Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Trăm nỗi khó khăn của phụ huynh khi con vào lớp 1 giữa mùa dịch

Việc tổ chức dạy và học online là phương án duy nhất ở thời điểm hiện tại để đảm bảo khung kế hoạch học tập năm học mới. Tuy nhiên, với các học sinh bước vào lớp 1, hình thức này thực sự gây khó khăn, chính vì vậy, trước thềm năm học mới không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn.

Tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương có số ca nhiễm cao của cả nước. Trước thềm năm học mới, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức học online 2 tháng đầu của năm học 2021-2022.

Việc tổ chức học online là phương án duy nhất ở thời điểm hiện tại để đảm bảo khung kế hoạch học tập năm học mới. Với học sinh THCS và THPT thì đã quen với việc học trực tuyến nên có thể thực hiện ngay.

Riêng với bậc Mầm non và Tiểu học, hình thức này thực sự gây khó khăn cho các em học sinh, chính vì vậy, trước thềm năm học mới không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn. 

Trăm nỗi khó khăn của phụ huynh khi con vào lớp 1 giữa mùa dịch Ảnh 1
Việc học sinh lớp 1 học online khiến nhiều thầy cô, phụ huynh không khỏi lo lắng. Ảnh minh họa

Chị Trần Thị Diễm (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, công việc chính của chị là làm đẹp cho chị em, thế nhưng, kể từ khi dịch Covid- 19 bùng phát, chị đã phải tạm ngưng lại công việc và đóng cửa tiệm. 

Từ đó đến nay, chị Diễm không có việc làm, không kiếm ra thu nhập nên khi năm học mới cận kề, chị như "ngồi trên đống lửa" vì chưa đủ sách vở, máy tính, tiền học cho 2 con nhỏ. Kinh tế chính trông chờ vào chồng chị Diễm, tuy nhiên, tiền lương của anh cũng chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. 

Năm học mới 2021-2021, cậu con trai của chị Diễm chính thức bước vào lớp 1, còn cô con gái vào lớp 2. Ở thời điểm hiện tại, các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm đã đóng cửa do địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên chị không thể đi mua sách vở cho 2 con. May mắn, 2 đứa con của chị Diễm chỉ cách nhau 1 tuổi nên chị có thể tận dụng sách cũ của con gái lớn cho con trai út. 

"Tôi tận dụng sách của con gái lớn năm ngoái để cho con trai học tiếp năm nay, vừa tiết kiệm phần nào chi phí, vừa hạn chế được việc ra ngoài. Còn với con gái năm nay vào lớp 2, buộc phải mua sách vở mới. 

Do địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các cửa hàng đóng cửa nên nhà trường có gửi thông báo và link đăng ký mua hộ sách vở giúp phụ huynh. Tôi đã đăng ký nhưng hiện tại cũng chưa nhận được vì tình hình dịch đang căng thẳng, các chốt chặn quanh nhà tôi rất nhiều nên sách vở chuyển đến cũng chậm trễ hơn", chị Diễm chia sẻ. 

Trăm nỗi khó khăn của phụ huynh khi con vào lớp 1 giữa mùa dịch Ảnh 2
Trẻ lớp 1 sẽ thiếu tập trung, dễ chán nản với các tiết học trực tuyến nếu không có sự kèm cặp của phụ huynh. Ảnh minh họa

Theo chị Diễm, những ngày qua, cả 2 con của chị đã bắt đầu được làm quen với những tiết học online với giáo viên để các con đỡ bỡ ngỡ trước khi bắt đầu năm học mới. Cũng từ đây, chị Diễm nhận thấy có rất nhiều vấn đề bất cập xoay quanh, nhất là khi cậu con trai của chị năm nay mới bước vào lớp 1.

"Chồng tôi thường ngày phải đi làm nên cả nhà chỉ có 1 chiếc điện thoại của tôi để cho 2 con học online. Có nhiều hôm, 2 con trùng lịch học, tôi buộc phải xin giáo viên cho con được đổi ca học. 

Con trai tôi năm nay mới bước vào lớp 1, vẫn đang còn giữ thói quen vô tư, tinh nghịch như những ngày học mẫu giáo nên cháu thiếu tập trung trong các tiết học online. Chưa kể, đưa điện thoại cho con mà không ngồi bên cạnh để kèm cặp, cháu sẽ táy máy và mở các chương trình hoạt hình, giải trí để xem.

