Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Giải thể, sáp nhập nhiều trường đại học kém chất lượng

Thời gian tới sẽ có đề án về sáp nhập, hợp nhất, giải thể một số cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động kém hiệu quả.

Đó là một trong những nội dung của đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia: “Cơ sở khoa học của quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” do PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn

Nhiều lựa chọn trước khi giải thể trường

Thưa PGS, đề tài nghiên cứu “Cơ sở khoa học của quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” đã được ông và nhóm nghiên cứu thực hiện như thế nào?

Chúng tôi đã thu thập những dữ liệu quan trọng về nhiều mặt hoạt động của hơn 217/235 trường, kể cả tư thục, từ đó có thể đưa ra nhiều nhận định về bức tranh chung về giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.

Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học đã có những nỗ lực đổi mới mạnh mẽ và đạt được những bước tiến tích cực trong thời gian qua, đặc biệt có một số cơ sở có bứt phá trong các xếp hạng quốc tế.

Trong khi đó khá nhiều trường thiếu thốn cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, các chỉ số đo lường cho thấy chất lượng và hiệu quả hoạt động kém.

Số lượng trường ở Việt Nam có thể nói là chưa lớn so với số dân, nhưng trong đó khá nhiều trường có quy mô nhỏ (dưới 5 nghìn sinh viên) hoặc rất nhỏ (dưới 2 nghìn sinh viên) hoạt động không hiệu quả.

Đây là hệ quả của giai đoạn số lượng trường tăng nhanh trong khi nguồn lực (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên) không tăng kịp. Nhiều trường ở vào thế “bất lợi” do chỉ đào tạo đơn lĩnh vực, không có được sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành để phát triển bền vững như ở các trường đa lĩnh vực.

Cũng dựa trên những dữ liệu thu thập được, nghiên cứu đã đề xuất bộ tiêu chí phân loại, đánh giá chất lượng, hiệu quả các trường từ các góc độ: Điều kiện đảm bảo chất lượng (bao gồm cơ sở vật chất, tài chính và con người); Chất lượng, hiệu quả đào tạo; Nghiên cứu; Hợp tác kết nối cộng đồng (bao gồm đóng góp cho xã hội, hợp tác quốc tế ); Năng lực quản trị. Theo đó, các trường được phân thành 4 mức: Không đạt; đạt tối thiểu; đạt khá; đạt cao.

Nghiên cứu đề xuất, các trường không đạt chuẩn tối thiểu sẽ cùng cơ quan chủ quản xây dựng đề án và chọn phương án sắp xếp, tái cấu trúc và cải thiện hoạt động, chứ không phải hễ không đạt thì sáp nhập hay giải thể ngay.

Họ có thể lựa chọn đưa ra các cam kết cùng mục tiêu, giải pháp cụ thể trong đề án của mình, chẳng hạn, bằng cách nào cải thiện được các chỉ số về chất lượng, hiệu quả trong 2-3 năm nữa.

Ngoài ra, các trường cũng có thể đề xuất sáp nhập với một cơ sở mạnh hơn để được hỗ trợ về đội ngũ giảng viên, tài chính, năng lực quản trị và cả thương hiệu, trên cơ sở hai bên cùng có lợi; hoặc một - hai hay nhiều trường hợp nhất thành một trường mới mạnh hơn, lớn hơn, cũng trên cơ sở tận dụng thế mạnh của nhau để khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực.

Cuối cùng, các trường có thể lựa chọn phương án giải thể hoặc chuyển đổi thành một cơ sở giáo dục khác, dạy nghề hoặc giáo dục thường xuyên…

Không thể áp đặt cứng nhắc từ trên xuống

Việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống giáo dục đại học không phải bây giờ mới được đặt ra, song vẫn được coi là vấn đề “nhạy cảm”, thậm chí khó thực hiện. Ông và nhóm nghiên cứu có “lo lắng sẽ tạo sóng dư luận” khi công bố đề tài này?

Cần nhấn mạnh lại, việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quy hoạch nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống, không phải mục đích là giảm về số lượng.

Khi thực hiện đề tài nghiên cứu, tôi đã trao đổi với nhiều cơ sở giáo dục đại học thì các trường đều đồng thuận hướng đi như vậy. Bản thân các trường, kể cả trường không mạnh cũng nhận thức rõ và coi sắp xếp, hợp nhất, giải thể là quá trình tất yếu.

Thậm chí một số trường đã đi trước, đã hình thành nhóm trường, có liên minh bước đầu. Trong hệ thống năng động này, đặc biệt khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành, các trường không khoanh tay chờ, không ngồi yên. Họ chỉ mong chờ nhà nước có chính sách để có thể thực hiện điều đó thuận lợi hơn, tốt hơn.

