Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Gian lận điểm thi chấn động ở Hà Giang: Nhiều thí sinh 'bay' khỏi top điểm cao 'rớt thẳng' tốt nghiệp cùng những tình tiết bất ngờ ít người để ý

Phương Phạm (tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Sau khi chấm thẩm định, nhiều thí sinh bất ngờ "bay" khỏi top điểm cao nhất cả nước trong khi đó, ở một số môn, đã có thi sinh bị công bố thấp điểm hơn bài thi thực có. Những tình tiết rối rắm này khiến nhiều người bất ngờ khi tìm hiểu kỹ về vụ gian lận điểm thi tại tỉnh Hà Giang.

Suốt 1 tuần qua từ khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia (ngày 11/7), bất thường điểm thi ở Hà Giang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Ngoài những tình tiết nhiều người đã biết, vụ gian lận điểm thi chấn động này còn có nhiều chi tiết bất ngờ mà có lẽ không phải ai cũng để ý.

Điểm chấm thẩm định cao hơn gần 6 điểm so với mức đã công bố

Chiều 17/7, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đã có tất cả 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh cao hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - ông Trần Đức Quý (ảnh: Kiên Trung/ Dân trí).

Tuy nhiên, dư luận hầu hết chỉ chú ý vào những bài thi được nâng điểm mà bỏ qua tình tiết một số bài thi hậu chấm thẩm định đã có số điểm cao hơn. Cụ thể, thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1,0 điểm. Đặc biệt, 3 bài thi môn GDCD có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.

Đây là tình tiết khá bất ngờ và khiến nhiều người khó hiểu khi vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang lại có cả chuyện thí sinh bị đánh thụt điểm thi so với năng lực thực có.

“Rơi” thẳng từ top thủ khoa xuống mức trượt tốt nghiệp

Sau khi công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang trở thành tỉnh có nhiều nhất số lượng học sinh nằm trong top điểm thi cao nhất cả nước. Đáng chú ý, địa phương này có 3 học sinh lọt top 11 thí sinh có điểm số cao nhất kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến 3 thí sinh này vì điểm thi thử trong 2 lần trước đó của các thí sinh đều rất thấp. Cụ thể, 3 thí sinh có tổng điểm thuộc top cao nhất cả nước là: T.T, H.L và V.A.

Điểm thi thử và thi thật của top 3 thí sinh có điểm thi cao nhất tại Hà Giang có sự chênh lệch rõ rệt.

Được biết, T.T. có số điểm khá cao ở các môn: Toán 9,6; Vật lý 9,5; Hóa học 9,5; Sinh học 9,75. H.L. có điểm Toán 9,8; Ngữ Văn 8,5; Tiếng Anh 9,8. V.A đạt Toán 9,6; Ngữ văn 9,75; Ngoại ngữ 9,6.

Mặc dù điểm thi thật rất cao nhưng các thí sinh này hầu hết đều có kết quả thi thử bết bát. Cụ thể, T.T. có điểm thi thử Toán: 7,4; Hóa và Sinh 5 điểm. Kỳ thi thử thứ hai ngày 5/5, học sinh này đạt điểm Toán: 5,8; Sinh học: 6,75.

H.L. có điểm thi thử lần đầu: Toán: 4,4; Ngữ văn: 5,25; Tiếng Anh: 7,2. Ở lần thứ hai, H.L đạt điểm Toán: 5,4; Ngữ văn: 4,75; Tiếng Anh: 5,6.

Trong bảng điểm thi thử lần thứ nhất của trường THPT chuyên Hà Giang, V.A. đạt điểm Toán 4,6; Vật lý: 2,5; Hóa học: 2,25. Ở lần thi thử thứ hai, học sinh này đạt Toán: 5,4, các môn khác không có điểm.

Thí sinh T.T. (SBD: 5000…) có số điểm đứng thứ 4 trong top 11 học sinh có điểm cao nhất nước bị giảm điểm sau khi chấm thẩm định.

