Cuối năm học 2017-2018, chị Minh ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nhận thông báo danh sách sách cần mua cho con trai lên lớp 4, kèm đơn đăng ký mua tại trường. Số xuất bản phẩm đóng gói cẩn thận chị được nhận sau đó gồm 34 cuốn, giá gần 450.000 đồng. Cùng với bộ đồ kỹ thuật, bộ đồ thủ công, số tiền chị Minh phải nộp để mua tài liệu học tập cho con lên đến 500.000 đồng.
Trong 34 cuốn sách nhà trường phát, chỉ 9 quyển là sách giáo khoa theo danh mục công bố của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 25 sách còn lại gồm: Bài tập các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh; Cùng em học Toán, tiếng Việt; Hướng dẫn học Tin học; Học Mỹ thuật; Giáo dục Nếp sống thanh lịch và văn minh cho học sinh Hà Nội…, đều là sách tham khảo.
“Đã có sách bài tập Toán, tiếng Việt, vì sao học sinh vẫn được yêu cầu mua thêm 4 cuốn để làm bài tập là Cùng em học Toán, Cùng em học tiếng Việt (mỗi môn 2 tập). Đã có sách giáo khoa Mỹ thuật, các con vẫn phải mua cuốn Học mỹ thuật…”, chị Minh đặt câu hỏi.
Chi phí mua sách tham khảo so với sách giáo khoa đắt gấp nhiều lần. Giá mỗi cuốn sách giáo khoa lớp 4 chỉ 3.700-13.200 đồng, cả bộ sách là 78.000 đồng. Trong khi đó, phần lớn sách tham khảo giá 10.000-42.000 đồng/cuốn.
Đơn cử sách tham khảo Học Mỹ thuật 4 giá 25.000 đồng, trong khi sách giáo khoa Mỹ thuật 4 chỉ 6.700 đồng. Cuốn Toán 4 giá 10.900 đồng thì tài liệu tham khảo Cùng em học Toán gồm 2 tập, mỗi tập giá 21.000 đồng. Tổng số tiền mua sách tham khảo của con chị Minh là hơn 360.000 đồng.
Theo chị Minh, tâm lý chung của phụ huynh là tin tưởng và làm theo yêu cầu của nhà trường về lựa chọn sách học. Vì số tiền mua sách nhỏ so với rất nhiều khoản đóng góp khác như: học tiếng Anh liên kết; tiền ăn bán trú; quỹ lớp; quỹ hội phụ huynh học sinh… nên ít bố mẹ thắc mắc.
Tuy nhiên, khi cẩn thận xem lại bộ sách mua của con, chị Minh thấy lãng phí vì nhiều tài liệu tham khảo như: Cùng em học Toán, tiếng Việt, Học Mỹ thuật… từ tháng 8 học hè đến giờ chưa một lần con chị sử dụng đến. Sách Giáo dục An toàn giao thông, Giáo dục Nếp sống thanh lịch và văn minh cho học sinh Hà Nộimỗi năm con chị Minh đều phải mua, nhưng chỉ để trên giá sách tại nhà.
Tại một trường tiểu học công lập khác, chị Thành (Hoài Đức, Hà Nội) phải chi hơn 600.000 đồng mua sách cho con học lớp 5 theo danh mục học liệu nhà trường yêu cầu. Trong khi đó bộ sách giáo khoa theo quy định chỉ 78.300 đồng cho 9 đầu sách (chưa kể sách Ngoại ngữ). Các năm qua, mỗi dịp cuối năm dọn sách vở cũ cho con để chuẩn bị thay bộ sách năm học mới, lần nào người mẹ cũng phải bỏ 4-5 cuốn chưa dùng đến.
Bộ sách giáo khoa lớp 1 gồm 6 cuốn, giá 47.500 đồng, nhưng nhiều phụ huynh ở quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm (Hà Nội) phải mua đến 16-20 cuốn với giá khoảng 200.000 đồng, theo danh sách yêu cầu của nhà trường. Số sách phải mua thêm, ngoài vở bài tập của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn có sách tập đọc của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội; sách Cùng em học Toán, Tiếng Việt của Nhà xuất bản Hà Nội…
“Trẻ lớp 1 sao phải học nhiều sách, làm nhiều bài tập đến thế. Mỗi ngày đi học, tôi đều phải xách cặp cho con vì quá nặng”, một phụ huynh nói và kiến nghị giảm bớt đầu sách có nội dung trùng lặp, không thực sự cần thiết cho học sinh.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 9 (ngày 1/10), nhắc việc nhiều trường ép học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá “đây là một trong những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục”. Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng (ngày 25/9), Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho rằng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thể lỗ ở mảng sách giáo khoa, nhưng lãi ở mảng sách tham khảo.
Giải trình việc sử dụng sách tham khảo trong trường học, Bộ Giáo dục cho biết đã ban hành thông tư quy định việc lựa chọn, quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo thuộc trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Sở, Phòng Giáo dục có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra hoạt động này.
Nhằm tránh việc giáo viên cố tình đưa nội dung từ sách tham khảo vào bài kiểm tra nhằm bắt ép học sinh mua sách, thông tư quy định: Giáo viên không được sử dụng nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học… Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không được lạm dụng vị trí công tác để ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc phụ huynh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.