Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang: Đừng đặt kỳ vọng quá nhiều vào du học sinh

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Khi du học sinh quay trở về Việt Nam, càng những bạn học giỏi, học những trường danh giá, làm những công ty nổi tiếng thì kì vọng trên vai càng nặng. Gia đình, bạn bè trông đợi rất nhiều vào thành công của bạn.

Thông tin cựu du học sinh Christy Le (tên thật là Lê Diệp Kiều Trang) sẽ đảm nhiệm vị trí giám đốc Facebook Việt Nam đang gây ra một làn sóng trong cộng đồng mạng nói chung cũng như cộng đồng du học sinh Việt nói riêng. Từ trước đến nay người ta vẫn thường bảo du học sinh đi học xong sẽ ở lại xứ người, không về nước cống hiến nhưng nhìn những nhân vật như Kiều Trang, chúng ta có thể tự tin nói rằng: Du học sinh Việt về nước còn làm được nhiều điều cho quê hương hơn thế nữa.

Sở hữu thành tích học tập đáng nể, Kiều Trang đại diện cho một lớp du học sinh Việt từng ngày miệt mài cống hiến, phấn đấu nỗ lực vì hiểu rằng bản thân mình là những người đại diện cho cả Việt Nam, đại diện cho tri thức, sức trẻ Việt ở nước ngoài. Năm 1998, Kiều Trang nhận học bổng học dự bị đại học 2 năm tại Anh, năm 2000 giành học bổng Đại học Oxford. Năm 2008, cô tiếp tục theo học chương trình MBA Sloan của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ. Năm 2011, Kiều Trang tốt nghiệp thủ khoa ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh ở MIT và đầu quân cho Tập đoàn Tài chính Mc Kinsey, văn phòng tại Boston với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính.

Đừng kỳ vọng quá nhiều vào du học sinh, họ sẽ tự biết cách làm gì để cống hiến cho quê hương

Kiều Trang từng chia sẻ với du học sinh Việt rằng: “Dù thế nào hãy là chính mình. Khi du học sinh quay trở về Việt Nam, càng những bạn học giỏi, học những trường danh giá, làm những công ty nổi tiếng thì kì vọng trên vai càng nặng. Gia đình, bạn bè trông đợi rất nhiều vào thành công của bạn.

Tất nhiên, những kì vọng ấy đáng quý nhưng đôi khi nhiều kì vọng chỉ phù phiếm và chưa chắc là điều mình mong muốn trong đời. Kì vọng nhiều khi khiến bạn làm chệch hướng con đường thực sự và hạnh phúc lâu dài bằng một công việc lâu dài mà các bạn yêu thích.”

Công việc một ngày làm 15 tiếng không có gì quá đáng vì sau này mình còn làm nhiều việc hơn như thế nữa. Điều hoang mang nhất là khi làm việc không được làm công việc mà mình mong muốn. Môi trường làm việc khốc liệt, đồng nghiệp không thân thiện và tạo cho mình cảm giác được gắn bó. Trong việc học, được 10 điểm là hoàn thành nghĩa vụ nhưng trong công việc, chúng ta phải chấp nhận có nhiều việc mình không thể làm tốt được.

Các bạn thất bại ở một lĩnh vực nào đó, hãy nghĩ rằng đây không phải là cái ghế dành cho mình. Hãy mạnh dạn xin nghỉ và tìm ra cánh cửa khác. Công việc bên ngoài những gì chúng ta học ở đại học không phải là một đường thẳng tịnh tiến mà là một phương trình vô số nghiệm. Chính mình phải tìm ra lời giải đáp cho chính mình. Khi đi làm, bài toán tối đa hóa không phải là hay, mà bài toán tối ưu hóa mới thực sự làm mình hạnh phúc. Công việc mang lại cho các bạn niềm tự hào cho bố mẹ là tốt, lương cao là tốt, công việc các bạn yêu thích là tốt nhưng nó không phải là con đường lâu dài, vì các bạn không biết đi đến đâu.

Kỳ vọng của gia đình, bạn bè là một trong những nỗi sợ kinh khủng nhất của du học sinh.Họ chỉ đơn thuần hiểu rằng du học sinh đi học ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, ở những trường chất lượng hàng đầu thế giới thì khi về nước cũng phải làm những thứ to lớn như thế. Vô tình chúng ta tự đặt lên vai du học sinh một hòn đá nặng khiến họ đánh mất đi mong muốn, đam mê thực sự của bản thân. Làm hài lòng gia đình bằng cách lao vào kiếm tiền với công việc tại một công ty hàng đầu để rồi sau những tháng ngày đấy, bạn nhận ra bao ước mơ, bao hoài bão và vô số lời hứa với chính mình khi còn học ở nước ngoài nay tan biến hết rồi. Bạn sẽ chẳng còn đủ can đảm để bắt đầu lại nữa và vòng quay cơm áo gạo tiền cứ thế đẩy bạn đi xa.

