Ban tổ chức Miss Universe Vietnam 2022 đã quyết định chọn ra 7 thiết kế sẽ được dựng thành trang phục và trình diễn tại show "Trang phục dân tộc" diễn ra vào ngày 11/06 sắp tới.
Cùng nhìn ngắm 7 bộ trang phục cùng những thông điệp ý nghĩa đến từ các sinh viên Hoa Sen đã được BTC Miss Universe Vietnam lựa chọn:
Linh Sơn của bạn Tô Phương Thuỷ & Nguyễn Dương Hồng Ngọc
Tác phẩm được lấy cảm hứng từ Núi Bà Đen ở Tây Ninh- Ngọn núi cao nhất miền nam Việt Nam vì đây là nơi có vẻ đẹp thiên nhiên trù phú, các di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, các công trình đứng nhất tại Châu Á và nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới. Qua đó, quảng cáo du lịch Việt Nam, góp phần xây dựng kinh tế đất nước sau đại dịch Covid19.
Bộ trang phục “Linh Sơn” muốn khắc hoạ nên người phụ nữ Việt Nam hiện đại, không chỉ dừng lại ở những vẻ đẹp, tiềm năng vốn có mà còn hội nhập và phát triển, khẳng định bản thân mình với xã hội, vươn lên sánh ngang với châu lục và thế giới.
Nước Việt của Phạm Trọng Hiếu
Tác phẩm Nước Việt của Trọng Hiếu được lấy cảm hứng từ chính quê hương Việt Nam - một đất nước vững mạnh quốc thái dân an, với những câu chuyện nghìn năm sử sách vượt qua thử thách để gìn giữ giang sơn xã tắc.
Với chủ đề “Bản lĩnh Việt Nam”, “Nước Việt” là một thiết kế truyền tải được nét đẹp Việt Nam rực rỡ gấm hoa trong hình ảnh nữ hoạ sĩ tái hiện lại giang sơn hồn thiên sông núi, non nước thanh bình qua nét cọ vẽ của mình.
Ủn A Ủn Ỉn của Tô Hồng Minh Tiến và Nguyễn Bảo Hà
Hình ảnh những chú lợn mang màu sắc rực rỡ, tươi sáng đã từ lâu trở thành biểu tượng cho sự sung túc, phồn thực, hạnh phúc của mỗi gia đình Việt Nam. Với chức năng tiết kiệm tiền, mỗi chú heo còn đại diện cho vẻ đẹp cần kiệm của mỗi người phụ nữ Việt Nam. Mỗi chú heo đến với cuộc đời đều được nung trong lò đất, sơn phết tươi đẹp để đem bán ra thị trường, sau đó được đập ra để những mảnh vỡ hoà vào lòng đất.
Sứ mệnh của phụ nữ cũng vậy, họ cũng được tôi rèn qua thử thách của cuộc sống để tạo ra giá trị cho xã hội, cuối cùng tạo ra một cộng đồng bền vững, một xã hội phát triển.
Mẹ của Lâm Chí Cường
Thiết kế của Lâm Chí Cường lấy cảm hứng từ người mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ- người đã 9 lần nhận giấy báo tử con mất trong kháng chiến. Tác phẩm được làm ra để tri ân người mẹ Việt Nam anh hùng vì với Cường, vẻ đẹp cao quý đôi khi được xuất phát từ vẻ đẹp bên trong, từ đức tính hy sinh cao cả của người mẹ. Trang phục mang vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại, đan xen giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện tinh thần kế thừa, chắt lọc những tinh hoa của thể hệ đi trước.
Bên cạnh đó, thiết kế còn còn mang thông điệp của hoà bình: Hoà bình là giải pháp cho tất cả, hoà bình dẫn lối hoà bình. Hãy để những người phụ nữ sống trong hoà bình để họ xây phát triển nâng tầm bản thân, xây dựng đất nước.
Giao Thời của Nguyễn Công Tài
Giao thời – tức thời điểm chuyển giao giữa thời kỳ này sang thời kỳ khác, là lúc chuyển giao ngày và đêm, cũng là lúc cái mới cái cũ xen lẫn nhau và cũng là khoảng thời gian thay đổi diện mạo của người phụ nữ rõ ràng nhất.
Bộ trang phục thể hiện ý niệm rằng theo thời gian sẽ có những thứ thay đổi và phát triển nhưng có những phẩm chất, nét đẹp vẫn trường tồn và mãi mãi. Hình ảnh chim phượng hoàng hiện ra trong tà áo dài là linh hồn sống lớn nhất thể hiện sự cao quý, quyền lực, tự do, điều mà phụ nữ Việt Nam vẫn luôn hướng tới.
Ả Phù Dung của Nguyễn Phước Điền
Tái sinh là ý niệm được truyền tải qua hình tượng “ Ả Phù Dung”. Tái sinh là sức mạnh, là khát khao, là hy vọng, hy vọng một ngày nào đó đoá phù dung sẽ tái sinh mạnh mẽ và rực rỡ như phượng hoàng. Ả Phù Dung là hình tượng được hình ảnh hoá dựa trên đoạn thơ của Nguyễn Trọng Trì khắc hoạ về nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Với phong cách thiết kế mới của hiện đại dựa trên những yếu tố truyền thống. Ả phù dung góp phần tái sinh lại những văn hoá truyền thống đang dần mai một tại Việt Nam.
Vàng Son của Nguyễn Ngọc Như Thảo
Thông qua thiết kế của mình, Như Thảo mong muốn thiết kế của mình có thể tôn vinh cải lương- Văn hoá truyền thống phi vật thể của Việt Nam đang dần bị mai một ở thời hiện đại. Lấy tên Vàng Son, bạn muốn thông qua trang phục mang cải lương đến gần hơn với giới trẻ, để gợi nhắc về một thời vàng son của cải lương.
Với Như Thảo, cải lương có ý nghĩa rất lớn lao khi là diễn đàn văn hoá nghệ thuật mang ý nghĩa giải phóng thân phận người phụ nữ Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ XX. Cải lương dù ở quá khứ hay truyền thống luôn đề cao tính nhân văn ở mỗi con người và qua đó thể hiện khát khao được bình đẳng, được vươn lên, thoát khỏi những trói buộc định kiến của xã hội để chọn lựa cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam.
Mời quý vị và các bạn đón xem bản tin Saonews của SAOstar: