Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Em họ Hương Giang Idol- nữ giảng viên 22 tuổi ĐH Kinh tế Quốc dân: Tự tin không rêu rao mối quan hệ để 'ăn theo'

Học bổng cao nhất tại ĐH Augsburg (Mỹ), tốt nghiệp với bằng Honors (top 30 sinh viên ưu tú), IELTS 8.5, Hồng Nhung có nhiều thành tích đáng nhắc tới hơn việc là em người nổi tiếng.

9X Hà Nội trở thành giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân ở tuổi 22 Tốt nghiệp ngành Marketing, Augsburg University (Mỹ), Trần Hồng Nhung (28 tuổi, Hà Nội) về Việt Nam theo đuổi đam mê dạy học. Trở thành giảng viên ở tuổi 22 với cô là sự thuận lợi.

Ngày 9/3, cái tên Hương Giang được xướng lên đầy kiêu hãnh với ngôi vị cao nhất của Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2018. Sau hôm đó, mọi thông tin, mối quan hệ xoay quanh Hương Giang Idol đều có lực hút với dư luận và truyền thông như một lẽ tất nhiên.

Cách đây chưa lâu, thông tin về cô em họ xinh đẹp, tài giỏi của Hương Giang Idol bất ngờ được chia sẻ rộng rãi. Theo quán tính, người ta chú ý tới Hồng Nhung (28 tuổi) vì đây là “em gái của hoa hậu”, “chị em với người nổi tiếng”. Nhưng Nhung đâu chỉ có thế.

Dùng tính từ xinh đẹp để mô tả Hồng Nhung có người đồng tình, người không vì chưa gặp gỡ cô ngoài đời. Nhưng nói nữ giảng viên thông minh, giỏi giang có lẽ không ai phản đối sau khi nhìn profile của cô.

- Học bổng Presidential Scholarship (cao nhất) trị giá 37.000 USD/năm của ĐH Augsburg, Mỹ

- Tốt nghiệp ĐH Augsburg với bằng Honors (top 30 sinh viên ưu tú)

- TOEFL ibt 115/120, IELTS 8.5

- Chứng chỉ tiếng Trung Advanced do ĐH Hamline (Mỹ) chứng nhận

- Giải Nhì hát tiếng Trung của sinh viên toàn bang Minnesota

- Thành viên đội tuyển ĐH Augsburg tham gia Giải ngoại hạng môn Toán của sinh viên toàn bang Minnesota, đạt giải nhì

- Giảng viên ngành Marketing, ĐH Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) từ năm 22 tuổi; hiện giảng dạy cho các lớp hệ chất lượng cao bằng tiếng Anh

- Dạy giao tiếp và phát âm ở một trung tâm Anh ngữ tại Hà Nội

Bí mật gửi vài tháng lương hỗ trợ học trò

Trần Hồng Nhung trở thành giảng viên ngành Marketing - được cô xem là môn Kinh tế gần như duy nhất có thể thỏa sức sáng tạo thay vì áp đặt công thức Toán học cứng nhắc - tại ĐH KTQD khi mới 22 tuổi.

Ở độ tuổi quá trẻ, vừa tốt nghiệp ĐH Augsburg (bang Minnesota, Mỹ), nhiều người hoài nghi Hồng Nhung là “con ông cháu cha” mới thuận lợi thi đỗ giảng viên trường có tiếng với điểm số cao nhất.

Đáp lại câu hỏi “cha mẹ là ai?”, Nhung khiến mọi người ngạc nhiên bởi tiết lộ cha là lái xe, mẹ thợ may. 9X tin rằng trường đã đưa ra quyết định công tâm.

Hồng Nhung hiện là giảng viên Marketing cho các lớp hệ chất lượng cao tại ĐH KTQD, đã lập gia đình và có 2 con nhỏ.

“Để kịp về Việt Nam ứng tuyển, mình xin các giáo sư ở Augsburg làm bài thi trước một tháng và chấp nhận không dự lễ tốt nghiệp vào tháng 6. Ở lại Mỹ, kiếm việc làm theo chuyên ngành cho thu nhập khá không khó. Tuy nhiên, mình rất thích làm giáo viên - ước muốn mà ở Mỹ khó lòng thành hiện thực. Mình chưa từng hối hận về quyết định trở về”, Hồng Nhung chia sẻ với Zing.vn.

Tuổi chênh lệch với sinh viên không nhiều nhưng Hồng Nhung chưa từng gặp tình huống “dở khóc dở cười” như bị học trò trêu, không nghe lời. Cô nhận thấy tuổi trẻ là yếu tố thuận lợi để kết nối và gần gũi với sinh viên.

