Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra từ ngày 21/5 đến 14/6, dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến.
Với nhiều điểm mới, Dự thảo Luật Giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” trực tiếp cho những vấn đề mà dư luận quan tâm. Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này sẽ thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, những quy định thay đổi so với Luật Giáo dục đại học năm 2012 về thời gian, chương trình, tổ chức đào tạo và văn bằng giáo dục đại học như sau:
Đào tạo trình độ đại học được thực hiện tương đương từ 3 đến 5 năm học tập trung liên tục tùy theo ngành đào tạo đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cụ thể, thời gian học đại học rút gọn từ 3-5 năm (so với trước đây là 4-6 năm) để phù hợp hơn với thực tiễn và phân biệt rõ hơn chương trình đào tạo cử nhân và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù của một số ngành (đào tạo bác sĩ, kỹ sư…);
Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng; chuẩn đầu ra của chương trình phải phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam;
Hệ thống văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù;
Cơ sở giáo dục đại học tự chủ thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật; công bố công khai mẫu văn bằng, các thông tin liên quan đến việc cấp văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học;
Về tổ chức đào tạo, Dự thảo Luật quy định các cơ sở giáo dục đại học không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Dự thảo Luật được đề xuất sửa đổi 39/73 điều, chiếm 53% tổng số điều của Luật GD ĐH năm 2012 và bổ sung 2 điều, tập trung vào 04 nhóm chính sách lớn: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; Đổi mới quản trị đại học; Đổi mới quản lý đào tạo; Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.
Xuất phát từ những lý do trên, Bộ GD-ĐT đã xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết những vấn đề mới phát sinh và đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH trong thời gian tới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.