Trả lời về những nghi vấn bất thường này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Giang cho biết, 2 bạn T.T. và H.L. đều có bố mẹ làm công việc bình thường, không thuộc gia đình quyền quý hay con ông cháu cha như dư luận nghi ngờ “dùng tiền/ quyền để mua điểm”.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo trường THPT chuyên Hà Giang cũng khẳng định, điểm thi thử không liên quan đến thi thật. Cả T.T và H.L đều là những học sinh giỏi “có tiếng” tại trường. T.T còn tham gia đội tuyển Sinh học do chính Phó Hiệu trưởng này phụ trách giảng dạy. T.T từng giành thành tích giải Nhì học sinh giỏi môn Sinh cấp tỉnh, được chọn tham gia thi tuyển đội Quốc gia.

Lời khẳng định này khiến dư luận phần nào bớt xôn xao. Tuy nhiên, bất ngờ là vào ngày hôm qua (17/7), khi Bộ GD&ĐT công bố điểm chấm thẩm định thì cả 3 thí sinh thuộc top cao nhất cả nước ở Hà Giang đều bị giảm từ 8 đến hơn 20 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc các thí sinh này đồng loạt “biến mất” khỏi top điểm thi cao nhất cả nước.

Thí sinh H.H.L. (SBD: 5000…) đã bị giảm điểm tiếng Anh từ 9,8 xuống 6,4.

Cụ thể, thí sinh T.T. (SBD: 5000…) sau khi chấm thẩm định hạ xuống còn: Toán 6,2, Vật lý 4,75 và Hóa học 6,75. Thí sinh H.L. (SBD: 5000…) sau khi chấm thẩm định môn Văn giữ nguyên, Toán còn 5,6, tiếng Anh 6,4.

Đáng chú ý nhất là thí sính V.A, sau khi chấm thẩm tra, điểm Toán của V.A. là 7,4; Vật lý 8; Ngoại ngữ 3,2.

Thí sinh thứ ba trong danh sách những người điểm cao toàn quốc là V.A.

Bên cạnh ba thí sinh ở Hà Giang thuộc nhóm có điểm thi cao nhất nước bị giảm điểm thì có thí sinh trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm tra.

Cụ thể bảng điểm của thí sinh SBD 05001 trước đó là Toán 9; Vật lý 9,5; Hóa học 9 nhưng sau khi tiến hành chấm thẩm tra, kết quả môn Toán của thí sinh này chỉ đạt 1 điểm; Vật lý 2,75; Hóa học 3.

Kết quả chấm thẩm tra bết bát này khiến nhiều người bàng hoàng. Bởi cùng với việc “bay” khỏi top thủ khoa, thí sinh thậm chí còn rớt thẳng tốt nghiệp vì bị điểm liệt môn Toán (môn mà trước đó thí sinh đạt tới 9 điểm).

Quy trình 6s để sửa một bài thi - Liệu chỉ 1 người có thể làm nổi?

Theo nhận định, chỉ trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ (từ 12h đến 14h38p ngày 27/6), ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang đã chuyển toàn bộ 4 hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng Khảo thí và tiến hành mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi, sửa đáp án.

Phát hiện trong khoảng thời gian chấm thi, điện thoại của ông Lương có nhiều tin nhắn đến. Theo đó, ông Lương đã lưu các số báo danh từ các tin nhắn này vào trong máy tính và quét bài thi, xử lý sang file text để nâng điểm.

Theo điểm thi THPT quốc gia 2018 do Bộ GD-ĐT công bố hôm 11.7, cả nước có 24 thí sinh khối A1 đạt từ 28 điểm/3 môn trở lên, riêng Hà Giang có 16 người. Tuy nhiên, hôm qua (17.6), Bộ GD-ĐT đã cập nhật điểm thực của các thí sinh. Ảnh: Thanh niên.

