Đạo đức không rõ ràng
Có lẽ không phải chỉ đến khi những sự cố chấn động của Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 liên quan đến một số nhà giáo, cán bộ giáo dục bị phanh phui thì vấn đề “đạo đức nhà giáo” mới được đặt ra. Trước nay, đây vẫn là thứ được xã hội ta coi như một tài sản quý báu, một niềm tin nghề nghiệp thiêng liêng, một chuẩn mực cho ứng xử có văn hóa. Hay thậm chí như có những người đã nói, giáo dục là niềm tin cuối cùng.
Nhưng dường như phải đến lúc này, “Đạo đức nhà giáo” mới được đề cập đến như một mắt xích quan trọng, một điểm tựa cho cả quy trình hành chính quốc gia. Sức mạnh của nó còn vượt lên cả những biện pháp kỹ thuật, như TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đã nói: “nếu thiếu lương tâm và trách nhiệm nhà giáo thì dù yếu tố kỹ thuật có mạnh đến đâu cũng bị bẻ khóa”.
Tạm bỏ qua cuộc tranh luận rằng những thất bại khi để xảy ra scandal gian lận thi cử này là do quy trình hay do con người, hãy quay sang câu hỏi, nếu “kết tội” cho đạo đức thì thế nào là đạo đức? Và cụ thể hơn, thế nào là “Đạo đức nhà giáo”?
Chắc chắn, đạo đức hoàn toàn là một khái niệm không rõ ràng. Thử lấy một ví dụ cụ thể. Một thầy giáo ở một trường đại học lớn trong nước bị nhiều đơn thư tố cáo lên nhà trường vì hành vi được gọi là “gạ gẫm” nhiều nữ sinh viên. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, thầy giáo này cho rằng những tố cáo đó hoàn toàn là bịa đặt và thậm chí đã đưa ra một phần các tin nhắn mà anh này nhắn cho nữ sinh viên.
Các tin nhắn đó bao gồm khen nữ sinh viên này tóc đẹp, hay rủ các nữ sinh viên kia đi ăn, đi chơi, xem phim v.v… Và thầy giáo này lý luận: “Theo tôi, không nên chỉ đơn thuần dựa vào nội dung một lời đề nghị như mời đi ăn, xem phim, café, hay uống nước để từ đó suy diễn về mục đích của người mời. Còn người được mời có quyền đồng ý hoặc từ chối nếu cảm thấy mình không muốn điều đó. Việc mời nhau là sự tự nguyện, không ai ép buộc được”.
Nếu theo lời thầy giáo này giải thích, chúng ta sẽ vướng vào một cuộc tranh luận không có hồi kết.
Phe thứ nhất: thầy và nữ sinh đều trưởng thành và có quyền con người tự do, thầy tự do mời và học sinh tự do đồng ý hoặc từ chối. Suy rộng ra, thậm chí thầy và nữ sinh viên có thể yêu nhau, lấy nhau khi còn ở trong trường mà không ai có quyền ngăn cản.
Phe thứ hai: thầy phải là thầy, là người dạy dỗ, đào tạo chứ không phải là người nhắn tin tán tỉnh sinh viên. Thầy yêu trò thì quan hệ đó sẽ dẫn đến thiên vị về điểm số, lợi ích và như thế sẽ thành mua bán đổi chác chứ không còn là giáo dục nữa. Hơn nữa, nếu là tình yêu thì chỉ là 1 hoặc 2 sinh viên, đằng này lên đến… hàng chục người thì khó có thể gọi đây là tình yêu được.
Vậy, thế nào là vi phạm “đạo đức nhà giáo”?
Cuộc tranh luận như đã nêu ở trên sẽ không bao giờ có hồi kết. Đơn giản bởi mỗi người đều lý luận dựa trên hệ quy chiếu riêng của mình mà không có chuẩn mực chung nào cả.
Trên thực tế, từ cách đây 10 năm, Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 16/2008/QĐ-BGD Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, những quy định trong đó vẫn chung chung và không có ý nghĩa thực tế. Cụ thể, nếu chiếu theo 11 điều “Không” tại Điều 6 của quy định này thì nhắn tin khen tóc sinh viên đẹp hay rủ sinh viên của mình đi xem phim riêng tư không thuộc nhóm “Không” nào cả.
Thử nhìn xung quanh, khái niệm: “Professional Relationship” (tạm dịch là Quan hệ nghề nghiệp) là một khái niệm khá phổ biến khi nói về các quy tắc đạo đức nghề nghiệp trên thế giới, đặc biệt là đối với ngành giáo dục (có thể gọi riêng là “teacher-student relationship”) vốn mang nhiều tính đặc thù trong quan hệ giáo viên - học sinh. Cụ thể:
Điều 1.1.6 Quy tắc hành vi nghề nghiệp đối với giáo viên của Úc quy định: “Giáo viên có nghĩa vụ bảo vệ học sinh trước các mối nguy hiểm bằng cách: kiềm chế các hành vi tình dục với học sinh hoặc các hành vi gia tăng sự lo ngại đối với các hành vi tình dục đã xảy ra hoặc có thể xảy ra với học sinh”.
