
Thực tế, ngày càng nhiều công ty lồng ghép những bài kiểm tra về chỉ số cảm xúc, tính cách khi tuyển dụng bởi kết quả này sẽ phản ánh được ứng viên có phù hợp với công việc hay không thông qua tương tác, cách ứng xử và thái độ của ứng viên.
Thêm nữa, để nhận biết và đánh giá chính xác được thái độ của ứng viên hoặc khả năng phù hợp cho từng vị trí, các nhà tuyển dụng phải “may đo” sẵn bộ hồ sơ năng lực (core competence). Đây là cách mà các nhà tuyển dụng tạo ra những điều kiện cần thiết để một người có thể làm tốt công việc.
Gardner (Cha đẻ của thuyết Trí Thông minh Đa dạng) từng nhấn mạnh, một người lãnh đạo thành công chiếm 80% đến 100% là EQ (Trí tuệ cảm xúc).
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã ứng dụng EQ và đạt được những kết quả đáng ngưỡng mộ. Cụ thể, Pepsico đã tăng được hiệu quả công việc lên 10%, Sheraton đạt thêm 24% thị phần và Amadori đã giảm được 63% tỷ lệ thay đổi nhân sự nhờ phát triển được EQ của nhân viên… Tất cả đã nói lên tầm quan trọng của EQ - thứ mà chúng ta nghĩ rằng không phải là năng lực và ít có giá trị quyết định đến sự nghiệp một cá nhân hay doanh nghiệp.
Những điều tôi nói đang nhằm mục đích lý giải sự quan trọng của EQ. Và nếu bạn đã hiểu được ý nghĩa của nó thì chắc chắn, chính bạn sẽ là một người không ngừng nỗ lực rèn luyện trí thông minh cảm xúc. Tại sao chúng ta lại không làm đều đó khi biết EQ quyết định tới 80% khả năng thành công chứ chưa nói đến việc lọt mắt xanh của nhà tuyển dụng?
Đối với việc tuyển dụng nhân sự, tôi có thể khẳng định, trong bất kỳ ngành nghề nào, những khả năng như hòa nhập vào công việc, hoàn thành nhiệm vụ, học hỏi và thăng tiến… là những yếu tố được nhà tuyển dụng đánh giá hàng đầu.
Để tìm kiếm được các ứng viên hội tụ đủ những yếu tố này, các nhà tuyển dụng phải áp dụng rất nhiều thước đo, bao gồm cả việc đưa ra những câu hỏi trái ngược với ý kiến của những người trưởng bộ phận trong buổi phỏng vấn để thách thức ứng viên.
Đối với các bạn sinh viên mới ra trường, vì các bạn thiếu kinh nghiệm nên các bậc “tiền bối” sẵn sàng chỉ dẫn các bạn các làm việc. Tuy nhiên, thái độ và tính chủ động luôn được đánh giá cao trong quá trình làm việc.
Ai làm việc cũng có thể phạm sai lầm, đừng sợ! Hãy thể hiện tinh thần cầu thị, biết nhận lỗi và đề xuất hướng khắc phục. Đừng cảm thấy tự ti khi bị trách mắng, hãy nghĩ đó là cơ hội để bạn có thể làm tốt hơn.
Hãy luôn chủ động và làm việc với tinh thần “YES, I CAN”.
Giống như chỉ số thông minh (IQ), chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) ở mỗi người đã được định sẵn, tuy nhiên nó có thể cải thiện nếu chúng ta có đủ quyết tâm.
Bản chất của trí thông minh cảm xúc thể hiện qua thái độ hoặc phản ứng của bạn về sự việc xảy ra; cách bạn tiếp nhận và hướng khắc phục tình huống như thế nào. Điều này buộc bạn phải rèn luyện qua thực tế giải quyết các mối quan hệ, các sự việc diễn ra xung quanh minh. Người xưa thường nói, đó chính là kinh nghiệm sống.
Do không được đào tạo ở trường học nên sinh viên buộc phải tự tạo cơ hổi để trau dồi EQ thông qua việc mở rộng các mối quan hệ, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa…
Một cách khác có thể áp dụng đó là đọc sách, báo, học cách đưa ra chính kiến và xử lý tình huống, rèn luyện cách kiềm chế sự nóng giận và giải tỏa căng thẳng, tự cân bằng cảm xúc.
Cá nhân tôi cho rằng, để rèn luyện trí thông minh cảm xúc, sinh viên nên tập trung cải thiện 5 kỹ năng sau:
1. Tự nhận thức: Tức là hiểu được cảm xúc của mình trong thời điểm hiện tại chứ không phải vài tuần sau đó khi việc nhận thức diễn ra bạn mới hiểu lý do tại sao mình cư xử theo một cách nào đó.
Hiểu được cảm xúc nào đang thúc đẩy hành vi của mình và cảm xúc đó đang ảnh hưởng đến người khác như thế nào là yếu tố rất quan trọng trong việc rèn luyện trí thông minh cảm xúc.
2. Điều khiển cảm xúc: Mọi người có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn và thông minh hơn khi có cảm giác vui vẻ. Tinh thần có liên quan đến năng suất. Chúng ta thường thấy những nhà lãnh đạo giỏi giang là người có khả năng thấm nhuần một năng lượng tích cực vào không gian làm việc.
3. Sự đồng cảm: Đó là cách mình chia sẻ cảm xúc hoặc đồng cảm với người khác. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy việc này qua cách xử lý vấn đề của nhà quản lý: Tại sao có những sự việc giống nhau nhưng chỉ cần các giải quyết khác nhau sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được học hỏi, được động viên hoặc thui chột ý chí, thấy mình như đang phạm phải việc khó lòng tha thứ?
Bí quyết ở đây là không cần đi đâu xa, sinh viên hãy quan sát và học tập từ chính những nhà quản lý giỏi!
4. Biết lắng nghe: Ai cũng biết lắng nghe nhưng thực sự làm thế nào để lắng nghe một cách hiệu quả thì đó lại là khái niệm rất xa lạ.
Trong công việc cũng như trong cuộc sống, việc người khác lắng nghe những phản hồi tiêu cực hoặc chỉ trích cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại bản thân và cải tiến. Đừng vội tự ái mà hãy cám ơn vì đó là cơ hôi.
5. Quản lý các mối quan hệ xã hội: Các mối quan hệ ở đây bao gồm các kỹ năng như xây dựng đội ngũ, thuyết phục, xây dựng mạng lưới và xây dựng mối quan hệ.
Bên cạnh đó, một nhà lãnh đạo với các kỹ năng xã hội cũng sẽ thể hiện việc dễ dàng giải quyết các xung đột.