Vận hành đại học hiệu quả từ môi trường hạnh phúc
Được thành lập từ năm 1995, câu chuyện về hành trình 30 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) không thể thiếu vai trò của TS. Kiều Tuân - người “kiến trúc sư” tâm huyết phía sau những dấu ấn đáng tự hào của Trường. Từ những năm đầu của thập niên 90, khi mà Chính phủ mới có chủ trương cho phép mở trường ngoài công lập, thầy đã cùng cộng sự vượt qua vô vàn khó khăn để đặt nền móng cho việc thành lập rồi từng bước phát triển đi lên, trở thành ngôi trường được xã hội tin yêu như hiện tại.
Thầy Kiều Tuân và lòng nhiệt thành kiến tạo môi trường giáo dục hạnh phúc
Với thầy, “trồng người” không thể chỉ thuần túy là truyền đạt kiến thức mà mỗi thầy cô còn cần là người đồng hành và truyền cảm hứng đến sinh viên bằng cả trái tim của mình. Do đó, thành tựu đào tạo của HUTECH không dừng lại ở việc thể hiện qua kết quả học tập mà còn hướng người học thành người sống tử tế, trách nhiệm, bản lĩnh, can đảm để dấn thân kiến tạo những giá trị mới và góp sức xây đời.
Năm tháng qua đi có lắm đổi thay, song có một điều vẹn nguyên mà người thầy không bao giờ thay đổi và miệt mài theo đuổi, chính là quan điểm về kiến tạo một môi trường đại học mà ở đó, sinh viên được chăm lo và tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thiện mình. Từ định hướng chỉ đạo này của thầy, những năm qua HUTECH luôn gắn liền với thương hiệu “Đại học gen Z”, chú trọng công tác chăm sóc sinh viên là một tổng thể hài hòa nhiều phương diện. Sinh viên Trường không chỉ được tăng cường chuyên môn vững vàng, mà còn được khuyến khích phát triển năng khiếu cá nhân, tham gia tình nguyện cộng đồng, hội nhập quốc tế.
Tại HUTECH, mỗi thầy cô được tạo điều kiện tối đa trong công tác giảng dạy và nghiên cứu
Đằng sau thành công của mỗi thế hệ sinh viên là đội ngũ cán bộ giảng viên giỏi, dạy học bằng cả trái tim mình, vậy nên với thầy, trân trọng hiền tài luôn là yếu tố hàng đầu. Một “di sản” thầy gầy dựng ở HUTECH chính là văn hóa đại gia đình, nơi đây mỗi cán bộ - giảng viên - nhân viên luôn được tạo điều kiện tối đa để phát huy năng lực chuyên môn, sức sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến, đồng thời gắn kết, đồng lòng hỗ trợ lẫn nhau.
Truyền lửa cho thế hệ tương lai bằng nhiệt huyết và những điều bình dị
Những năm tháng dưới mái trường HUTECH, chắc hẳn trong tâm trí mỗi thế hệ sinh viên đều lưu giữ hình ảnh người thầy tuổi đã vào hàng cao niên, mái tóc ngả bạc nhưng không quản ngại khó khăn để đồng hành cùng sinh viên ở bất kỳ hoạt động nào. Có những đêm diễn văn hóa nghệ thuật đến đêm muộn như Miss HUTECH, HUTECH's Got Talent, thầy vẫn đến và dõi theo từng phần trình diễn của các tài năng trẻ. Có những hoạt động tình nguyện ở các địa phương xa xôi như Mùa hè xanh, thầy vẫn vượt đường sá đến thăm và động viên các chiến sĩ.
Gắn bó mật thiết với các hoạt động Đoàn - Hội, phong trào sinh viên như thế, nên thầy Kiều Tuân dành rất nhiều lời dặn dò tâm huyết đến sinh viên, trong đó có một lời dạy mà gần như ai cũng đã khắc cốt ghi tâm “trở thành những người chủ thực thụ - làm chủ cuộc đời mình và tương lai đất nước”. Thầy thường xuyên nhắc nhở sinh viên về ý thức học tập và rèn luyện suốt đời - bởi chỉ khi ra sức học tập, con người mới có thể hoàn thiện mình từ năng lực đến phẩm chất và vững vàng vào đời lập thân lập nghiệp. Học để tích lũy hành trang và xây dựng sự nghiệp của riêng mình, tiếp đến là phải có những khát vọng, hoài bão to lớn hơn, trong đó có tinh thần sẵn sàng cống hiến góp sức xây dựng Tổ quốc ngày càng phồn thịnh.
Như một người cha, người ông luôn nghĩ về tương lai của những đứa con mình, luôn làm sao để tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho thế hệ trẻ. Nhắc về thầy, trong mỗi thế hệ sinh viên HUTECH đều có những cảm xúc đầy kính trọng, yêu thương, tự hào. Võ Xuân Đạt - Bí thư Đoàn trường bộc bạch: “Mình rất tự hào và xúc động khi luôn có sự đồng hành và động viên của thầy Kiều Tuân trong mỗi phong trào sinh viên. Mỗi một lời khuyên bảo, nhắn nhủ của thầy đều là kim chỉ nam định hướng và động lực để sinh viên ra sức học tập, rèn luyện, xây dựng ước mơ khát vọng để trở nên bản lĩnh và tự chủ như thầy mong mỏi”.