Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

'Học sinh được cấp bằng nhưng trách nhiệm của lãnh đạo trường Múa thì sao?'

Theo chuyên gia, để xảy ra sai sót hơn 300 học sinh Học viện Múa Việt Nam thời gian qua, trách nhiệm thuộc về nhà trường và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có buổi làm việc với bốn Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Lao động Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Tư pháp xem xét cấp bằng THCS cho hơn 300 học sinh Học viện Múa Việt Nam đã hoàn thành chương trình học văn hoá bậc THCS theo thời điểm tốt nghiệp thực tế từ năm 2014 đến nay.

Về giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, học sinh trường Múa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp sẽ được Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề quận Cầu Giấy (Hà Nội) cấp. Ngày 1/4, Bộ GD&ĐT đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho phép Học viện Múa Việt Nam cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp.

Như vậy, nguyện vọng của 325 học sinh và phụ huynh trường múa kêu cứu đòi quyền lợi cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, THCS, THPT cơ bản được tháo gỡ thoả đáng.

'Học sinh được cấp bằng nhưng trách nhiệm của lãnh đạo trường Múa thì sao?' Ảnh 1
Học viện Múa Việt Nam.

Bộ nào chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc cấp bằng mới chỉ dừng ở việc tháo gỡ cho phụ huynh, học sinh, còn trách nhiệm của đơn vị để xảy ra sai sót trên cần thẳng thắn nhìn nhận và xử lý nghiêm.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Kí, nguyên giảng viên Đại học Luật cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh "bỗng dưng" không được cấp bằng là do thay đổi Luật giáo dục 2019 và Luật giáo dục nghề nghiệp 2014.

Luật giáo dục mới quy định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT. Các trường nghề phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc thêm văn hóa cho học sinh. Như trước đây thì các trường được tổ chức giảng dạy và cấp bằng tốt nghiệp THPT. 

Không chỉ bậc THPT mà ngay cả bậc THCS nhà trường cũng không đủ điều kiện để dạy và cấp bằng. Lý do là trường chưa bao giờ làm việc được với Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) để cấp mã định danh cho học sinh. Vì thế, các em mất toàn bộ quyền lợi để được xét công nhận tốt nghiệp THCS.

Theo ông Kí, Học viện Múa là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót trong thời gian qua khi để hơn 300 học sinh không có bằng. Tiếp đến là trách nhiệm của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Từ đầu năm 2020, phụ huynh gửi đơn kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên câu trả lời họ nhận được là chờ nhà trường đề xuất hướng giải quyết.

"Đây chỉ là câu trả lời 'đá quả bóng trách nhiệm'. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch không thể nói không biết việc trường Múa đào tạo văn hoá trái theo quy định của Luật giáo dục và Luật giáo dục nghề nghiệp từ năm 2014 đến nay. Công tác thanh tra, kiểm tra những năm qua được Bộ thực hiện thế nào mà để xảy ra tình trạng vượt rào đào tạo như vậy?", vị chuyên gia đề nghị làm rõ trách nhiệm.

Trong khi các trường cùng hệ thống quản lý của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch như: Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ không gặp tình trạng như vậy.

Mặt khác, sự việc không được giải quyết từ năm nọ sang năm kia, cho đến ngày 31/3, khi đồng loạt báo chí lên tiếng về đơn kêu cứu của hơn 300 phụ huynh thì Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch và Bộ GD&ĐT mới thực sự nhập cuộc. Chiều 1/4, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch gửi công văn đề xuất hướng giải quyết sang Bộ GD&ĐT. Đêm cùng ngay, Bộ GD&ĐT đã đồng ý cấp bằng trung cấp và cấp giấy chứng nhận hoàn thành văn hoá THPT chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, nhóm ngành 3 (nghệ thuật).

Nhà trường thiếu minh bạch

'Học sinh được cấp bằng nhưng trách nhiệm của lãnh đạo trường Múa thì sao?' Ảnh 2
Đơn kêu cứu của 325 học sinh, phụ huynh Học viện Múa Việt Nam.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Bảo (Đại học Sư phạm Hà Nội), bản chất của vụ việc là thiếu minh bạch trong đề án tuyển sinh. Nhà trường mập mờ, không thông báo rõ hệ trung cấp chuyên nghiệp không bao gồm cấp bằng THCS, THPT. Còn phụ huynh, vì không tìm hiểu kỹ và thấy nhà trường vẫn dạy văn hóa vào buổi chiều (sáng học chuyên môn) nên lầm tưởng.

Nhưng khó có thể trách phụ huynh bởi không phải ai cũng am hiểu các kiến thức về pháp luật, giáo dục đào tạo. Sau gần 7 năm học, trường mới thông báo rằng việc đào tạo văn hóa là “rất đặc thù” và thường “ít ai vào đây để học văn hóa” gây sốc cho nhiều người.

Ban giám hiệu, cụ thể là giám đốc học viện hiểu rất rõ trường không phải cơ sở được quyền cấp bằng THCS và THPT. Đồng thời, trường làm trái quy định mới trong Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2017 (cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đào tạo văn hoá) nhưng vẫn một mình một lối đào tạo theo quy định từ năm 2004 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành.

Để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy, theo tiến sĩ Bảo, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo nhà trường giai đoạn từ năm 2013 đến nay. Nói nhẹ là do tắc trách, thiếu hiểu biết, không nghiên cứu rõ các quy định; nói nặng thì đây là sự thiếu minh bạch, gian dối trong tuyển sinh- đào tạo.

Về biện pháp xử lý, vị chuyên gia cho rằng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần kiểm điểm, khiển trách và có đủ căn cứ để kỉ luật lãnh đạo, ban giám hiệu Học viện Múa Việt Nam.

Học viện Múa Việt Nam đang chịu sự quản lý của 3 bộ. Cụ thể, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch- cơ quan chủ quản; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội- quản lý về giáo dục nghề nghiệp; Bộ GD&ĐT- quản lý chất lượng giảng dạy văn hóa.

Từ năm 2012 đến nay, trường này hai lần thay đổi lãnh đạo. Cụ thể, từ năm 2012 đến tháng 5/2019 do ông Nguyễn Văn Quang giữ chức vụ hiệu trưởng; từ tháng 5/2019 đến nay do ông Trần Văn Hải giữ chức vụ quyền giám đốc học viện.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VTC News

Được quan tâm

Tin mới nhất
Thời điểm ra mắt iPhone SE 4