Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Gian lận thi ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La: Sao không cán bộ nào từ chức?

Theo Tiền Phong Theo dõi Saostar trên google news

“Vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, thế mà không thấy cán bộ nào xấu hổ, chủ động xin từ chức là điều đáng buồn”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trao đổi với Tiền Phong.

Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đọc lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hoài, cựu trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang. Ảnh: PV​

Thượng bất chính, hạ tắc loạn

Kết quả kiểm tra, xử lý đối với cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 mà Hà Giang công bố mới đây cho thấy, phần lớn những người bị kỷ luật hoặc bị yêu cầu kiểm điểm đang nắm giữ các chức vụ chủ chốt quan trọng của tỉnh. Ông có bình luận gì về thực trạng này?

Đây là vấn đề vô cùng lo ngại, đáng buồn và đau xót. Như cổ nhân đã dạy “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, cán bộ, đảng viên, những người có liêm sỉ nếu thương con, nếu có trách nhiệm đối với thế hệ trẻ thì đã không tìm cách để tác động nâng điểm cho con. Vì thế, việc xử lý đòi hỏi phải nghiêm túc, có tính giáo dục, răn đe cao, “rút kinh nghiệm” chung chung tác dụng rất hạn chế.

Một vụ việc hết sức nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, song khi xử lý, đa phần những người giữ chức vụ cao chỉ “nghiêm túc rút kinh nghiệm” liệu có bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, khi mà Đảng luôn nhấn mạnh yêu cầu “chức vụ càng cao thì càng phải xử lý nghiêm”. Theo ông các cơ quan Trung ương có nên xem xét mức xử lý mà địa phương đưa ra?

Để bảo đảm kỷ luật Đảng được nghiêm minh, tránh việc bao che, hoặc xử lý theo kiểu “nhẹ trên, nặng dưới”, các cơ quan trung ương nên xem xét việc này. Thực tế, hiện nay, nhiều nơi khi xử lý cán bộ vi phạm vẫn còn tâm lý né tránh, xử không nghiêm. Vì thế, trung ương đã có quy định cho phép cơ quan kiểm tra cấp trên được quyền xem xét kỷ luật đến cấp huyện, được quyền rút hồ sơ ở cấp dưới lên để xem xét. Trong vụ việc vi phạm gian lận thi cử nghiêm trọng này, những nơi kỷ luật mà không đến nơi, đến chốn, cấp trên phải xem xét, có mức xử lý nghiêm khắc.

Nghị quyết Trung ương 4 đã từng cảnh báo về “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên suy thoái, tiêu cực. Trong vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở Hà Giang dường như có một “tập thể không nhỏ” biểu hiện qua danh sách dài dằng dặc những quan chức trong tỉnh liên quan sai phạm. Ông nghĩ sao?

Điều này cho thấy sự buông lỏng, sự thiếu gương mẫu của người đứng đầu. Bí thư tỉnh ủy mà cũng để cho vợ em gái dính dáng đến việc nâng điểm cho con thì nói gì đến người khác. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Dư luận có thắc mắc về trách nhiệm của ông bí thư cũng là đúng, vì buông lỏng, thiếu gương mẫu dẫn đến vi phạm xảy ra trên địa bàn quá lớn, có quá nhiều người có chức quyền trong tỉnh liên quan.

Đây là vụ việc quá xót xa. Những cán bộ, đảng viên dính đến việc này đã không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước. Đã là đảng viên thì phải thực hiện nghiêm các quy định trong điều lệ Đảng. Điều lệ đảng quy định về trách nhiệm nêu gương nghiêm cấm: Không được để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Thế mà những người này vẫn cố tình vi phạm.

Không có cán bộ nào từ chức

Trước đây, cá nhân khi có vi phạm thường tìm cách lẩn tránh vào tập thể để thoái thác trách nhiệm, còn trong vụ việc Hà Giang, các phụ huynh là quan chức lại lẩn tránh trách nhiệm vào những người thân để “trốn”bị kỷ luật nặng. Dư luận cho rằng, nếu phụ huynh (bố, mẹ) không đồng ý thì không người ngoài, thậm chí người thân nào dám “gắp điểm bỏ tay người”?

Không ai hiểu và nắm rõ việc học tập của con cái hơn bố mẹ. Cũng không một người nào lại tự dưng “gắp điểm” bỏ vào tay con cái quan chức, nếu không nhận được sự đồng ý của những người đó. Do đó, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ những nghi vấn mà dư luận đặt ra, bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa các vi phạm có thể tái diễn.

Từ lâu Đảng có quy định “những người không còn đủ uy tín thì nên chủ động từ chức”. Vì sao trong vụ việc này không có cán bộ nào đứng ra nhận lỗi, nhận trách nhiệm và chủ động xin từ chức?

Các quy định của Đảng về từ chức hiện nay tương đối đầy đủ. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 về công tác cán bộ nhấn mạnh đến việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; Nghị quyết trung ương 4 khóa XII quy định rất rõ “kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu”. Đặc biệt, Quy định về trách nhiệm nêu gương nêu rõ: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Vậy mà hơn 1 năm kể từ khi vụ việc gian lận thi cử xảy ra, đến nay chưa thấy có một cán bộ nào đứng ra nhận trách nhiệm và “tự xử”. Đây là điều rất đáng buồn. Nhiều người vi phạm nhưng lại không thấy xấu hổ. Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đã gửi đơn xin từ chức vì “không thực hiện được lời hứa trước nhân dân” về lập lại trật tự vỉa hè.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, song trong vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của Đảng, giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ. Những trường hợp này, nói thẳng ra là không còn đủ uy tín trước nhân dân thì nên chủ động từ chức.

Chưa đầy 1 năm nữa các địa phương sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp. Theo ông, những cán bộ “dính” gian lận thi cử có còn xứng đáng nằm trong phương án nhân sự nhiệm kỳ tới không?

Các quy định của Đảng về công tác cán bộ đã nêu rõ, lựa chọn cán bộ tham gia vào cấp ủy phải là những người ưu tú, không dính dáng đến những biểu hiện vun vén đến lợi ích cá nhân. Đặc biệt tại Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng quy định, nhân sự phải là những người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch; kiên quyết sàng lọc không để những người bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ lọt vào cấp ủy. Như vậy, những người đã tìm cách tác động, can thiệp để con cái được nâng điểm ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, theo tôi không còn xứng đáng để giữ các chức vụ trong bộ máy.

Xin cảm ơn ông!

Không ai hiểu và nắm rõ việc học tập của con cái hơn bố mẹ. Cũng không một người nào lại tự dưng “gắp điểm” bỏ vào tay con cái quan chức, nếu không nhận được sự đồng ý của những người đó. Do đó, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ những nghi vấn mà dư luận đặt ra, bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa các vi phạm có thể tái diễn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Tiền Phong

Được quan tâm

Tin mới nhất