Khi hình ảnh của Hồng Nhung xuất hiện trên báo chí mới đây, thông qua confession, một cựu sinh viên gửi đến cô giáo cũ dòng tâm sự và tiết lộ cô từng gửi số tiền lớn để giúp đỡ sinh viên bị bệnh nặng.

“Hoá ra thế giới này còn có người tốt, giỏi, xinh đẹp, chung thuỷ lại khéo léo như vậy”, người học trò viết.

Hồng Nhung có 6 năm du học tại Mỹ, đều nhận được học bổng của trường.

Hồng Nhung từ chối chia sẻ chi tiết về câu chuyện cách đây 5 năm, bởi không muốn sinh viên từng được giúp đỡ cảm thấy mang ơn ai đó.

“Hồi đó mình mới 23 tuổi, chưa lập gia đình, vẫn được cha mẹ nuôi nên không đắn đo chuyện giúp đỡ sinh viên ốm. Mình góp nửa số tiền lớp kêu gọi, bằng vài tháng lương thực tập của mình, không phải số tiền lớn. Mình không muốn ai được giúp đỡ cũng phải nghĩ bị mang ơn. Mình cảm thấy nhẹ nhõm khi làm như vậy”, nữ giảng viên tâm sự.

9X bật cười với hình ảnh của mình ngày ấy trong mắt học trò rất gần gũi và thân thiết: “Cô hay cười lắm, đôi mắt cô cứ ngơ ngác nhưng khi giảng bài thì lời lẽ sắc bén thấu tim gan”.

Hồng Nhung luôn tâm niệm giáo viên là người chia sẻ kinh nghiệm, không phải bề trên mà sinh viên cứ sai phải phạt, quát mắng.

Quyết định đánh đổi tương lai ở Mỹ để về Việt Nam của Hồng Nhung chưa bao giờ khiến cô hối hận.

Top 30 sinh viên ưu tú ĐH Augsburg

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng lớp 5, Nhung mới bắt đầu học tiếng Anh, khá muộn so với nhiều bạn đồng trang lứa.

Cấp 2 Nhung học chuyên Toán, có giải nhất học sinh giỏi Toán cấp quận Hai Bà Trưng, nhưng cô vẫn đi học thêm, xem nhiều phim Mỹ, nghe tất cả bài hát của nhóm Westlife để trau dồi ngoại ngữ. Nhờ chăm chỉ, 9X thi đỗ lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chuyến ra nước ngoài đầu tiên của Nhung là một mình sang Campuchia thi TOEFL iPT vào hè năm lớp 10. Với Nhung, đây là trải nghiệm thú vị khi được một mình đi máy bay, du lịch, tự lo ăn ở. Cô đạt 550/677 điểm.

Đầu năm lớp 11, Hồng Nhung vào đội tuyển thi Anh quốc gia của trường chuyên ngữ nhưng chưa kịp dự thi. Khi ấy, trường trung học Nacel International School (nằm ở tiểu bang Minnesota, Mỹ) cấp nhiều học bổng cho học sinh Việt Nam, gia đình Nhung quyết định không bỏ lỡ cơ hội tốt.

Thiếu nữ 16 tuổi lần thứ hai ra nước ngoài một mình và ở cùng gia đình người Mỹ nhận nuôi (host family). Lớp 12 cô đạt 115/120 điểm TOEFL iBT.

ĐH Augsburg (cũng nằm ở bang Minnesota) là điểm dừng chân tiếp theo của Hồng Nhung trên con đường du học. Ngôi trường này không chỉ quan tâm thành tích học tập của sinh viên, mà còn là hoạt động xã hội.

Hồng Nhung tốt nghiệp ĐH Augsburg với bằng Honors (top 30 sinh viên ưu tú) .

Học bổng trị giá 37.000 USD/năm kèm theo điều kiện sinh viên phải học chương trình Honors (danh dự). Đồng nghĩa ngoài chương trình bình thường, Nhung phải học song song nhiều lớp đào tạo kiến thức chuyên sâu để có năng lực sinh viên toàn cầu.

Hồng Nhung thành thạo tiếng Anh, có thể giao tiếp bằng tiếng Trung và biết tiếng Pháp.

9X còn nằm trong đội tuyển ĐH Augsburg tham gia Giải ngoại hạng môn Toán của sinh viên toàn bang Minnesota và giành giải nhì đồng đội.

Nhà trường yêu cầu sinh viên học thêm tối thiểu một ngoại ngữ, Hồng Nhung chọn học tiếng Trung Quốc, thay vì phát triển khả năng tiếng Pháp từng học khoảng một năm ở trường cấp 3.

