Bùi Quang Tùng, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Hoàng Hải, Chu Minh Tuấn, Đỗ Đức Phú (Trường THPT FPT Hà Nội, FPT Edu) từng có thời gian khó khăn đi tìm động lực học tập cho mình. Hiểu được tâm lý ấy của người học, nhóm cùng nhau lên ý tưởng xây dựng một công cụ tối ưu, áp dụng mô hình vừa học vừa chơi cùng cơ chế phần thưởng nhằm tạo hứng thú và động lực cho người học.
Nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mang tên “Cornfield website”. Sản phẩm này có 4 tính năng chính: mô hình Learn to Earn, News, Leaderboard và mô hình Play to Earn. Trong đó, Learn to Earn cung cấp kho podcast đa dạng được xây dựng bởi chính người dùng. Mỗi cá nhân có thể chia sẻ kiến thức của mình tới cộng đồng và được thưởng thông qua việc tự học. Họ cũng có thể làm một bài kiểm tra để đánh giá độ thông hiểu nội dung sau khi nghe podcast và nhận token tương ứng với câu trả lời đúng. Ngoài ra, người học có thể cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức thông qua các đầu báo về kinh tế, tài chính… và đặc biệt là công nghệ tại mục News.
Top 5 học viên đạt kết quả cao nhất sẽ được vinh danh tại Leaderboard và nhận thưởng NFT (hạt giống, nước, phân bón, đất đai) dùng trong mô hình Play to Earn (game nông trại nhập vai).
“Cornfield website” được xây dựng theo một chu trình chặt chẽ là “Learn to Earn to Play” với tiêu chí: “Trước khi là một người chơi tốt, bạn cần là một người học chăm”, Quang Tùng (thành viên Corna Team) chia sẻ.
Quang Tùng cũng cho biết thêm: “Chúng mình kỳ vọng “Cornfield website” có thể trở thành một công cụ hữu ích sử dụng cho trường học, doanh nghiệp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng tới học sinh, nhân viên thông qua quá trình tự học vui vẻ. Trong thời gian tới, cả nhóm sẽ nỗ lực hoàn thiện mô hình Learn to Earn của dự án, lấn sân sang phát triển Gameplay cũng như có những sửa đổi linh hoạt để phù hợp với nhiều đối tượng người học”.
Mới đây, nhóm học sinh FPT Edu đã đưa ý tưởng “Cornfield website” tham gia vòng Chung kết FPT Edu Hackathon 2022 – cuộc thi lập trình do FPT Edu tổ chức, với chủ đề “Ứng dụng phân tán trên nền tảng Blockchain”. Toàn bộ quá trình lập trình sản phẩm này được 5 thành viên trong nhóm tập trung hoàn thiện chỉ trong vòng 27 tiếng theo quy định của vòng Chung kết.
“Cornfield website” được các giảng viên CNTT, các chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng Blockchain giá cao về kỹ thuật lập trình. Dù mới là học sinh THPT, chưa được học chuyên sâu về lập trình, cũng là lần đầu tiếp cận với những công nghệ mới như Blockchain nhưng nhóm phát triển sản phẩm này đã thể hiện khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề tốt và kỹ năng lập trình cơ bản tốt. Quá trình thuyết trình, demo sản phẩm của nhóm cũng gây ấn tượng về ý tưởng và định hướng phát triển về phần cứng, tiềm năng thương mại hoá ra thị trường.