Hơn nữa, các con còn quá nhỏ nên dường như không có sự tập trung cao độ trong lúc học hành. Tôi theo dõi phát hiện, các con đi học tập trung, ngồi mấy tiết nghe cô giảng bài sẽ chịu được nhưng ngồi học online chỉ tầm 1 tiếng đồng hồ là các cháu chán ngán và muốn nhõng nhẽo đòi nghỉ", chị Diễm tâm sự. 

Bản thân chị Diễm cũng cảm thấy lúng túng khi không rành về công nghệ, khi mới bắt đầu sử dụng phần mềm học online giúp con, chị phải nhờ đến sự trợ giúp của giáo viên mới thành thạo. 

"Vì con trai tôi năm nay mới vào lớp 1, các thầy cô giáo cũng thấu hiểu và cảm thông khi các con phải học online nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Do đó, các thầy cô cũng liên tục trao đổi với phụ huynh, đồng thời nhắn nhủ nếu các con có chỗ nào chưa hiểu, sau giờ học có thể gọi điện hoặc nhắn tin để nhờ các thầy cô hỗ trợ, các thầy cô luôn sẵn lòng", chị Diễm kể. 

Tương tự chị Diễm, chị Hồng Thắm (khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng lo lắng không kém khi con gái chị năm nay sẽ chính thức bước vào lớp 1, cậu con trai bước vào lớp 7, cả hai anh em cũng đều phải học online. 

"Vợ chồng tôi cả hai đều là công nhân, hai tháng nay đều phải nghỉ làm do dịch Covid-19. Thu nhập hằng tháng bây giờ chỉ dựa vào số tiền mà công ty hỗ trợ, nhưng chẳng đáng là bao. Năm học mới này, tôi cũng chưa kịp sắm sách vở cho cả 2 con vì không thể ra ngoài.

Về phần học online, 2 vợ chồng có 2 chiếc điện thoại nên sẽ lấy đó làm phương tiện cho 2 con học tập. Cậu con trai năm nay vào lớp 7 nên phần nào đó dễ tiếp cận với hình thức này, tuy nhiên, con gái út còn quá nhỏ, học online là điều gì đó rất mới mẻ, bỡ ngỡ nên vợ chồng tôi cũng cố gắng để kèm cặp con", chị Hồng Thắm chia sẻ. 

Với việc kèm cặp con học tập, chị Hồng Thắm thú nhận bản thân chỉ sát sao được cô con gái năm nay vào lớp 1, còn với cậu con trai năm nay vào lớp 7, chị buộc phải để con tự ý thức học hành, đồng thời nhắc nhở con chú tâm bài vở, bởi có những kiến thức chị Thắm không thể trao đổi cùng con. 

Cũng theo chị Hồng Thắm, hình thức dạy và học online thực sự chỉ là giải pháp mang tính thời điểm. Bởi lẽ, dạy học online sẽ hạn chế sự tương tác của giáo viên - học sinh; bên cạnh đó, với các em chưa nâng cao ý thức học tập, hình thức này dường như không hiệu quả với các em. Chưa kể, thỉnh thoảng đường truyền mạng Internet không ổn định còn làm gián đoạn đến tiết học. 

Tỉnh Bình Dương có trên 500.000 học sinh các cấp, từ mầm non đến THPT. Mỗi năm lượng học sinh đều tăng lên đáng kể cùng với tốc độ gia tăng dân số cao tại tỉnh này.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hiện hầu hết các huyện, thị xã, thành phố tại Bình Dương đều trưng dụng các trường học làm nơi cách ly Covid-19.

Theo kế hoạch, năm học mới tại Bình Dương sẽ bắt đầu từ tháng 9/2021 như cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, nhiều trường học còn đang được trưng dụng làm cơ sở cách ly nên học sinh sau khi khai giảng sẽ phải học trực tuyến trong tháng 9, 10/2021.

Tính tới hiện tại, Bình Dương tiếp tục cùng với TP.HCM là hai địa điểm nóng nhất cả nước. Toàn tỉnh vẫn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân được yêu cầu hạn chế ra đường, "ai ở đâu ở yên đó".

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Linh

Được quan tâm

Tin mới nhất