Trên thực tế, cơ quan điều tra với gần 10 người phải làm việc từ 8 giờ tối cho đến 1 giờ sáng mới có thể rút hết các bài thi ra, đối sánh và xác định có sửa trên bản gốc hay không. Vậy thì với con số bài thi lên tới hơn 330 bài, phải mất khá nhiều thời gian để thực hiện tất cả các thao tác. Vậy liệu chỉ một cá nhân có thể xử lý hàng loạt bài thi chỉ trong khoảng thời gian hạn hẹp?

Trả lời về vấn đề sửa điểm thi ở Hà Giang có phải do một số đối tượng cấu kết “bỏ tiền mua điểm”, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, có việc đó hay không phải chờ cơ quan pháp luật vào cuộc. Ngoài ra, ông Quý khẳng định: “Xác định động cơ của đối tượng vi phạm, tôi nghĩ đó là động cơ không trong sáng. Còn việc khẳng định có “mua điểm” hay không thì phải chờ cơ quan pháp luật vào cuộc”.

Liên quan nghi vấn các thí sinh được sửa điểm là “con ông cháu cha”, trả lời trước báo giới, Phó Chủ tịch UBND Hà Giang cho rằng: “Đương nhiên trong một kỳ thi, có nhiều đối tượng thi, người nhà có, người thân quen có. Tuy nhiên, tôi nghĩ không có người nhà nào lại làm những việc như chỉ đạo phải đưa con tôi vào trường ĐH nào cả”.

Cũng theo ông Quý, hiện các cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm việc. “Sai ở mức độ nào, sai ở đâu và bao gồm những ai thì tôi sẽ trả lời sau vì cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm việc. Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi xác định phải xử lý vụ việc một cách nghiêm túc, vào ai, vi phạm vào điều nào, khoản nào thì phải xử lý theo đúng quy định. Nếu đúng phải khởi tố thì sẽ khởi tố, đuổi việc hay cảnh cáo… đều phải làm đúng quy định, đúng người, đúng việc”, dẫn theo báo Dân trí.

Liệu có còn tỉnh thành nào gian lận?

Được biết, Hà Giang chỉ vừa thực hiện tổ chức thi 3 năm trở lại đây nên không tránh khỏi những điểm thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt ra nghi vấn liệu có một hay nhiều “Hà Giang” nữa trong kỳ thi này. Cũng trong thời điểm này, nhiều nghi vấn bắt đầu rộ lên về phổ điểm cao bất thường ở tỉnh Sơn La khiến không ít người hoài nghi.

Ông T.Đ, Trưởng phòng đào tạo một ĐH phía Nam chia sẻ quan điểm: “Không có gì là không thể. Hiện tại Bộ đã có sẵn công cụ là dữ liệu thi và công nghệ thông tin, nên ở đâu có dấu hiệu bất thường thì chắc chắn sẽ có quyền nghi vấn. Có thể xác định nghi vẫn ở những nơi khác và rà soát hết”.

Phổ điểm thi THPT quốc gia ở Sơn La cũng có nhiều bất thường. Đối với môn Toán, kết quả thi ở Sơn La có vẻ có số thí sinh điểm 9.0 đến 9.8 cao bất thường. Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng. Ảnh: Dân trí.

Việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia tại các địa phương do Sở GDĐT chủ trì, phối hợp tổ chức với phần lớn các môn thi/bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trong mỗi phòng thi mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng; bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình chặt chẽ là giải pháp tốt để đảm bảo độ tin cậy, tính khách quan của kết quả thi. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, tính nghiêm túc, trung thực, độ tin cậy của kết quả thi chỉ đạt được nếu trong mỗi khâu của quá trình tổ chức thi mỗi cá nhân phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) khẳng định.

Hiện nay, cơ quan điều tra khẳng định đang tiếp tục vào cuộc điều tra làm rõ vấn đề điểm thi ở Hà Giang.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Phạm (tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Những xu hướng làm đẹp thịnh hành trong năm 2024
Đánh thức giác quan, thăng hoa cảm xúc cùng hành trình mùi hương độc bản đến từ HARNN