Hủ tiếu lề đường có lẽ là món ăn khá quen thuộc với những con người đã nhiều năm gắn bó tại mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. Hình ảnh những người lao động nghèo hay những bạn sinh viên, thậm chí là những viên chức, văn phòng húp xì xụp hủ tiếu bên lề đường... chúng ta vẫn thường thấy ở khá nhiều góc phố, con đường Sài Gòn.
Không biết từ lúc nào, món ăn này lại trở thành 1 nét điểm xuyết nhẹ nhàng ở nơi Sài Gòn hoa lệ này. Thiếu cái mộc mạc, bình dân đó có khi Sài Gòn lại ít “chất Sài Gòn” hơn.
Với giới sinh viên, hủ tiếu lề đường thậm chí còn được xem là món ăn "huyền thoại", bởi món ăn này không chỉ tiện lợi, còn có giá cả cực kỳ rẻ, đảm bảo no bụng mà vẫn phù hợp với túi tiền eo hẹp của mình. Chưa kể, hẹn hò thời sinh viên, nhiều khi chỉ cần mời đối phương đến quán hủ tiếu lề đường, vừa thưởng thức món ăn nóng hổi, vừa tíu tít nói cười cũng làm nên một chuyện tình trong mơ.
Thế rồi theo dòng chảy thời gian, ai cũng có những dự định riêng mình để chạy theo "cơm áo gạo tiền". Dần dần, mỗi người sẽ kiếm được những công việc yêu thích, tạo cho mình những mức lương tương xứng và tự cho phép bản thân thưởng thức những món ăn ngon hơn, đắt đỏ hơn món hủ tiếu lề đường kia gấp nhiều lần. Để rồi khi nhìn lại, vài người đã đi qua đời ta, thêm vào đó là bao nhiêu thứ đã đổi thay, có bao giờ chúng ta ngẫm lại "Người cùng ta ngồi ăn tô hủ tiếu lề đường thời sinh viên bây giờ ra sao rồi hay không?".
Đây cũng chính là một trong những thông điệp ý nghĩa mà phim ngắn "Sài Gòn, cơm áo gạo tiền" muốn gửi đến người xem. Bộ phim lấy nội dung quen thuộc về mối tình thời sinh viên của 2 nhân vật Hoàng và Vân gắn liền với hình ảnh tô hủ tiếu lề đường và đang thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên.
Món hủ tiếu ấy tuy đơn giản, chỉ một vắt hủ tiếu khô rẻ tiền, ít hành phi, tóp mỡ, 1 nhúm cọng giá hẹ và vài lát thịt mỏng dính nhưng đó là nơi để 2 bạn trẻ no bụng trong cuộc sống thời sinh viên. Có đôi khi, họ san sẻ cho nhau một chén trứng trần, hay vài lát thịt - bò viên, hoặc thậm chí dè xẻn ít đồng lẻ để gọi thêm một phần hủ tiếu, xớt cho nhau thêm phần no bụng. Những niềm vui, nỗi buồn, ước mơ cũng được chia sẻ tại nơi "lề đường" ấy đã thành 1 kỉ niệm gắn bó với hai người.
Trong phim ngắn này, đạo diễn lồng ghép hiệu ứng cánh bướm để làm nổi bật mối quan hệ nhân quả về cuộc đời. Sự tồn tại của mỗi cá thể đều có ý nghĩa riêng của nó, không có khái niệm đúng – sai nhưng chủ thể phải chịu trách nhiệm cho mọi sự lựa chọn của mình. Tất cả chỉ là trải nghiệm.