Cái nghèo của sinh viên nếu không phải ai đó từng kinh qua thật khó mới hiểu được. Mang dáng vẻ thư sinh, ăn mặc tươm tất khi lên lớp vậy thôi nhưng trở về nhà trọ là một cảnh sống hoàn toàn khác. Chuyên đầu tháng dư giả vì có tiền bố mẹ gửi, ăn xài không suy nghĩ, giữa tháng hết sạch tiền, phải nhai mì tôm thay cơm, ăn cơm trắng trộn bột canh không phải là hiếm. Đói khổ, nhiều bạn phải đi vay mượn và tháng sau tiền còn chưa kịp cầm ấm tay đã phải lo trả nợ. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại, ám ảnh sinh viên đến tận lúc ra trường.
Mới đây, khi tua lại những thước phim trong “Phía trước là bầu trời”, nhiều bạn sinh viên mới giật mình hiểu ra, hóa ra sinh viên thời nào cũng đều khổ như nhau. Hơn nữa, cảnh nghèo khó này cũng là tình trạng chung nên đến cả đạo diễn cũng muốn truyền tải vào phim ảnh. Thế mới nói, kiếp sống nghèo của sinh viên luôn là đề tài khai thác mãi không bao giờ hết chuyện để nói.
Trốn chui trốn lủi, giả ốm vì không có tiền đóng trọ
Với nhiều sinh viên xa nhà, gia đình khó khăn thì việc chạy tiền phòng hằng tháng là chuyện thường ngày ở huyện. Nhiều khi gia đình chưa gửi vào kịp, tiền lương làm thêm chưa nhận hoặc thậm chí lỡ “vung tay quá trán” vì một bữa tiệc tùng nào đấy là cứ đến tháng chủ trọ gọi tên lại phải tìm trăm phương nghìn kế để chạy.
Bạn V.N.S (sinh viên Đại học Thể dục Thể thao TPHCM) chia sẻ: “Bỏ trọ đi vài hôm đợi có tiền rồi về là chuyện bình thường. Tháng nào cũng phải đi ở nhờ phòng bạn vài ngày nên bạn nó cũng ngán ngẫm, thế là nhờ bạn phòng bên khóa cửa phòng lại và ở trong phòng cả ngày. Chủ lên thấy cửa khóa cứ tưởng mình ra ngoài chưa về nên cũng thư thả thêm vài hôm nữa”.
Câu chuyện này làm nhiều người liên tưởng đến cảnh phim trong “Phía trước là bầu trời” khi các bạn sinh viên người thì lẩn trốn, người thì giả ốm để thoát nạn nộp tiền phòng, cầm cự đợi tháng sau ba mẹ gửi tiền lên mới thanh toán.
Cảnh phim sinh viên thấy bác chủ trọ xuất hiện là sợ tái mặt, người tìm cách tẩu thoát, trốn chạy, kẻ nằm liệt giường giả ốm.
Dùng mì tôm để chống chọi “cơn bĩ cực”
Mỳ ăn liền trở thành bản tình ca thân quen “phòng đói” của sinh viên. Cứ tối đến, nhất là ở trong ký túc xá chỉ cần một người đi pha mì là cả phòng rậm rịch: “Cắm nước tao với”. Thế là cả phòng cùng ăn tiệc mì gói thay cơm vào những ngày cuối tháng.
Đối với những bạn ở trọ thì mì gói được biến tấu thêm để ăn cho chắc bụng bằng cách trộn cơm nguội, lười hơn thì ăn sống luôn cho qua bữa, uống thêm nước vào thì no luôn đến tối.
“Hôm nào được nghỉ, là mình với nhỏ bạn cùng phòng dậy trễ thêm chút, dồn bữa sáng bữa trưa thành một cho đỡ tốn tiền ăn hoặc nhắc nhau uống nước đến no bụng. Còn nữa, ngoài giờ học ra là đắp chăn nằm ngủ cho quên cơn đói”, bạn P.T (sinh viên Đại học KHXH&NV TPHCM) chia sẻ.
Nhưng có đôi lúc, ngay cả việc có gói mì ăn ấm bụng cũng đã là hạnh phúc lắm rồi. Trong phim “Phía trước là bầu trời”, các bạn sinh viên còn khổ đến nỗi phải ăn cơm trắng, đến miếng đậu phụ cũng không có nhưng cũng chẳng dám ký nợ vì đã nợ quá nhiều lần.
Clip bữa cơm đạm bạc của sinh viên. Trích phim “Phía trước là bầu trời”.
Cuối tháng cái gì cũng “rủ nhau” hết sạch
Chẳng hiểu thế lực nào đang thao túng việc này nữa, cứ cuối tháng là cái gì cũng rủ nhau hết sạch. Hết tiền đã đành, đến nước uống, mắm, muối, bột giặt, sữa tắm, dầu gội, thậm chí là cả dầu rửa bát cũng cạn kiệt…
“Lúc ở nhà, tiền của mình chỉ để ăn vặt, giờ thì tiền ngoài ăn uống, học tập, còn phải để dành mua thêm mấy nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống như xà bông, kem đánh răng, sữa tắm, mắm muối đường bột ngọt… Nên cuối tháng lúc nào cũng thâm tiền”, bạn M.C (sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) bộc bạch.
Clip xóm trọ sinh viên nghèo tổ chức sinh nhật cho nhau. Trích phim “Phía trước là bầu trời”.
Ngoài ra, cái nghèo của sinh viên thể hiện rõ nhất khi tổ chức sinh nhật. Cả xóm trọ gần chục con người góp mỗi người ít tiền tổ chức bữa tiệc nhỏ hoặc rủ nhau đi ăn chè, ăn kem, quà mừng chỉ là 1 thỏi son dưỡng rẻ tiền hay lọ sữa tắm bình dân. Vậy mà ngần ấy thôi đối với sinh viên cũng to tát và hạnh phúc lắm rồi
Cuộc sống sinh viên là vậy? Đầy hứng khởi nhưng cũng lắm khốn khó, quan trọng là bạn đối diện với nó như thế nào, bởi “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.