TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, năm nay muốn vào trường thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng một hoặc kết hợp nhiều phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2018 chiếm khoảng 72% tổng chỉ tiêu; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TPHCM chiếm khoảng 15% tổng chỉ tiêu; 10% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. Còn lại 3% trên tổng chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Riêng đối với ngành Kiến Trúc, ngoài thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 thí sinh đăng ký xét tuyển theo tổ hợp môn V00 (Toán, Lý, Năng khiếu) hoặc V01 (Toán, Văn, Năng khiếu). Thí sinh phải đăng ký dự thi môn Năng khiếu tại cổng tuyển sinh trường ĐH Bách Khoa và lấy điểm để xét tuyển.
Ông Thông cũng cho biết, đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia thì điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp môn xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2018, không nhân hệ số, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (nếu có).
+ Trường hợp ngành/nhóm ngành có nhiều tổ hợp môn xét tuyển: Điểm chuẩn trúng tuyển là giống nhau cho tất cả tổ hợp môn xét tuyển. Do đó khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần chọn tổ hợp môn mà mình đạt tổng điểm cao nhất.
+ Trường hợp các ngành được tuyển sinh chung trong cùng một nhóm ngành: Điểm xét tuyển (điểm chuẩn trúng tuyển) là giống nhau cho các ngành trong cùng một nhóm ngành. Sinh viên sẽ được phân ngành từ năm thứ 2 theo nguyện vọng và kết quả học tập.
+ Tiêu chí phụ để xét tuyển: trường hợp có quá nhiều thí sinh cùng mức điểm xét tuyển và số thí sinh vượt quá chỉ tiêu, thí sinh có điểm môn Toán cao hơn sẽ được trúng tuyển (áp dụng cho tất cả các ngành).
+ Trường hợp các nhóm ngành/ngành có môn tiếng Anh trong tổ hợp môn xét tuyển: Chỉ sử dụng kết quả điểm bài thi tiếng Anh của kỳ thi THPT Quốc gia, không sử dụng kết quả miễn thi bài thi tiếng Anh.
Cũng theo ông Thông, một điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm nay chính là trường được tuyển sinh ngành Bảo dưỡng Công nghiệp trình độ đại học. Đây là trường ĐH đầu tiên trong cả nước đào tạo ngành này.
Ngành này có cơ hội nghề nghiệp ổn định, cơ hội phát triển lớn. Đối với những xí nghiệp, nhà máy lớn, việc các thiết bị máy móc bị hỏng hóc và hao mòn theo thời gian xảy ra khá thường xuyên. Điều này cũng khiến quá trình sản xuất bị gián đoạn, gây ra những tổn thất do hệ thống tạm ngừng hoạt động. Do đó, các chi phí trực tiếp để sửa chữa và thay thế thiết bị và rất nhiều các chi phí gián tiếp khác từ các sự cố gây dừng máy luôn là nỗi lo của các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp. Sự có mặt của các kỹ sư được đào tạo chuyên về Bảo dưỡng công nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế đáng kể những rủi ro này.
Được biết, trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) là trường đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đạt cùng lúc 2 chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế cấp cơ sở giáo dục: Kiểm định theo tiêu chuẩn HCERES (Châu Âu) và Kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA (Đông Nam Á).