Sáng 2/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã làm việc với Học viện Múa Việt Nam về việc chuẩn bị cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh trong trường.
Thứ trưởng khẳng định việc để xảy ra kiến nghị tại Học viện Múa Việt Nam vừa qua có một phần trách nhiệm của trường. Nhà trường đã không giải thích cặn kẽ những vướng mắc cho phụ huynh và học sinh.
Yêu cầu trường giải thích rõ cho phụ huynh
Trong buổi làm việc với nhà trường ngày 1/4, các phụ huynh cho biết khi tuyển sinh, thậm chí đến lúc học sinh nhập học, nhà trường chưa từng nhắc đến việc các em chỉ được cấp bằng năng khiếu, không có bằng văn hóa.
Ông Hoàng Mạnh Cường, phụ huynh học sinh K2, khẳng định trường chỉ thông tin học sinh được đào tạo văn hóa song song chuyên môn, hoàn toàn không nhắc đến chuyện không cấp bằng.
Đến giữa năm 2019, học sinh và phụ huynh mới nhận được thông báo trường sẽ không cấp bằng THCS và THPT.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hải, Giám đốc Học viện Múa Việt Nam thừa nhận đã quên đăng ký hệ trung cấp cho học sinh.
Chính vì vậy, học sinh từ giai đoạn trung cấp đã "nhảy" thẳng lên cao đẳng mà không cần bằng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều học sinh hoàn thành chương trình liên thông chỉ có bằng cao đẳng, không có bằng trung cấp.
Hệ quả là nhiều học sinh đã hoặc sắp ra trường đang đối mặt với nguy cơ không có bằng văn hóa. Trình độ văn hóa của các em vẫn chỉ dừng lại ở 6/12.
Theo VTC News, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy xác nhận, Học viện Múa Việt Nam chưa từng đề xuất việc xét công nhận tốt nghiệp THCS, THPT cho học sinh.
Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết địa bàn quận có 2 trường nghệ thuật tuyển sinh theo ngành đặc thù là Học viện Múa Việt Nam và trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
Trong thời gian qua, trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ có đề xuất Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy xét công nhận tốt nghiệp THCS cho học sinh. Học viện Múa Việt Nam chưa từng đề xuất vấn đề này. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng không nhận được đề xuất cấp bằng THPT từ trường.
Vì thế, toàn bộ hơn 300 học sinh từng học tại Học viện Múa Việt Nam không có mã định danh và học bạ điện tử. Việc cấp bằng THCS và THPT hoàn toàn không thể xảy ra vì trường không có quyền thực hiện thủ tục này.
Nhà trường cũng thừa nhận do sai sót nên đã không phổ biến chi tiết về việc cấp bằng cho học sinh ngay từ đầu. Tuy nhiên, học sinh, phụ huynh cũng sơ suất, chủ quan khi chưa tìm hiểu kỹ về vấn đề này trước khi vào trường.
"Nếu trường nêu rõ chuyện cấp bằng trong thông báo tuyển sinh, chuyện này sẽ không xảy ra", ông Cường nói.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông yêu cầu nhà trường phải thông tin rõ về những thay đổi trong quá trình đào tạo của Nhà trường đến phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, trường cần quán triệt nội bộ, nghiên cứu, nắm rõ những quy định hiện hành về giáo dục và đào tạo, đặc biệt chú trọng thông tin đầy đủ trong quá trình làm công tác tuyển sinh.
Với bằng trung cấp chuyên nghiệp, học sinh có thể thi vào trường nào?
Theo thông tin nhà trường cung cấp, có 3 học sinh học hệ liên thông trung cấp lên cao đẳng đã tốt nghiệp, có bằng đầy đủ nhưng không thể đăng ký học ở trường khác. Trong đó có trường hợp của Nhật Vy, học sinh K2 ngành Nghệ thuật biểu diễn Kịch múa.
Nữ sinh tốt nghiệp tháng 1/2020 và sau đó trúng tuyển Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sau khi nhập học được 1 tháng, em bị trường từ chối hồ sơ với lý do tấm bằng cao đẳng của em không có giá trị.
Nhật Vy học hệ liên thông trung cấp lên cao đẳng (kéo dài 6,5 năm). Theo đúng quy trình, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (chương trình trung cấp), em sẽ thi cuối khóa và được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do lỗi kỹ thuật, nhà trường quên đăng ký hệ trung cấp, Vy và nhiều học sinh khác không được cấp bằng.
Cuối cùng, nữ sinh và những người bạn cùng khóa ra trường với tấm bằng cao đẳng của giai đoạn 2. Do thiếu bằng trung cấp chuyên nghiệp, tấm bằng cao đẳng của các em hoàn toàn mất giá trị.
Ông Trần Văn Hải thông tin, hiện nhà trường đã làm việc với 2 bộ để xin cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp cho những học sinh bị thiếu. Khi việc này được giải quyết, những khúc mắc sẽ được tháo gỡ.
Qua đó, để được thi vào các trường năng khiếu khác thuộc quản lý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hoặc đăng ký thi và học chuyên ngành khác với trình độ tương đương hoặc cao hơn tại Học viện Múa Việt Nam, học sinh cần có đủ bằng trung cấp chuyên nghiệp, bằng cao đẳng và giấy chứng nhận hoàn thành kết quả học văn hóa bậc phổ thông tại trường.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đề nghị Học viện Múa Việt Nam khẩn trương xúc tiến thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt việc cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh, để vụ việc được giải quyết thỏa đáng, học sinh yên tâm học tập, thi cử.
Những học sinh chưa tốt nghiệp sẽ đi về đâu?
Sáng 2/4, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo về việc cho phép Học viện Múa Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong trường hợp học sinh đã hoàn thành chương trình theo quy định tại Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Quy định khung trung cấp chuyên nghiệp.
Qua đó, những học sinh đã tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa bậc phổ thông. Nhưng câu hỏi nhiều phụ huynh đặt ra hiện nay là, với những học sinh đang học (còn khoảng 1-2 năm nữa mới tốt nghiệp), nhà trường sẽ xử lý thế nào?
Các phụ huynh hy vọng Học viện Múa Việt Nam sẽ kết hợp với 2 bộ để linh động xử lý cho các học sinh đang theo học tại trường, để các em có mã định danh, học bạ điện tử và có bằng văn hóa bậc phổ thông.
Thông thường, chương trình đào tạo ngắn hạn dành cho học sinh 15-16 tuổi, kéo dài khoảng 4,5 năm. Trong khi đó, chương trình đào tạo dài hạn tuyển sinh các đối tượng từ 12 tuổi, kéo dài khoảng 6,5 năm.
Do đặc thù ngành học, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1/10/2004 về Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thuộc nhóm ngành múa.
Cụ thể, bộ này quy định nhà trường không cấp bằng THCS đối với học sinh hệ đào tạo dài hạn. Một số học sinh trường nghệ thuật khác có nhu cầu chuyển đổi ngành học nên các trường đã xây dựng hệ thống đào tạo song song, hoặc liên kết các trung tâm giáo dục thường xuyên để học sinh được quyền học và thi lấy bằng.
Do những lỗ hổng trong xây dựng hệ thống đào tạo, nhà trường cam kết từ năm 2021 sẽ triển khai hệ thống đào tạo kết hợp trung tâm giáo dục thường xuyên để đảm bảo học sinh có đủ bằng văn hóa và năng khiếu.