Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

'Không có nước nào trên thế giới lại có nhiều ngành nghề như ở Việt Nam'

“Nhiều trường ĐH mở ngành mới để đón đầu 4.0 nhưng thực ra là đang “chẻ” ngành để thu hút thí sinh. Không có nơi nào trên thế giới có hệ thống ngành nghề nhiều như ở nước ta với 366 ngành nghề đào tạo hệ ĐH, 400 ngành cao đẳng và 800 ngành trung cấp, nhưng ngược lại thất nghiệp cũng đang dẫn đầu”.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM nêu lên những băn khoăn tại hội thảo khoa học “Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức mới đây.

Ngành nghề nào phát triển trong thời đại 4.0

Ông Trần Anh Tuấn nhìn nhận: “Cuộc cách mạng này chúng ta đã nói rất nhiều nhưng cần thực tế nhìn nhận những ngành nghề nào sẽ phát triển trong giai đoạn này và chuyển đổi nên thực hiện ra sao. Tôi thấy hiện nhiều trường ĐH, nhất là trường dân lập mở ngành mới để đón đầu 4.0 nhưng thực ra là đang “chẻ” ngành để thu hút thí sinh. Trên thế giới chưa có nước nào số lượng ngành nghề nhiều như ở Việt Nam với trên hơn 360 ngành nghề bậc ĐH, 400 ngành đào tạo bậc CĐ, 800 ngành trung cấp… nhưng ngược lại tỷ lệ thất nghiệp cũng đang dẫn đầu”.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM góp ý kiến cho vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0

Theo ông Tuấn, để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0, ngành nghề đào tạo phải phát triển theo hướng tích hợp của nhiều lĩnh vực, trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin.

Vị chuyên gia dự báo nhân lực này cũng nhận định, các nhóm ngành sẽ phát triển mạnh trong cuộc cách mạng này gồm: công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, kỹ thuật xây dựng, quản trị dịch vụ tài chính… Nhưng điểm đáng lưu ý là các nhóm ngành này không chỉ phát triển theo cách truyền thống bấy lâu mà theo hướng mới đòi hỏi kiến thức rộng và sâu hơn.

Không chỉ xu hướng ngành nghề, theo ông Trần Anh Tuấn, trường ĐH còn cần trang bị cho người học những kỹ năng để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. “Ở thời đại của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, quan trọng nhất là kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo. Bên cạnh đó là tính kỷ luật, đạo đức và trách nhiệm với nghề nghiệp cao. Người lao động còn phải có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng tốt một ngoại ngữ. Quan trọng hơn là hiểu biết cụ thể về thông tin, nắm bắt được nhu cầu xã hội để tính toán các bước đi phù hợp trong nghề nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo nhóm tác giả Phạm Đình Long và Dương Tiến Hà My của trường ĐH Mở TPHCM, cơ cấu ngành nghề đào tạo cần điều chỉnh phù hợp với thực tiễn nhu cầu lao động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bởi nếu cơ cấu ngành đào tạo xa rời thực tiễn có thể dẫn đến tình trạng nhà tuyển dụng không tuyển được nguồn lao động phù hợp trong khi sinh viên không tìm được việc hoặc phải làm trái nghề.

Hội thảo khoa học “Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.

Nhóm tác giả này cho rằng các trường ĐH cần nắm bắt được xu thế này để thay đổi và thiết kế lại số lượng ngành học, chương trình thích hợp. “Tuy nhiên, khó khăn mà các trường ĐH phải đối mặt là những hạn chế trong công tác dự báo các công việc nào ở Việt Nam sắp tới bị thay thế và tỷ lệ thay thế là bao nhiêu. Chính điều này khiến các quyết định chính sách của trường về ngành đào tạo, chương trình học và hình thức đào tạo trở nên khó khăn hơn”, nhóm tác giả lo ngại.

Vẫn thiếu nhiều nhân lực

Dù công nghệ thông tin được đánh giá có vai trò then chốt trong phát triển 4.0 nhưng thực tế nhân lực trong lĩnh vực này đang rất thiếu ở nước ta. Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM cho rằng thành phố hiện đang có khoảng 30.000 người lao động trong lĩnh vực này. Từ nay đến năm 2020, thành phố vẫn cần tới 1 triệu nhân sự, thời gian dù chỉ còn 3 năm nhưng vẫn đang thiếu tới trên một nửa lực lượng. Để chuẩn bị lực lượng, Hội đã phối hợp cùng các doanh nghiệp trực tiếp đến từng trường ĐH, CĐ để giới thiệu thông tin về nhu cầu này.

Các chuyên gia đã cùng trao đổi và nêu ra những ý kiến, đề xuất sáng tạo, thực tiễn để làm rõ hơn những tác động toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ở vị trí người sử dụng lao động, ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, đặt vấn đề: “Các trường ĐH cần làm sao để những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp hoặc sinh viên đã tốt nghiệp quay về trường để bổ sung kiến thức đều có thể nhận biết được về 4.0, tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải thuê chuyên gia nước ngoài đến để trao đổi với người lao động về vấn đề này như hiện nay”.

Trong bài phát biểu về “Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý y tế”, TS Nguyễn Văn Dư đã đề cập đến tình trạng vượt tuyến trong lĩnh vực y tế, người dân không có nhiều sự tin tưởng từ các cơ sở y tế địa phương, làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh và tình trạng y tế cơ sở kém phát triển. Vì thế, ông cho rằng chúng ta cần ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo cùng những phát triển nghiên cứu khoa học trong công tác kết nối các tuyến y tế và giúp an sinh xã hội ngày một cải tiến hơn.

Bên cạnh cơ hội, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt chính là vấn đề của chính sách và Luật nhà nước về hành lang pháp lý khi không rõ quyền và trách nhiệm của đội ngũ cơ sở y tế, vì không làm việc trực tiếp với bệnh nhân. Sau các bài tham luận, các khách mời đã cùng trao đổi và nêu ra những ý kiến, đề xuất sáng tạo, thực tiễn để làm rõ hơn những tác động toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Quế Ngọc Hải