Quy tắc Đạo đức và Hành vi đối với giáo viên của Malta nêu ra 1 trong 6 nguyên tắc quan trọng nhất như sau: “Giữ gìn trong các mối quan hệ với sinh viên: Người dạy học phải: giữ gìn ranh giới nghề nghiệp cả khi ở trường và ngoài trường học, tránh các tiếp xúc vật lý, các giao tiếp không phù hợp thông qua bất kỳ hình thức liên lạc nào và tránh mối quan hệ không phù hợp với sinh viên. Người dạy học có nghĩa vụ và chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc giữ gìn khoảng cách nghề nghiệp.”
Đối với Hoa Kỳ, dù là quốc gia luôn đề cao sự tự do, trong Quy tắc hành vi nghề nghiệp đối với giáo viên của quốc gia hay trong các quy tắc của các hội nghề nghiệp vẫn cấm bất kỳ hành vi tình dục, hay liên hệ để hướng đến tình dục của giáo viên đối với sinh viên và giáo viên phần lớn sẽ bị sa thải nếu để điều đó xảy ra.
Hay cụ thể hơn, nguyên tắc về quan hệ giữa sinh viên và giáo viên được nêu ra trong chính sách của từng trường. Quy định về quan hệ đối tác giáo viên - sinh viên của Đại học Yale, Hoa Kỳ nêu rõ: “Không giáo viên nào được phép có quan hệ tình dục hoặc quan hệ yêu đương với bất kỳ sinh viên đại học nào, bất kể giáo viên hiện đang thực hiện hoặc dự kiến sẽ có bất kỳ trách nhiệm sư phạm hoặc giám sát nào đối với sinh viên đó.” Quy định này đồng thời được áp dụng đối với tất cả lãnh đạo, quản lý và nhân viên trong trường.
Cao hơn, thậm chí Tòa án tối cao Washington trong vụ kiện liên quan đến một giáo viên từng phán quyết rằng: quan hệ tình dục với sinh viên, dù cho sinh viên đã trên 18 tuổi vẫn được xem là tấn công tình dục đối với trẻ vị thành niên và phải bỏ tù đối với hành vi này. Mặc dù phán quyết đã bị đảo ngược sau đó, quan điểm bảo vệ đạo đức trong giáo dục này đã dẫn đến việc 6 bang ở Hoa Kỳ đề xuất sửa đổi luật để áp án phạt tù cao nhất lên đến 5 năm đối với hành vi giáo viên quan hệ tình dục với sinh viên chưa đủ 21 tuổi (với điều kiện giáo viên phải lớn hơn sinh viên ít nhất lên đến 5 tuổi - Luật Romeo và Juliet).
Từ những ví dụ trên để thấy rằng, rõ ràng cuộc tranh luận về hành vi của vị thầy giáo kia đáng lẽ sẽ được giải quyết ổn thỏa, nếu chúng ta có một quy định hay quy tắc nghề nghiệp nào đó chỉ rõ hành vi nào là bị cấm để bảo vệ “đạo đức nhà giáo” như các quốc gia nói trên, thay vì mỗi phe tự áp đặt những chuẩn mực cá nhân của mình để đánh giá một con người.
Cần có Luật Đạo đức
Như vậy, dù cho trình độ kinh tế-xã hội, các yếu tố văn hóa lịch sử khác nhau dẫn đến quan điểm đạo đức cho từng vấn đề có thể khác nhau, các quốc gia đều chọn cho mình một phương pháp cơ bản: Luật hóa đạo đức cho từng ngành nghề. Điều này hoàn toàn không xa lạ ở Việt Nam khi từ lâu, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam điều chỉnh từng nhóm hành vi cụ thể của Luật sư đối với khách hàng, đồng nghiệp và các cơ quan tố tụng. Trong đó, hình phạt cao nhất khi vi phạm các quy tắc này là xóa tên khỏi Đoàn Luật sư.
Xa hơn và quan trọng hơn, Luật hóa đạo đức còn là để bảo vệ con người trong từng ngành nghề cụ thể. Rõ ràng khi không có quy định thế nào là đạo đức, người ta hoàn toàn có thể nhân danh một thứ đạo đức “mơ hồ” để trù dập, chấm dứt sự nghiệp của một cá nhân khác bằng sức mạnh của số đông hay một cá nhân quyền lực.
Và cuối cùng, nếu vẫn xem nghề giáo là một nghề cao quý, vẫn xem giáo dục là nơi đặt niềm tin cuối cùng trong xã hội, vẫn xem đạo đức nhà giáo là điểm tựa vững chắc để hoàn thiện những quy trình còn nhiều lỗ hổng, thì hoàn thiện những quy tắc đạo đức nghề giáo để chấn chỉnh hành vi của giáo viên phải là việc bàn đến trước tiên để bảo vệ thứ tài sản tinh thần quý báu đó.