Kỳ vọng là một thứ gì đó vô hình nhưng hậu quả mà nó để lại là những thứ có thể thấy và cảm nhận được. Đặt kỳ vọng quá lớn vào du học sinh khiến họ dễ cảm thấy bản thân mình thất bại vì không biết làm cách nào để làm hài lòng những người xung quanh. Tại Nhật Bản có một hiện tượng mang tên Hikikomori - hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ và từ chối tham gia vào đời sống xã hội và gia đình trong thời gian dài hơn sáu tháng. Nguyên nhân lớn nhất của nó bắt nguồn từ sức ép và sự ganh đua khốc liệt trong môi trường giáo dục mà xã hội đang tạo nên. Sự kỳ vọng hoàn thành “giấc mơ Nhật Bản”, giành được biên chế suốt đời tại các tập đoàn danh tiếng từ phía gia đình khiến cho nhiều người buộc phải chọn cách biến mất khỏi xã hội một thời gian để tránh áp lực.

Du học sinh Việt cũng có những hiện tượng không được đặt tên nhưng cùng tình trạng như vậy. Hãy để họ tự mình vùng vẫy trong những khát khao, đam mê tuổi trẻ thực sự của họ. Dành cả tuổi trẻ đi du học để rồi về nước chôn vùi trong guồng quay cơm áo gạo tiền không phải là điều mà du học sinh mong muốn. Họ sẽ tự biết cách làm thế nào để cống hiến cho quê hương, cho đất nước. Họ sẽ tự biết cách làm thế nào để gia đình, bạn bè không thất vọng. Bởi vì họ là những du học sinh! Họ hiểu giá trị và ý nghĩa lớn lao của ba từ ấy. Họ đã dũng cảm ra đi một lần, bắt đầu cuộc sống ở một nơi xa lạ không người thân, bạn bè, vậy nên hãy để cho họ được can đảm thêm một lần nữa vào ngày mà họ về nước.

Du học sinh về nước nên khởi nghiệp vì đó là sự thể hiện cao độ nhất cho niềm tin và ước mơ

Khi được nhiều bạn đặt câu hỏi, du học sinh về nước có nên khởi nghiệp không? Kiều Trang cho biết: “Khởi nghiệp không phải con đường duy nhất, khởi nghiệp cũng không phải là con đường dễ dàng nhất để tiến tới thành công. Tuy nhiên, các bạn hãy khởi nghiệp vì đó là sự thể hiện cao độ nhất cho niềm tin và ước mơ của mình. Nếu bạn có ước mơ như vậy thì hãy khởi nghiệp và cảm thấy hạnh phúc vì lựa chọn của mình.”

Con người đủ điên khi nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới, vậy hãy thử thay đổi thế giới một lần xem. Làm startup đôi khi cũng hào nhoáng, nhu cầu vật chất mạnh, ai cũng muốn chứng tỏ mình thành công. Mà muốn thành công thì nhiều người chọn khoác chiếc áo vật chất để tự tin hơn. Vì vậy, vô tình, áp lực đẩy các bạn ra xa thành công hơn là kéo gần hơn tới thành công.

Muốn vượt qua áp lực thì nên làm ngược lại. Hãy sống một cuộc sống vật chất đơn giản nhất, sống tiết kiệm nhất để có nhiều tự do nhất, để có thể đi theo ước mơ của mình, không phải lệ thuộc vào việc mình phải kiếm nhiều tiền, không phải chứng tỏ điều gì đó to lớn. Chính lúc đó, mình sẽ dành hết nhiệt huyết, dành hết năng lượng và may ra mình sẽ thành công.
Nếu không dám thử những thứ bạn chưa từng làm, bạn sẽ không biết bản thân mình có thể làm được những gì. Hãy đừng giới hạn mình, mai này khi lớn lên, sẽ rất ít khi chúng ta hối tiếc vì đã thử nghiệm một điều gì đó mà chúng ta sẽ hối tiếc vì chưa thử nghiệm một điều gì đó trong đời. Những con người ở lứa tuổi 20 sẽ không bao giờ thất bại, vì thất bại chính là bài học nâng mình đi xa hơn, dài hơn.

Tại sao không dám thử nghiệm, không dám khởi nghiệp, bước ra khỏi thế giới quen thuộc, thoát ra khỏi con người quen thuộc mà chúng ta tự định sẵn cho mình trước đây.

Du học sinh ra đi, một mình bươn chải ở xứ người nhiều năm trời rồi quay trở về Việt Nam ấy là một điều vô cùng đáng quý. Có thể thành công của họ sẽ không thể đến nhanh, có thể họ sẽ bắt đầu giấc mơ của mình từ những thứ nhỏ nhất, có thể họ sẽ chấp nhận đi làm thuê với mức lương không được cao, có thể họ phải làm việc dưới quyền của một ngưởi chỉ tốt nghiệp ở Việt Nam… Nhưng làm ơn đừng đặt áp lực lên vai họ quá nhiều. Họ hiểu và họ biết cần đi đâu, cần làm gì để áp dụng tất cả những điều họ học được ở nước ngoài vào con đường chinh phục thành công.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc