Ngày 3/11, trên các diễn đàn và mạng xã hội lan truyền đi tin nhắn được cho là xuất phát từ Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Dương Văn Thì, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nội dung tin nhắn này có 6 nội dung, đề nghị thầy cô giáo viên chủ nhiệm chấn chỉnh như là sử dụng bàn ghế đã được trang bị trong lớp.
Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt là các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nam/nữ) cần được bố trí ngồi riêng.
Các buổi trời sáng, nhắc học sinh không sử dụng tất cả đèn trong lớp. Chỉ cần mở 50% đèn là đủ sáng trong lớp.
Kéo tất cả rèm cửa để tận dụng không khí và ánh sáng ngoài trời. Các lớp có sử dụng máy lạnh chỉ được phép mở từ sau 9h buổi sáng.
Nghiêm cấm đem các vật dụng có sử dụng điện như ấm nước, nồi…để nấu trong lớp.
Hướng dẫn ban cán sự lớp thực hiện việc tự quản trong lớp: Việc ghi chép ở bản tin lớp, việc trang trí trong lớp, vệ sinh lớp…
Ngay sau khi đoạn nội dung này được đăng tải trên các diễn đàn, mạng xã hội đã ngay lập tức gây xôn xao, chú ý của cư dân mạng, nhất là đối với học sinh. Phần các ý kiến đều chỉ trích, cũng như bày tỏ sự phẫn nộ.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin này, phía Sở đã có làm việc với lãnh đạo Trường trung học phổ thông Dương Văn Thì, thành phố Thủ Đức.
Hiệu trưởng nhà trường đã xác nhận với Sở là tin nhắn này là tin nội bộ hiệu trưởng của nhà trường gửi tới các giáo viên chủ nhiệm, trong tình huống là nhà trường có các hoạt động nhằm định hướng để học sinh có các hành vi, hành động vượt quá mức giới hạn cho phép trong giáo dục.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, tin nhắn này đã được viết theo dạng ngắn gọn, không diễn giải hết tình huống cần truyền đạt, đã gây ra sự hiểu lầm là có sự đối xử phân biệt, kỳ thị về giới, nhưng chắc chắn là không bao giờ có chuyện đó xảy ra.
Hiệu trưởng nhà trường đã nghiêm khắc rút kinh nghiệm sau khi sự việc này xảy ra, cho dù đây có thể là tin nhắn nội bộ của nhà trường, nhất là trong từ ngữ khi sử dụng để nhắn tin.
Nhà trường cũng sẽ có buổi trao đổi trực tiếp đối với các em học sinh của trường, để các em hiểu được tình yêu thường của thầy cô trong trường, chứ hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị đối với các em học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có trao đổi, rút kinh nghiệm trong đội ngũ các cán bộ quản lý trường học, nhất là đối với việc thông tin từ hiệu trưởng đến với các đối tượng trong nhà trường, như giáo viên, phụ huynh, học sinh, để tránh các sự việc gây hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra.