Ai từng trải qua thời sinh viên chắc hẳn đến cuốn vở "bách khoa toàn thư", ý muốn nói, 1 quyển vở nhưng có thể ghi chép kiến thức của tất cả các môn học.
Do cuộc sống đại học bạn phải chủ động trong mọi vấn đề, nên việc ghi chép kiến thức cũng hoàn toàn do bạn chủ động. Thậm chí, nếu bạn không ghi chép cũng chẳng sao, bởi các chiếc điện thoại thông minh quá nhiều tiện ích, lại có thể chụp ảnh sắc nét từng slide bài giảng.
Ai đã và đang học đại học rồi chắc chẳng còn lạ gì việc "chụp hình lại bài giảng". Lên giảng đường chẳng cần cặp sách nặng nề, đôi khi chỉ cần một chiếc điện thoại - "vật bất ly thân" là có thể ung dung ngồi tới hết tiết.
Thầy cô viết gì, chiếu gì lên bảng, chỉ cần cầm điện thoại lên và bấm máy liên tục là đã thu thập được toàn bộ nội dung tiết học. Không mất quá nhiều thời gian, không phải mỏi tay vì viết bài lia lịa, quả nhiên, đây là cách mà hầu hết sinh viên hiện nay lựa chọn.
Thế nhưng, một thực tế khác rất đáng để nhiều người suy ngẫm, đó là: Chụp thì chụp nhưng có mở ra học lại kiến thức không thì chẳng ai có thể đoán được.
Mỗi mùa thi đến, mở album ảnh trên điện thoại ra là thấy chi chít toàn ảnh bài giảng, ảnh slide, ảnh giáo trình... chắc hẳn sẽ khiến nhiều bạn trẻ ngao ngán và không biết phải bắt đầu từ đâu.
Nhiều sinh viên cũng khẳng định rằng, việc chụp lại bài giảng nhằm mang lại cho bản thân cảm giác yên tâm, đã ghi lại kiến thức, khi nào cần sẽ có cái mà học. Còn thực tế, việc mở điện thoại ra học lại bài giảng, không sinh viên nào dám chắc sẽ thực hiện.