Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Hiệu trưởng lý giải tại sao 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển ĐH Hồng Đức

Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến một số ngành trong trường có điểm trúng tuyển rất cao.

Theo công bố của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) về điểm trúng tuyển đại học hệ chính quy năm 2022 theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất vào trường lên tới gần 40 điểm (thang điểm 40).

Cụ thể, 2 ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất là ĐH Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và ĐH Sư phạm Lịch sử chất lượng cao - cùng 39,92 điểm. Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, tính trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Trong các ngành chất lượng cao, ngành ĐH Sư phạm Toán học chất lượng cao có điểm chuẩn xếp thứ 3, là 35,43 điểm.

Ngoài ra, ngành ĐH Sư phạm Lịch sử cũng là ngành có mức điểm trúng tuyển rất cao, với 29,75 điểm (thang điểm 30). Trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt gần 9,92 điểm mới trúng tuyển.

Ngành có mức điểm trúng tuyển thấp nhất là 15 điểm, chủ yếu là các ngành ngoài sư phạm.

Hiệu trưởng lý giải tại sao 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển ĐH Hồng Đức Ảnh 1
Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) 

Lý giải về mức điểm chuẩn "chạm nóc" của những ngành học nói trên, ông Bùi Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết các ngành đào tạo chất lượng cao năm nay tính theo thang điểm 40, với điểm môn chủ chốt của ngành đó nhân đôi.

Ví dụ, ngành sư phạm Ngữ văn chất lượng cao có điểm môn Văn được nhân đôi, ngành Lịch sử chất lượng cao thì điểm môn Sử được nhân đôi. 

Ngoài ra, theo Quy chế Tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, việc cộng điểm ưu tiên khuyến khích vẫn đang được áp dụng, với điểm ưu tiên khu vực và điểm ưu tiên của thí sinh không thay đổi.

"Theo danh sách điểm trúng tuyển của nhà trường chưa có thí sinh nào đạt 3 điểm 10, nhưng do có cả các điểm cộng ưu tiên nên có điểm 39,92" - ông Dũng thông tin.

Trước đó, từ năm 2018, Trường ĐH Hồng Đức đặt ra đề án đào tạo chất lượng cao ngành sư phạm theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và được Bộ GD&ĐT công nhận.

"Trong thời gian thực hiện vừa qua, kết quả đào tạo rất tốt, chứng minh bằng việc các sinh viên theo học đánh giá về chương trình. Từ đó, “tiếng thơm” lan truyền cho các thế hệ học sinh sau này, nên thu hút được nhiều thí sinh giỏi tham gia" - ông Dũng chia sẻ.

Hơn nữa, theo thầy Dũng, khi sinh viên tham gia các ngành đào tạo chất lượng cao của nhà trường thì được miễn phí tiền hỗ trợ ở ký túc xá, được ưu tiên xem xét trong tuyển dụng.

Đặc biệt, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có nghị định 116 về hỗ trợ chế độ sinh hoạt phí cho đào tạo giáo viên, một sinh viên đi học ngành sư phạm được cấp 3.630.000 nghìn đồng/tháng. Những yếu tố trên là nguồn gốc sâu xa dẫn đến việc nhiều thí sinh có điểm thi cao đăng ký xét tuyển vào ngành nên điểm chuẩn rất cao.

Hiệu trưởng lý giải tại sao 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển ĐH Hồng Đức Ảnh 2
Điểm cao "chạm nóc" 40 là rơi vào các ngành sư phạm chất lượng cao

Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường cho 31 ngành nghề là 2.490, trong đó các ngành sư phạm là 1.160 chỉ tiêu. Trong chỉ tiêu ngành sư phạm, mỗi ngành chất lượng cao có 20 chỉ tiêu (gồm sư phạm Ngữ văn, Lịch sử và Toán học).

“Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã tuyển đủ như mức điểm chuẩn đã công bố, với ngành Toán chất lượng cao là 20 thí sinh, Văn chất lượng cao 22 thí sinh và ngành Lịch sử chất lượng cao là 21 thí sinh” - ông Dũng cho biết.

Theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học, bên cạnh đó là mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).

Sinh viên sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội).

Với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Nghị định này chính thức có hiệu lực từ 15/11/2020 và bắt đầu áp dụng cho sinh viên khoá tuyển sinh năm 2021. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vietnamnet

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất