Sinh viên mới ra trường hay thậm chí người đã đi làm nhiều năm vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, bất an trước mỗi buổi phỏng vấn.
Làm thế nào để biến cuộc phỏng vấn căng thẳng với nhà tuyển dụng thành một cơ hội tuyệt vời giúp bạn học tập, trải nghiệm? Dưới đây là một số chia sẻ của chị Trần Thị Ngọc Thảo - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Swinburne Technology University.
Hy vọng, những chia sẻ ngắn gọn nhưng vô cùng hữu ích này sẽ giúp những người trẻ nhận ra nhiều điều và không ngừng nỗ lực tự đánh giá, hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn!
“Nếu quá lâu bạn vẫn ngồi yên một chỗ - Hãy can đảm leo khỏi miệng giếng dể biết mình đang đứng ở đâu”
“Ít nhất một lần trong đời bạn phải trải qua buổi phỏng vấn xin việc từ khi bạn rời giảng đường Đại học. Đối với một vài người, phỏng vấn trở thành nỗi ám ảnh hay khiếp sợ vì các bạn gặp phải nhà tuyển dụng “chặt chém” không thương tiếc nhưng một số khác lại nghĩ phỏng vấn là cơ họi học hỏi.
Sự thật, phỏng vấn là nơi học hỏi để tăng “level” hiệu quả nhất. Bạn hãy tưởng tượng nếu lâu rồi bạn chưa đi phỏng vấn mà thời gian đếm qua bàn tay thứ hai thì bạn nên ngồi xuống cập nhật CV để được đi phỏng vấn nhé.
Theo tôi, dù bạn có muốn chuyển việc hay không cũng nên đi phỏng vấn vì các lý do sau:
1. Hiểu sự thay đổi cũng như những đòi hỏi gì ngoài kia đối với công việc bạn đang làm. Bản thân đang yếu và thiếu những gì bởi mỗi công ty, mỗi môi trường làm việc sẽ đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức khác nhau mà bản thân chưa có cơ hội biết được. Hãy can đảm leo khỏi miệng giếng để nhìn thấy được vị trí mình đang đứng.
2. Hiểu khả năng hoà nhập và chấp nhận thử thách của bạn đến đâu. Hãy can đảm đối mặt với khái niệm “trung thành” bởi lòng trung thành không nằm ở “số năm làm việc” mà nó nằm ở chỗ “bạn làm được gì với từng ấy năm”.
3. Hiểu người khác đánh giá bạn như thế nào. Bạn đánh giá bạn không quan trọng bằng người khác đánh giá bạn. Bạn có biết giá trị cốt lõi của bạn là gì không? Bạn tạo ra giá trị của bản thân và làm nó trở nên hữu hình với những người xung quan thế nào?
Đừng bao giờ yêu cầu người khác tôn trọng việc bạn làm trừ khi chính bạn cho người khác tự nhận thấy họ phải tôn trọng bạn vì bạn đang tạo ra được lợi ích cho họ. Nếu không có bạn là mất mát, đó giá giá trị!
Bí kíp đối mặt với câu hỏi vì sao bạn lại nghỉ việc ở chỗ làm cũ?
Khi đi phỏng vấn, câu hỏi hóc búa thường xuất hiện là “tại sao bạn nghỉ công ty cũ?” Ở đây, nhà tuyển dụng không ai gài bẫy gì bạn cả, nhà tuyển dụng chỉ muốn nghe:
1. Động cơ tìm việc của bạn là gì?
2. Bạn có vấn đề gì với công ty cũ không?
3. Các mối quan hệ của bạn với công ty cũ thế nào?
4. Nhà tuyển dụng muốn thấy bạn có tinh thần cầu tiến.
Nhà tuyển dụng không muốn nghe những lý do đại loại như:
1. Công ty cơ cấu lại, tôi có sếp mới về và tôi không thể hoà nhập. Hãy tưởng tượng nhà tuyển dụng sẽ nghĩ thế nào khi bạn không có khả năng hoà hợp với sếp mới thì làm sao bạn hoà nhập với môi trường mới, đồng nghiệp mới v.v…
2. Đừng chỉ nói vì tiền lương cao hơn. Nếu bạn nghỉ việc chỉ vì lương được trả cao hơn, bạn sẽ không bao giờ được chọn bởi trong công việc và sự nghiệp có những thứ không thể nào quy thành tiền được.
3. Đừng bao giờ nói công ty cũ tệ thế nào bởi bạn thấy nó tệ, bạn chỉ nói nó tệ đó là lỗi của bạn.
Nhà tuyển dụng cần thấy bạn đã đóp góp gì để làm cho nó đỡ tệ và tốt hơn khi bạn ra đi hay không. Do đó, đi phỏng vấn không sai, chỉ sai do động cơ và mục đích thôi.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụn, tôi thường khuyến khích nhân viên đi phỏng vấn để học hỏi, để hoàn thiện bản thân và tìm cơ hội cải tiến công việc.
Đấy là cơ hội cho các bạn! Không giữ được các bạn không có nghĩa là lãnh đạo thất bại, mà là chúng ta đang tạo ra những lãnh đạo mới!