ĐH Hamline là nơi cấp chứng chỉ Advanced cho Nhung sau 3 năm học. Giờ không ứng dụng tiếng Trung vào việc gì, thỉnh thoảng cô vẫn xem phim để ôn lại.

Hai tháng trước, Hồng Nhung lần đầu thi IELTS và đạt mức 8.5/9.0 (nghe 9.0, đọc 8.5, nói 8.5, viết 8.0).

“Các bạn trẻ nên hoàn thành chương trình phổ thông ở Việt Nam trước khi đi du học. Bên cạnh đó, nếu không tự xin được học bổng thì không nên đi vì chi phí đắt đỏ”, Hồng Nhung đưa ra lời khuyên.

Hồng Nhung dạy con bằng phương pháp nhẹ nhàng, kiên nhẫn, thay vì quát mắng và roi vọt.

Không rêu rao mối quan hệ với Hương Giang để “ăn theo”

“Mình, Hương Giang và một người chị trạc tuổi nhau nên chơi từ bé rất thân thiết. Từ hồi mẫu giáo Giang đã rất thích làm con gái, công chúa, mình lại muốn làm con trai nên hai đứa rất hợp nhau”, Hồng Nhung mở lời chia sẻ về tình chị em với Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018.

Lên lớp 10, đã quá chán làm con trai, Hương Giang bắt đầu để tóc dài, mặc quần áo con gái. Nhà chỉ có duy nhất đứa con trai, bố Giang phản ứng gay gắt, cấm con làm điều “không bình thường”. Khi đó, Giang quyết tâm đến mức nhảy từ cầu thang tầng 3 xuống tầng một chảy máu đầu chỉ mong gia đình chấp nhận.

Hồng Nhung vừa xúc động, vừa ngưỡng mộ quyết tâm sống đúng với con người mình của chị họ Hương Giang.

“Hương Giang né tránh mọi cuộc họp gia đình vì sợ bị các bác mắng. Mình hiểu đó là lúc chị ấy khát khao sống đúng con người của mình. Mình tôn trọng lựa chọn của Giang”, Hồng Nhung nhớ lại.

Sau khi chuyển giới, Hương Giang vẫn trốn tránh gia đình vì không muốn nghe lời tiêu cực, sợ định kiến. Hồng Nhung từ Mỹ về nghỉ hè ủng hộ tinh thần Giang bằng cách kéo bằng được chị họ đi chơi, gặp gỡ mọi người để cô biết rằng không phải ai cũng phản đối lựa chọn chuyển giới.

Hồng Nhung chưa bao giờ thấy xấu hổ vì có chị họ là người chuyển giới.

Khi Hương Giang chưa nổi tiếng, xã hội Việt Nam không cởi mở với vấn đề chuyển giới, Hồng Nhưng không ngại nói với đồng nghiệp Giang là chị họ, là người thân. Ngay cả khi môi trường sư phạm khá khắt khe.

“Giờ cả gia đình mình đều tự hào về chị Hương Giang. Mình vui vì Giang đã thành công và câu chuyện của chị ấy sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều người sống thật với bản thân”, Nhung nói.

Người Bắc, người Nam nên giờ một năm Nhung và Hương Giang gặp nhau 2 lần vào dịp họp gia đình. Hai chị em vẫn trêu, chê nhau xấu, gầy… thoải mái như trước.

“Mình vui khi được mọi người nhớ đến là em họ Hương Giang. Nếu mình không có gì nổi bật, phải đem quan hệ với chị ấy đi rêu rao, đó mới là sự 'ăn theo'. Mình tin rằng câu chuyện của riêng mình cũng có thể truyền cảm hứng tích cực cho các bạn trẻ”, nữ giảng viên 9X chia sẻ.

Hơn hết, Trần Hồng Nhung muốn mọi người nhớ đến là giảng viên Marketing luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội. Facebook là nơi cô thường xuyên chia sẻ các bài bày tỏ quan điểm về vấn đề bảo vệ môi trường, trẻ em và động vật với hy vọng thay đổi ý thức giới trẻ.

“Tôi là người phụ nữ có thể thay đổi thế giới từ việc đơn giản nhất”, Nhung giới thiệu tại trang cá nhân. “Việc đơn giản nhất” với cô là tắt một cái đèn, bớt dùng một chiếc ống hút khi đi uống trà sữa… đến một số vấn đề lớn hơn như cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, ngừng ăn thịt chó.

Không được ai trả tiền để làm việc này, nhưng nữ giảng viên trẻ vẫn từng giờ, từng ngày cố gắng lan tỏa thông điệp tích cực vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Hồng Nhung hy vọng lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, trẻ em và động vật tới nhiều người.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất