Có ai đó từng bảo rằng, con gái học ngành kỹ thuật ở Bách Khoa, Xây Dựng, Giao thông vận tải… như của hiếm vậy. Đúng là họ hiếm thật, nhưng hễ cứ có ai học ở đây là nhanh chóng trở thành một nhân tố xuất sắc.
Cô bạn Dương Ngọc Khánh Vy, người vừa tốt nghiệp thủ khoa kỹ sư ngành Vật lý kỹ thuật y sinh của Đại học Bách Khoa TP HCM đã khiến cho bao nhiêu cánh mày râu phải ghen ty.
Để đạt được danh hiệu cao quý, vượt qua lượng nam sinh đông đảo của trường, Khánh Vy đã sở hữu thành tích rất đáng nể suốt 4 năm học: Điểm GPA 8.54, điểm luận văn tốt nghiệp 10.
Không những thế, Khánh Vy còn nhận được một suất học bổng du học toàn phần chương trình thạc sĩ và tiến sĩ trong 5 năm tại Nhật Bản nhưng cô bạn đã từ chối vì muốn đi theo hướng Vật lý kỹ thuật y sinh ứng dụng chứ không chỉ đơn thuần là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Chia sẻ về quyết định theo học ngành này, Khánh Vy cho biết: “Trước khi theo học ngành Vật lý kỹ thuật y sinh ở Đại học Bách Khoa TP HCM, mình đã từng có ý định theo ngành Marketing. Vào học một môi trường toàn con trai, rất ít con gái khiến cho những ngày đầu khá khó khăn.
Lượng kiến thức học ở đây cũng rất nhiều, toàn là kiến thức kỹ thuật mà đó không phải là thế mạnh cho mình là dân khối D. Điểm đầu vào của mình cũng không hề cao. Học ở đây mình thực sự đã cố gắng rất nhiều, cố gắng gấp mấy lần các bạn nam còn lại để theo kịp họ và đạt được thành tích như ngày hôm nay.”
Để đạt được điểm 10 luận văn, Khánh Vy đã tự tay chế tạo sản phẩm máy phát hiện sâu răng. Ngoài những khó khăn về nguyên vật liệu để chế tạo nên chiếc máy này, quy định phụ nữ không được làm các công việc như hàn cắt hay làm bảng mạch cũng khiến cho chặng đường hoàn thành sản phẩm cuối cùng để được tốt nghiệp của Vy thêm phần trắc trở.
Cuối cùng, cô bạn đã hoàn thành xuất sắc tất cả. Thậm chí hội đồng còn đánh giá đề tài của Vy có sức nặng như một đề tài nghiên cứu tốt nghiệp Thạc sĩ chứ không phải là kỹ sư.
Quan điểm học hành của Vy là không giỏi thì phải thật chăm. Trong suốt 2 năm học đầu tiên, cô bạn đã ở lại lớp đến tận 12 giờ đêm để giải cho ra những bài tập khó nhằn của ngành kỹ thuật.
Các môn thiên về tính toán cũng từng là nỗi sợ của Vy. Vy đã vượt qua chúng bằng cách tích nạp từng tý kiến thức một. Cô còn lặn lội từ Thủ Đức lên tận cơ sở chính của ĐH Bách Khoa TP HCM ở quận 10 để xem các anh chị sinh viên năm 2-3 lắp mạch, hàn mạch, đo đạc… Với những môn học như vẽ mạch điện, vẽ in 3D, viết code cho bảng mạch… Vy phải tự tìm tòi phần mềm trên mạng để học.
Mọi nỗ lực của Khánh Vy đã được đền đáp xứng đáng khi từ học kỳ 2 của năm Nhất, cô bạn đã giành được học bổng của nhà trường.
Cô bạn cũng rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, ngoại động ngoại khóa cùng bạn bè. Để trang trải chi phí cho cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn, Vy còn đi làm thêm công việc phát tờ rơi.