Câu chuyện đỗ hay trượt đại học từ lâu đã trở thành đề tài muôn thuở thu hút sự bàn tán xôn xao từ dân mạng sau khi điểm chuẩn của các ngành, các trường chính thức được công bố. Thế nhưng thay vì an ủi con cái vì thất bại đau đớn đầu tiên trên đường đời thì nhiều bố mẹ hay các bậc phụ huynh lại xem đây như là một sự tủi nhục, không tiếc để dành những lời đầy cay đắng cho con cái mình.
Mới đây, câu chuyện về một nam sinh chỉ vì thiếu 0,2 điểm mà trượt đại học đã thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Điều đặc biệt ở đây không nằm ở vấn đề thiếu 0,2 điểm mà nằm ở chính cái cách mà mẹ của cậu bạn đã hành xử sau khi hay tin con mình trượt đại học.
Nguyên văn câu chuyện được người này chia sẻ như sau:
“Thiếu 0.2 điểm... Em trượt rồi mọi người à!
Khi biết điểm, em buồn một nhưng điều em buồn hơn là mẹ gọi cho em rồi nói:
- Hình như trượt rồi à?...”Đoạn này em im lặng”... Sao không nói gì thế?
Sau đó em cũng chỉ biết nói:
- Vâng.
Vì em sợ lắm, em biết rõ tính bố mẹ em thế nào. Không ngoài dự đoán, mẹ em vừa nghe em nói vâng xong thì bắt đầu...
- Tao đã bảo mày tập trung vào học hành thì không nghe, giờ mày đã biết hậu quả chưa? Còn mặt mũi nào nhìn anh chị em họ hàng cô bác nữa không? Mày xem cả họ có ai như mày, trượt cả đại học...!
Em nghe mẹ mắng qua điện thoại mà ù tai. Vì nhà em có truyền thống hiếu học, họ hàng anh chị ai cũng đỗ đại học với điểm cao, giờ có anh họ lớn năm nay cũng sắp bảo vệ tiến sĩ, còn lại các anh chị học xong đều học tiếp thạc sĩ, người trong nước, người nước ngoài.
Áp lực em biết với bố mẹ em cũng lớn, với em càng lớn hơn... Em không phải đứa thông minh, nhanh nhẹn... Em vẫn hi vọng khi mẹ gọi em, em sẽ nhận được lời động viên nhưng không. Lại là những câu mắng, câu chửi...
Giờ em sẽ về nhà, đối diện với bố với mẹ...”
Có thể thấy được rằng, câu chuyện kể trên là những lời tâm sự từ tận sâu trong đáy lòng của nam sinh khi vừa phải đối diện với những áp lực vô hình, vừa phải đối diện với sự thật hiện hữu rằng bản thân đã trượt đại học.
Thế nhưng có một điều đáng trách ở đây chính là cách hành xử của người mẹ, thay vì quan tâm, an ủi, động viên con mình thì bà mẹ lại lớn tiếng trách móc cậu bạn. Tuy vậy có thể lý giải cho hành động này khi bố, mẹ của nam sinh này cũng đã phải chịu những áp lực về thành tích không hề nhỏ với bà con họ hàng. Và việc con trai của mình trượt đại học chẳng khác nào là một đòn giáng vào sự trông mong, chờ đợi của họ.
Ai đó đã từng nói rằng, đại học không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công. Thật vậy! Rất nhiều những trường hợp, những doanh nhân thành công đã chứng minh điều đó bằng việc chọn một con đường, lối rẽ khác thay vì giảng đường đại học. Cá biệt hơn, một số thậm chí còn phải mất đến tận 3 – 4 lần trượt mới có thể bước chân vào ngành học hay ngôi trường mà mình mong muốn…
Tất cả những ví dụ kể trên đã nói lên rằng, dù gì đi nữa thì đại học cũng chỉ là một cuộc chơi, mà đã là cuộc chơi thì ắt sẽ có kẻ thắng người thua. Chính vì thế, đừng quá buồn hay chán nản vì một chút thất bại trong cuộc đời mà hãy lấy đó làm động lực để đứng dậy, tiếp tục chinh phục con đường phía trước.
Nếu bạn có ý chí, một chút quyết tâm cộng với sự đam mê thì chắc chắn rằng, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ trở thành những con người thành công với những gì mà bản thân đã chọn lựa.