Chính sách nhà nước bên cạnh tạo cơ sở pháp lý cho các trường thực hiện, nên cho họ phương án để lựa chọn. Ví dụ, trường đang hoạt động kém hiệu quả có thể có thời gian 3 năm để cải tiến chất lượng chẳng hạn, hoặc lựa chọn hợp nhất, liên kết với một trường nào đó…

Nhà trường phải xây dựng đề án và đề án đó được Chính phủ thẩm định, phù hợp với đề án chung. Chỉ khi không thể có phương án nào tốt hơn mới tính đến việc giải thể - đây là giải pháp cuối cùng.

Các trường cũng mong chờ hỗ trợ về tài chính, vì quá trình tái cấu trúc là quá trình rất cần sự hỗ trợ về tài chính để sắp xếp lại đội ngũ, cơ sở vật chất.

Chúng tôi nghiên cứu kinh nghiệm Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ, Bắc Âu, Nam Phi để cho thấy, việc sắp xếp thường không thành công khi tiến hành theo cách áp đặt cứng nhắc từ trên xuống.

Bởi vậy, nghiên cứu muốn giới thiệu những phương pháp sắp xếp mang tính dân chủ, tự nguyện, đồng thuận tương đối giữa trên và dưới, để các trường phát huy sự chủ động xây dựng đề án, để chính những con người ở cơ sở giáo dục đó có cơ hội phát triển tốt hơn.

Cần một chủ trương quyết liệt

Liệu rằng, kết quả đề tài nghiên cứu có đóng góp được nhiều cho xây dựng chính sách như mong muốn, thưa ông?

Các nhà khoa học luôn mong muốn đề tài của mình được ứng dụng càng nhiều càng tốt. Nhưng điều này phụ thuộc trước hết vào chất lượng kết quả nghiên cứu; sau đó là khả năng thuyết phục, cách viết báo cáo ra sao, nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu thế nào, cách truyền đạt thông tin kết quả nghiên cứu để thuyết phục các nhà làm chính sách và tạo sự đồng thuận của xã hội.

Thời gian tới sẽ có đề án về sáp nhập, hợp nhất, giải thể một số cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động kém hiệu quả. Hy vọng quá trình đóng góp luận cứ của nhóm nghiên cứu, cách tiếp cận, phương án thực hiện với tiêu chuẩn tiêu chí sẽ tạo đồng thuận trong xã hội.

Tôi muốn nói thêm, việc sắp xếp lại không giải quyết tất cả các bất cập của nền giáo dục đại học nhưng góp giải pháp về mặt cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động của từng trường và của toàn hệ thống, hiệu quả đầu tư của Nhà nước và của xã hội.

Thông qua sắp xếp lại, Nhà nước sẽ thấy rõ hơn nên đầu tư vào đâu, các trường cũng xác định được hướng phấn đấu nếu muốn nhận hỗ trợ từ ngân sách và thu hút người học, thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội.

Để một đề tài nghiên cứu khoa học thành công và đóng góp vào thực tiễn, theo ông cần những yếu tố gì?

Thành công trước hết phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo cao nhất, vì việc này liên quan đến rất nhiều cơ quan, bộ ngành. Cùng với đó là ý chí của người đứng đầu nhà trường. Trên thực tế, có nhiều hiệu trưởng rất tâm huyết, muốn đổi mới nhưng cũng có những người không muốn điều này. Do vậy, rất cần một chủ trương quyết liệt từ bên trên.

Ngoài ra, việc tạo đồng thuận trong xã hội cũng vô cùng quan trọng. Muốn làm được điều này, các bên liên quan phải có phương án, lộ trình phù hợp.

Cho đến nay, nghiên cứu của chúng tôi cơ bản đã hoàn thành, đang trong giai đoạn chỉnh sửa, chỉ còn phần nghiên cứu tác động của các kịch bản, đặc biệt là kịch bản giải thể tác động đến địa phương, cán bộ, sinh viên như thế nào.

Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp các trường đại học công hoạt động không hiệu quả vào quý 3 năm nay để bắt đầu triển khai từ năm 2020-2021.

Giữa nghiên cứu và chính sách muốn “gần nhau”, đầu tiên phải “xa nhau”, phải độc lập. Phía đặt bài không nên can thiệp, không áp đặt tư duy của nhà quản lý.

Bên nghiên cứu phải độc lập. Tư duy độc lập nhưng không được tạo ra “ốc đảo” mà cần trao đổi, sử dụng, kế thừa kết quả của nhau. Các nhà nghiên cứu sẽ có được nhiều thông tin hơn về chính sách của nhà nước, nắm được tình hình thực tiễn, các điểm nghẽn, từ đó nghiên cứu không phải trên giấy, lý thuyết. Đây cũng là cách chúng tôi đã và đang làm khi thực hiện đề tài này.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất