Ông bà Tư là cái tên thân thuộc mà học sinh, sinh viên và người dân nơi đây yêu mến đặt cho. Tên thật của vợ chồng ông Tư là Huỳnh Văn Phê (80 tuổi, quê ở Bến Tre) và vợ là bà Huỳnh Thị Lành (82 tuổi, quê ở Tiền Giang). Ngôi trường tình thương đơn sơ mà ấm áp ấy là tâm huyết cả đời của cặp vợ chồng già, được thành lập từ 15/08/1994 và duy trì đến tận bây giờ.
Trò chuyện với bà Tư, sức khỏe của bà ở tuổi 82 tuy có phần yếu đi vì ảnh hưởng của căn bệnh phổi từ năm 2016 chưa được chữa trị dứt điểm nhưng tinh thần bà vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Nhắc về ngôi trường tình thương tâm huyết ấy, ánh mắt bà Tư ánh lên niềm tự hào, rành mạch kể lại từng dấu ấn, từng kỷ niệm đã gắn bó suốt thời gian qua.
Lớp học là tâm huyết cả đời của vợ chồng ông bà Tư
Bà Tư cho biết, suốt 27 năm dạy học, biết bao thế hệ con em đến rồi đi, vợ chồng ông bà chưa từng nhận một đồng lương nào, có chăng là chút tấm lòng của cha mẹ các em đóng góp thêm để bác trang trải cho việc mua sách bút, bảng phấn. Thế nhưng, hầu hết những gia đình gửi con ở lớp học tình thương này đều khó khăn về kinh tế nên chút đóng góp của họ chỉ ở mức độ tình cảm, động viên tinh thần vợ chồng ông bà giáo.
Cũng theo bà Tư, những ngày đầu thành lập trường ông bà đề ra mức học phí là 15.000 đồng/ tháng cho mỗi em học sinh. Đến nay dù đã 27 năm nhưng mức phí này vẫn không thay đổi. Thậm chí, nhiều phụ huynh không đóng tiền cho các em nhỏ, ông bà cũng cho qua, không hề đòi hỏi hay nhắc nhở.
Bà Tư kể, trước đây, bà Tư vốn là giáo viên ở quê nhà Tiền Giang, vì kinh tế khó khăn, bà tạm ngưng việc dạy học để cùng ông Tư lên thành phố mưu sinh. Năm 1994, hai vợ chồng ông bà Tư chuyển đến ấp Tân Lập (Dĩ An, Bình Dương) để làm ăn, sinh sống.
Thời điểm đó, đời sống nơi đây còn cơ cực, khó khăn, các bậc cha mẹ dù bận bịu với công việc nhưng đồng lương kiếm được chẳng là bao nên việc cho con cái đi học là quá xa vời. Thấy tụi nhỏ hằng ngày chỉ quẩn quanh với mấy trò nghịch ngợm, thương các con các cháu không được ăn học đến nơi đến chốn, vợ chồng ông bà Tư bàn với nhau xin mở cái lớp nhỏ nhỏ để dạy học miễn phí.
Năm 2001, nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, lớp học được xây mới khang trang hơn. Để lớp học được tươm tất hơn nữa, ông bà Tư tiếp tục bỏ tiền túi để mua sắm bàn ghế, bút sách, phấn mực, bảng đen phục vụ việc dạy học cho các trò nhỏ.
Ông Tư phụ trách dạy các em nhỏ lớp 1, lớp 2, còn những em lớn lớp 3, lớp 4 do bà Tư dạy. Những em muốn học lên lớp 5 thì ông bà sẽ làm đơn chuyển vào trường chính quy, vì kết thúc lớp 5 sẽ phải thi chuyển cấp.
Dạy học là niềm vui, là tâm huyết của vợ chồng ông bà Tư, thế nhưng, việc giáo dục những đứa trẻ bước ra đời bươn chải sớm vốn không dễ dàng chút nào, nhất là khi sức khỏe ông bà Tư ngày một yếu đi.
"Tụi nhỏ tội nghiệp, cha mẹ đều là những người dân nghèo ở quê lên thành phố kiếm sống. Tiền ăn, tiền nhà còn không đủ trang trải thì lấy đâu ra tiền cho các em đi học. Chỉ tội mấy đứa nhỏ, suốt ngày lông bông, không được ăn uống đầy đủ, học hành, dạy dỗ đến nơi đến chốn. Tôi bây giờ cũng lớn tuổi rồi, nhưng cha mẹ tụi nhỏ hoàn cảnh như vậy, bác cũng không đành lòng bỏ mấy đứa nhỏ”, bà Tư cho hay.
Trăn trở của vợ chồng ông bà giáo...
Lớp học 15.000 đồng của ông bà Tư mở từ thứ 2 đến thứ 6 và chỉ dạy trong buổi sáng. Ông bà Tư hiện tại tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút lại bệnh tật liên miên nhưng mỗi ngày ông bà đều thay phiên nhau, cố gắng lên lớp để dạy học cho các em nhỏ.
"Không chỉ dạy chữ, dạy làm toán cho các em, vợ chồng tôi dạy cả những điều hay lẽ phải, dạy các em cách làm người. Tụi nhỏ vốn không được cha mẹ dạy dỗ đến nơi đến chốn, lại sớm bươn chải nên nhiều em ngang bướng, lì lợm; bản thân tôi trước đó từng là giáo viên nên ít nhiều có kinh nghiệm sư phạm, vừa nghiêm khắc, vừa mềm mỏng mới có thể "trị" được tụi nhỏ", bà Tư kể.
Cũng theo bà Tư, nhiều năm nay, phụ giúp ông bà dạy các em nhỏ học hành còn có các bạn sinh viên đang học tập và sinh sống tại Khu đô thị ĐHQG, TP.HCM. Các bạn tranh thủ thời gian rảnh đến dạy học và chơi đùa cùng các em nhỏ. Ngoài ra, những dịp lễ dành cho thiếu nhi, các sinh viên còn tổ chức quyên góp từ thiện, nhằm có kinh phí tổ chức những buổi tiệc liên hoan cho các em.
Sau giờ học, ông bà Tư trở về căn nhà nhỏ ăn cũ kỹ ở cạnh lớp học để nghỉ ngơi. Trong phòng treo nhiều bằng khen cho thành tích giáo dục của hai vợ chồng, đây cũng là niềm tự hào của ông bà giáo già ở tuổi "xế chiều".
Mặc dù chưa từng được đào tạo qua một trường lớp nghiệp vụ sư phạm nào và cũng chưa từng được công nhận là thầy giáo nhưng ông Tư đã được nhận huy chương vì sự nghiệp giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển ký, ba bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương, ba giấy khen của UBND xã Đông Hòa về những thành tích đóng góp xây dựng lớp học tình thương.
Nói về những trăn trở của mình, bà Tư không khỏi trầm tư, với vợ chồng ông bà, điều lo lắng nhất bây giờ là việc lớp học tình thương này nằm trong vành đai khu vực Đại học Quốc gia nên sắp tới sẽ bị giải tỏa. Không biết những đứa trẻ đáng thương kia sẽ đi về đâu, liệu có được học hành đến nơi đến chốn hay lại trở về những tháng ngày lông bông, vất vả với cuộc sống mưu sinh.
Kể cả vợ chồng ông bà Tư, nếu khu nhà ông bà đang ở hiện tại bị giải tỏa, không biết vợ chồng ông giáo già sẽ nương tựa nơi đâu để tiếp tục cuộc sống của mình?