Trong ba ngày tới, từ 25-27/6 sẽ diễn ra các môn thi. Ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; Lịch sử, Địa lý với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Theo ghi nhận của Infonet, trong kỳ thi này, cả nước có gần 38.050 phòng thi; 1.980 điểm thi với 887.104 thí sinh. Trong đó, có 233.977 thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học (chiếm 26,38%); 622.925 thí sinh thi đăng ký để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm 70,22%); 30.202 thí sinh chỉ đăng ký để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 3,04%).
Trao đổi với báo PLO, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết năm nay Bộ quy định rõ cách thức bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi. Khu vực bảo quản bài thi, đề thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24/24 giờ, có camera an ninh giám sát ghi hình…
Các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan, thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi.
Năm nay, Bộ sẽ giao việc chấm bài thi trắc nghiệm cho các trường ĐH. Bộ đã sửa đổi, nâng cấp hoàn thiện phần mềm chấm trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi. Còn việc chấm bài thi tự luận (ngữ văn) do Sở GD&ĐT chủ trì. Tuy nhiên, Bộ sẽ quy định chặt chẽ việc cách ly khi làm phách, thực hiện nghiêm việc chấm hai vòng độc lập. Thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài thi đạt điểm cao sẽ được chọn để chấm kiểm tra…
Bên cạnh đó, công tác thanh tra thi cũng được Bộ GD&ĐT chú trọng và có nhiều đổi mới so với năm ngoái. Như cán bộ, công chức, viên chức sẽ không tham gia thanh tra, kiểm tra khi có người thân tham dự kỳ thi. Các cán bộ thanh tra, kiểm tra không được tự ý “bỏ chốt” mà không báo cáo lý do, tăng cường lực lượng thanh tra khâu chấm thi…