Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020, song không phải là sự xáo trộn lớn, không trở thành bị động đối với các trường”.
Bởi theo bà Phụng, kế hoạch tuyển sinh của trường do từng trường xây dựng, ban hành. Bộ GD-ĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung đối với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020. Trong điều kiện các trường có thể sử dụng quyền tuyển sinh nhiều đợt trong năm thì công tác tuyển sinh chủ yếu do trường chủ động.
Riêng các lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển… và các mốc thời gian khác quy định cho trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ lùi lại, “tịnh tiến” tương đương với thời gian lùi lịch thi.
“Thực tế, nếu tính từ khi thí sinh đăng ký xét tuyển đến khi kết thúc xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia thì lịch này được thực hiện trong khoảng gần 5 tháng. Nếu tính từ thời gian thi THPTQG thì sau khoảng gần 2 tháng sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1. Như vậy, nếu lịch thi THPT quốc gia lùi đến cuối tháng 7 như dự kiến thì khoảng cuối tháng 9 sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1 từ kết quả kỳ thi và còn hơn 3 tháng cho một số trường xét tuyển các đợt tiếp theo. Vì vậy, thời điểm kết thúc tuyển sinh của năm 2020 dự kiến sẽ thực hiện như các năm trước, kết thúc vào 31/12/2020”, bà Phụng nói.
Bà Phụng cho biết, theo dõi qua các năm, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều, và hầu hết kết thúc tuyển sinh trong khoảng tháng 10 hàng năm. Do đó năm nay, kế hoạch tuyển sinh vẫn có thể kết thúc vào tháng 12 mà không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường. “Hiện, cả hệ thống đều thực hiện quy định về chỉ tiêu không chuyển sang năm sau nên sang năm 2021, các trường sẽ tính chỉ tiêu, xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh của năm 2021”.
Theo bà Phụng, trong quỹ thời gian hàng năm đã có khoảng 2-3 tuần dự phòng/kỳ học tuỳ theo từng trường và có khoảng 4-6 tuần dự phòng/năm học. Vì vậy, trong điều kiện các trường có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm và đào tạo theo tín chỉ thì kế hoạch nhập học, bắt đầu năm học có thể cần điều chỉnh nhưng kế hoạch tổng thể của năm học không nhất thiết phải thay đổi. Bởi việc sử dụng thời gian dự phòng vẫn đảm bảo kế hoạch và chất lượng thực hiện chương trình đào tạo.