Những thứ đồ cơ bản thường có trong vali hành lý của cánh du học sinh là mì tôm, các món ăn vặt và cả băng vệ sinh dành cho bạn gái trong những ngày đèn đỏ. Tưởng chừng như việc mang chúng theo cùng khi đi du học là chuyện quá đỗi bình thường, đáp ứng nhu cầu cơ bản của mỗi người. Nhưng với nhiều bạn du học sinh, đây là những thứ đồ phải giấu giếm, lén lút mãi mới mang sang nước bạn sử dụng được. Và đây là những nguyên nhân lý giải cho hành động kỳ lạ này:
Nước ngoài bán băng vệ sinh đắt và dùng không quen
Khi du học ở Châu Âu, Châu Mỹ hay thậm chí các nước châu Á, những vật dụng thiết yếu này được bán khá đắt. Việc chuẩn bị sẵn đồ tiếp tế ngay từ ở nhà khiến các bạn học sinh tiết kiệm được một khoản kha khá, dùng chúng để phục vụ tốt hơn cho việc học.
Mai Anh, một du học sinh tại Hàn Quốc chia sẻ: Băng vệ sinh giá loại rẻ bên đất nước này là 180-200 nghìn đồng, loại tạm dùng được là 300, thậm chí có nhiều loại còn đắt hơn rất nhiều.
Với nhiều bạn gái, việc sử dụng băng vệ sinh từ một đất nước xa lạ lại có phần lạ lẫm và khó chịu. Nhiều bạn nữ ngại ngần thú nhận mình không quen dùng băng vệ sinh của nước ngoài vì nhiều loại có những xuất sứ không rõ ràng, cảm giác không an toàn.
Mang mì tôm vì sợ không ăn được đồ ăn của người bản địa
Mì tôm chính là thứ cứu cánh cho các bạn du học sinh những ngày mới sang khi không thể nào ăn được đồ ăn của người bản địa. Đây là món đồ ăn dễ dàng chế biến, chống đói nhanh chóng và gắn liền với tuổi thơ, gợi nhớ những hương vị quê hương cho nhiều người.
Mang mì tôm bên mình cũng là giải pháp an toàn trong tình huống cháy sạch lương thực, tiền cạn ví. Chưa kể mì tôm còn rất rẻ và dễ dàng để mua, các bạn có thể sử dụng một cách nhanh, gọn, lẹ và tự do chế biến đa dạng.
Quy định nghiêm khắc từ đất nước du học
Với những du học sinh lựa chọn Nhật Bản là đất nước để học tập và phát triển, một tin không hay cho các bạn là bắt đầu từ tháng 10/2018, những du học sinh và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Nhật Bản có thể bị phạt đến vài trăm triệu đồng khi mang đồ ăn nhập cảnh vào nước này.
Bởi lẽ theo trạm kiểm dịch thực vật Yokohama, thời gian gần đây phát hiện nhiều trường hợp những trái cây có mầm bệnh từ nước ngoài được đưa đến Nhật Bản. Vì vậy họ cần phải kiểm tra kĩ lưỡng mọi thứ có nguồn gốc không rõ ràng từ đầu. Quy định này được chính phủ Nhật Bản đưa ra nhằm mục đích ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm trong gia đình và dịch bệnh.